Thứ Ba, 26/11/2024 04:57 (GMT +7)

Nâng chất lượng đào tạo nghề – Đa dạng chương trình đào tạo

Thứ 3, 22/09/2020 | 14:54:00 [GMT +7] A  A

Thực tế nhiều năm qua, nhiều trường nghề gặp khó khăn trong tuyển sinh, do cạnh tranh với các trường đại học. Tuy nhiên, với sự chủ động đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, đảm bảo đầu ra, nhiều trường nghề tại TP Hồ Chí Minh đã “đứng vững” trước yêu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động.

Mô hình đào tạo 9 thu hút học sinh

Với việc đa dạng chương trình đào tạo, các trường nghề đã thu hút và đáp ứng được nhu cầu học tập của nhiều đối tượng học sinh. Trong đó, mô hình 9 dành cho học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở theo học nghề tại các trường cao đẳng được triển khai hiệu quả.

Hiện nay, rất nhiều trường Trung cấp và Cao đẳng nghề trong cả nước đã tổ chức tuyển sinh và đào tạo theo mô hình 9 (mô hình đào tạo song song học nghề và học văn hóa tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp sau khi học sinh tốt nghiệp lớp 9). Ảnh minh họa: TTXVN

Mô hình đào tạo 9 tại Trường Cao đẳng Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh được thực hiện với 2 giai đoạn, gồm: Giai đoạn 1 học trung học phổ thông và chuyên ngành 1 (cấp bằng trung cấp chính quy và kết thúc học lớp 11); giai đoạn 2 học trung học phổ thông và chuyên ngành 2 (cấp bằng để thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia và cao đẳng chính quy).

Ông Nguyễn Đăng Lý – Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, mô hình 9 giúp học sinh được học song song văn hóa rút gọn (học 7 môn – học sinh có thể thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia) với học cao đẳng chính quy. Sau thời gian học 3,5 – 4 năm nhận bằng cao đẳng, các em có thể đi làm hoặc dễ dàng liên thông lên bậc đại học. Điều này không chỉ giúp học sinh tiết kiệm thời gian mà còn tiết kiệm chi phí học tập, đồng thời có điều kiện tiếp xúc với môi trường làm việc sớm hơn. Thống kê tuyển sinh đầu vào của trường những năm gần đây cho thấy, nhiều học sinh đạt học lực khá, giỏi vẫn lựa chọn học nghề, thay vì thi vào đại học, định kiến trường nghề chỉ dành cho những học sinh có học lực yếu dần được xóa bỏ.

Hàng năm, Trường Trung cấp Việt Giao dành 50% chỉ tiêu (trong tổng 500 chỉ tiêu) cho đối tượng tốt nghiệp trung học cơ sở. “Qua thời gian triển khai mô hình đào tạo kép 9 3, nhà trường đã nhận được phản hồi tích cực từ phía học sinh, phụ huynh, đồng thời được doanh nghiệp sử dụng lao động đánh giá cao. Chỉ trong 3 năm học, học sinh đã có 2 bằng, vừa có bằng hoàn thành bậc học trung học phổ thông vừa có bằng trung cấp chính quy và có cơ hội liên thông lên bậc học cao hơn” – ông Trần Phương, Hiệu trưởng trường Trung cấp Việt Giao cho biết.

Theo ông Trần Phương, các ngành đào tạo của trường tập trung vào khối ngành dịch vụ như khách sạn, du lịch, kỹ thuật chế biến món ăn. Nhóm ngành này thị trường lao động đang rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao. Trong giai đoạn hội nhập, bên cạnh kiến thức chuyên môn, kỹ năng mềm và ngoại ngữ là những yêu cầu rất quan trọng để học sinh đáp ứng tốt công việc sau khi ra trường. Thực tế, điểm yếu của lao động nước ta là kỹ năng mềm và khả năng thích ứng công việc thực tế. Cùng với chuyên môn, nhà trường chú trọng giúp học sinh hoàn thiện kỹ năng mềm cần thiết như: Kỹ năng hội nhập kinh tế quốc tế, tạo mối quan hệ…; tăng cường dạy Anh văn và những ngoại ngữ chuyên ngành khác như: Hoa, Nhật, Hàn Quốc, Pháp, Thái Lan, Campuchia… tùy theo ngành.

Cùng với mô hình 9 đang được nhiều trường triển khai hiệu quả, một số trường nghề cũng rất năng động trong thiết kế chương trình đào tạo, đáp ứng nhu cầu học tập của nhiều đối tượng học sinh. Ông Lê Hồng Việt – Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp quốc tế Sài Gòn chia sẻ, đáp ứng nhu cầu học sinh cũng như yêu cầu đơn vị sử dụng lao động, năm 2020 trường bắt đầu tuyển sinh các lớp chất lượng cao ngành Y sĩ y học cổ truyền, với đầu vào tốt nghiệp trung học phổ thông trở lên. Theo đó, chương trình đào tạo song song giữa lý thuyết tại trường và thực hành tại các cơ sở y tế, giúp học sinh vững tay nghề sau khi ra trường. “Nếu sinh viên tham gia học trên 90% tổng thời lượng học của chương trình, nhà trường cam kết sau khi ra trường, nếu chuyên môn yếu không làm được nghề sẽ hoàn trả học phí 100% cho sinh viên” – ông Lê Hồng Việt thông tin.

