Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Ba, 26/11/2024 23:28 (GMT +7)
Nâng cao năng suất, chất lượng để tạo sức bật cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt
Thứ 3, 22/12/2020 | 08:52:00 [GMT +7] A A
Ngày 21/12, tại Hà Nội, Bộ Công Thương đã tổ chức “Diễn đàn năng suất, chất lượng ngành Công Thương năm 2020”. Theo đánh giá, sau 8 năm triển khai, Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công nghiệp do Bộ Công Thương chủ trì đã đạt được nhiều kết quả, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, tạo sức bật cạnh tranh cho doanh nghiệp Việt Nam.
Nâng cao năng suất, chất lượng doanh nghiệp
May 10 là một trong những công ty thực hiện nâng cao năng suất, chất lượng đem lại hiệu quả. Ông Bạch Thăng Long, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết, nhiều năm qua, công ty đã thực hiện cải tiến tổ chức sản xuất và nâng cao năng suất chất lượng, trong đó khâu kỹ thuật và con người là then chốt.
“May 10 đã đầu tư cho Phòng Kỹ thuật phần mềm thiết kế 3D, áp dụng rộng rãi trong thiết kế mẫu được khách hàng tin dùng, nhiều khách hàng duyệt mẫu trên phần mềm 3D đã tiết kiệm thời gian và ngyyên liệu trong chế tác mẫu”, ông Bạch Thăng Long cho hay.
Cùng với đó, để chủ động trong công tác nghiên cứu, May 10 đã thành lập 1 Phòng thí nghiệm (LAB) đạt tiêu chuẩn, đầu tư cho khâu cắt sản phẩm.
Ông Bạch Thăng Long cho biết, trước đây, May 10 quan tâm nhiều đến khâu may vì đây là công đoạn chủ chốt quyết định năng suất ra chuyền. Tuy nhiên do khâu cắt không đáp ứng được nên May 10 đã đầu tư hệ thống máy trải vải và máy cắt tự động, giúp giảm ít nhất 2 lao động thủ công/1 máy nhưng vẫn đáp ứng đầy đủ bán thành phẩm cho may với chất lượng đúng tiêu chuẩn. Ngoài ra, với các loại hàng kẻ, May 10 đầu tư hệ thống bàn trải vải cắm chông giúp có thể cắt được hàng kẻ chuẩn mà không phải gọt sửa lại, tiết kiệm ít nhất 4 lao động làm thân/1 bàn cắt.
Cùng với đó, công ty cũng đầu tư rất nhiều máy móc thiết bị hiện đại ở nhiều khâu, giúp giảm thời gian, chi phí. Đặc biệt, công ty chú trọng nâng cao năng suất, hướng dẫn, đào tạo nâng cao năng lực người lao động.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng phát biểu tại diễn đàn.
Thành công của May 10 là ví dụ tiêu biểu về hiệu quả của dự án Dự án Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công nghiệp. Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho biết, Dự án nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công nghiệp (Dự án) do Bộ Công Thương chủ trì thực hiện theo Quyết định số 604/QĐ-TTg ngày 25/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Đây là một trong 9 Dự án thuộc Chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020”.
Dự án hướng tới việc nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa công nghiệp chủ lực trên cơ sở áp dụng các giải pháp quản lý, ứng dụng khoa học, đổi mới công nghệ, đầu tư. Đồng thời, xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; áp dụng các hệ thống quản lý, công cụ cải tiến năng suất và chất lượng, các mô hình tiên tiến, quy trình sản xuất tiên tiến để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa công nghiệp.
Các hoạt động triển khai dự án đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao nhận thức và năng lực thực hiện các hoạt động cái tiến, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa tại doanh nghiệp.
Mặc dù về mặt số lượng, các mô hình triển khai tại doanh nghiệp chưa nhiều nhưng mức độ tác động và lan tỏa từ Chương trình nói chung và hoạt động của Dự án của Bộ Công Thương nói riêng là tích cực.
“Dự án đã triển khai xây dựng 468 mô hình điểm, tập trung vào 8 các ngành công nghiệp ưu tiên theo Quyết định 604. Có tới 99% doanh nghiệp đánh giá các mô hình thí điểm có hiệu quả, 95% doanh nghiệp tiếp tục duy trì các mô hình điểm sau khi Dự án kết thúc, trong đó có 23,4% các doanh nghiệp mở rộng phạm vi áp dụng là nhưng con số biết nói về hiệu quả, tính bền vững và lan tỏa từ các mô hình điểm của Dự án”, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết.
Tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng chuỗi cung ứng
Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết, hiện nay, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp đang đứng trước những yêu cầu và thách thức trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh để tận dụng và nắm bắt các cơ hội phát triển mới. Đó là cơ hội đến từ những hợp tác song phương và đa phương, đặc biệt là các Hiệp định thương mại hết sức quan trọng mà Việt Nam vừa ký kết như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP). Để nắm bắt và hiện thực hóa các cơ hội trên cần sự chủ động, tích cực của các doanh nghiệp; đồng thời cung cần sự chung tay, vào cuộc của các cơ quan quản lý Nhà nước.
Với những kết quả triển khai Dự án trong giai đoạn 2012 – 2020, Bộ Công Thương đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục giao xây dựng và triển khai Chương trình nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm hàng hóa ngành công nghiệp giai đoạn 2021 – 2030. Trong giai đoạn tiếp theo, các hoạt động của Chương trình sẽ tiếp cận một cách toàn diện để giải quyết vấn đề năng suất và cạnh tranh của ngành, doanh nghiệp. Trong đó, ở phạm vi doanh nghiệp, các hoạt động triển khai sẽ gắn với toàn bộ chuỗi cung ứng cũng như vòng đời sản phẩm, tập trung vào hỗ trợ doanh nghiệp nghiên cứu, phát triển sản phẩm, đổi mới công nghệ quản trị gắn với công nghệ sản xuất và từng bước thực hiện chuyển đổi số; đồng thời phát triển hệ sinh thái hỗ trợ hoạt động cải tiến năng suất chất lượng và đổi mới sáng tạo của các doanh nghiệp.
“Việt Nam đã và đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào trong nền kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp của chúng ta đang phải đương đầu với những đối thủ cạnh tranh lớn, có tiềm lực về tài chính, công nghệ, có trình độ quản lý hiện đại. Vì vậy, để có thể cạnh tranh và tham gia sâu hơn vào các chuỗi ung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp Việt Nam cần không ngừng đổi mới về công nghệ, thiết bị, áp dụng các hệ thống quản trị hiện đại, các công cụ cải tiến, mô hình kinh doanh tiến tiến để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, sức cạnh tranh của mỗi doanh nghiệp. Nâng cao năng suất, chất lượng cũng là vấn đề cốt lõi gắn với quá trình tái cơ cấu, chuyển đổi mô hình tăng trưởng của Việt Nam.Để đẩy mạnh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hàng hoá của các doanh nghiệp Việt Nam ngoài sự nỗ lực của doanh nghiệp cũng cần có sự tham gia, vào cuộc của nhiều bên liên quan như các bộ, ngành, hiệp hội…” , Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho hay.
Ban tổ chức Trao giải thưởng Cuộc thi Nhóm cải tiến Năng suất và chất lượng ngành Công Thương năm 2020.
Đại diện Bộ Công Thương cho biết, Bộ sẽ đẩy nhanh việc báo cáo Thủ tướng và triển khai Chương trình trong giai đoạn tiếp theo. Các hoạt động hỗ trợ từ phía Bộ Công Thương sẽ tập trung vào nâng cao năng lực thực hiện các giải pháp cải tiến năng suất chất lượng của các doanh nghiệp, tiếp tục triển khai việc hỗ trợ xây dựng các mô hình thí điểm áp dụng áp dụng một cách toàn diện các công nghệ quản trị cũng như nâng cấp, hiện đại hóa công nghệ sản xuất, đặc biệt gắn với việc ứng dụng công nghệ 4.0 và chuyển đổi số; phát triển hệ sinh thái phục vụ hoạt động đổi mới, phát triển sản phẩm, công nghệ cho các doanh nghiệp.
Tại chương trình, đại diện Bộ Công Thương đã trao Bằng khen cho các đơn vị, cá nhân có thành tích triển khai Dự án trong giai đoạn 2012 – 2020.
Cùng với đó, Ban tổ chức cũng Trao giải thưởng Cuộc thi Nhóm cải tiến Năng suất và chất lượng ngành Công Thương năm 2020. Theo đó, giải nhất thuộc về sáng kiến cải tiến năng suất dây chuyền lắp ráp bình xe máy tại xí nghiệp Ắc quy Đồng Nai, 2 giải nhì cho sáng kiến nhân rộng mô hình cải tiến năng suất 5 S từ văn phòng ra lưới điện của Nhóm cải tiến, Tổng công ty Điện lực Miền Bắc và sáng kiến của nhóm nghiên cứu, cái tiến, tổ chức sản xuất và 3 giả ba, 6 giải khuyến khích cho các sáng kiến của Tổng công ty Điện lực TP Hà Nội, Tổng công ty giấy Việt Nam, Công ty Cổ phần cơ khí Phổ Yên….
https://baotintuc.vn/kinh-te/nang-cao-nang-suat-chat-luong-de-tao-suc-bat-canh-tranh-cho-doanh-nghiep-viet-20201221173607428.htm
Ý kiến ()