Năm học 2020-2021, Trường Cao đẳng quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh cũng bắt đầu triển khai chương trình đào tạo chất lượng cao với sự hỗ trợ của Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh và Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Cụ thể, chương trình chất lượng cao được thực hiện với các ngành kinh tế như: Quản trị doanh nghiệp, Quản trị nhà hàng khách sạn, Hướng dẫn viên du lịch, Kinh doanh quốc tế, Marketing thương mại (liên kết với Trường Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh); ngành Kỹ sư bảo dưỡng công nghiệp (Trường Đại học Bách khoa, Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). Cùng với đào tạo học văn hóa rút gọn 7 môn như chương trình đại trà, chương trình đào tạo nghề sẽ được 2 trường đại học này chuyển giao chương trình đào tạo, hỗ trợ giảng viên giảng dạy, địa điểm thực hành. Sinh viên có thể học liên thông lên bậc đại học 2 trường này nếu đạt yêu cầu thi tuyển.

Liên kết nâng cao hiệu quả đào tạo

Liên kết nhà trường và doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả công tác đào tạo cũng như giải quyết việc làm cho học sinh, sinh viên sau tốt nghiệp là vấn đề được nhiều trường nghề chú trọng để thu hút người học.

Năm nay, Trường Trung cấp Việt Giao tuyển sinh 500 chỉ tiêu cho cả hai đối tượng tốt nghiệp trung học cơ sở và trung học phổ thông. Hiệu trưởng Trường Trung cấp Việt Giao Trần Phương cho biết, chỉ tiêu tuyển sinh được nhà trường tính toán dựa trên nhu cầu thực tế của nhà tuyển dụng. Để có cơ sở về nhu cầu tuyển dụng, nhà trường đã ký kết hợp tác với nhiều doanh nghiệp. Điều này không chỉ giúp học sinh có điều kiện thực tập, làm thêm ngay trong quá trình học, mà sau khi tốt nghiệp, các doanh nghiệp sẵn sàng tiếp nhận học sinh vào làm việc. Nhờ vậy, nhiều năm qua trường đã đảm bảo đầu ra cho học sinh.

Theo ông Lê Hồng Việt, Phó Hiệu trưởng Trường Trung cấp quốc tế Sài Gòn, không chỉ thu hút nhiều học sinh vào học mà nhà trường luôn quan tâm đến việc các em ra trường làm được gì. Vì vậy, trường chú trọng kết nối với các doanh nghiệp, cơ sở y tế trong đào tạo thực hành. Hiện trường thực hiện liên kết với doanh nghiệp cho hơn 90% các ngành nghề đang đào tạo, qua đó góp phần nâng cao hiệu quả đào tạo. Với thời lượng học thực hành 70% tổng thời gian học, các em có điều kiện rèn luyện để thành thạo nghề trước khi ra trường. Nhiều học sinh đã được các nhà tuyển dụng “đặt hàng” ngay từ khi bước vào năm thứ 2. Với những em sau khi ra trường tay nghề chưa cao, nhà trường sẽ tạo điều kiện để học lại miễn phí những kỹ năng còn thiếu.

Trong 2 năm trở lại đây, Ban Giám hiệu Trường Cao đẳng quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh giao cho các khoa trực tiếp ký cam kết 100% học sinh, sinh viên ra trường có việc làm, thay vì nhà trường ký cam kết như trước đây. Ông Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ, việc trực tiếp đứng ra ký cam kết sẽ tăng thêm trách nhiệm của mỗi khoa với học sinh của mình. Theo đó, để đạt được mục tiêu 100% sinh siên có việc làm, mỗi khoa phải chủ động xây dựng, thiết kế chương trình đào tạo, phương pháp giảng dạy, đồng thời liên kết với doanh nghiệp trong giảng dạy, phản biện xây dựng chương trình, hỗ trợ đầu ra cho người học… qua đó sẽ tạo được “sản phẩm” chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường lao động.

Không chỉ tham gia xây dựng chương trình đào tạo, tạo cơ hội việc làm cho học sinh các trường, để có được nhân lực tốt, nhiều doanh nghiệp cũng đưa nhân sự tham gia vào quá trình giảng dạy tại trường. Tham gia giảng dạy 3 năm tại Trường Cao đẳng quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh, anh Lê Văn Đờn Em, Trưởng phòng Kỹ thuật, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Xây dựng Thương mại Hào Huy cho biết, đến nay Công ty đã tuyển được gần 20 sinh viên của trường vào làm việc ở nhiều vị trí như kiểm toán, giám sát, thiết kế… Sau thời gian thử việc với mức lương 7 triệu đồng/tháng, hầu hết các em đều đạt yêu cầu công việc và chính thức là nhân viên của Công ty, mức lương tùy năng lực của từng em.

Theo Sở Lao động – Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh, hiện trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 560 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đào tạo từ trình độ cao đẳng, trung cấp đến các khóa sơ cấp, ngắn hạn với quy mô đào tạo hơn 500.000 sinh viên, học viên mỗi năm. Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tập trung đào tạo nhân lực phục vụ nhu cầu lao động ở 4 nghề công nghiệp trọng yếu, 9 nghề dịch vụ chủ yếu và nhóm ngành tự do dịch chuyển lao động khối ASEAN.

Thu Hoài (TTXVN)
https://baotintuc.vn/giao-duc/nang-chat-luong-dao-tao-nghe-bai-cuoi-da-dang-chuong-trinh-dao-tao-20200922073349500.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu