Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 28/11/2024 03:29 (GMT +7)
Nặng tình- nặng nghĩa với thương binh nặng
Thứ 4, 27/07/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Đến thăm làng thương binh Nhị Thành, huyện Thủ Thừa giữa những ngày tháng 7 tri ân, tháng mà cả nước hướng về những người con không tiếc máu xương của mình cho giá trị của hòa bình và độc lập hôm nay mới cảm nhận được hết giữa nhịp sống hối hả, đua chen của đời, lại có nơi mà tình yêu, tình người còn nồng nàn đến vậy.
Là nữ thương binh duy nhất về sinh sống trong khu tập thể làng thương binh Nhị Thành từ ngày mới thành lập, những tưởng khiếm khuyết, bệnh tật trên cơ thể do thương tích chiến tranh để lại sẽ khiến bà Hồ Thị Ánh, người con của quê hương Đức Hòa anh hùng sẽ phải chịu thiệt thòi, khép mình lại với cảnh sống đơn lẻ. Có ngờ đâu duyên số mà đúng hơn là sự đồng điệu và thấu cảm của 2 thương binh đã khiến bà Ánh phải lòng và kết duyên với ông Phạm Văn Liềng, 1 trong 70 thương binh nam về sinh sống tại đây. Vượt qua mọi rào cản của gia đình và cái nhìn ái ngại của mọi người cho tương lai nhiều chông chênh của 2 vợ chồng đều là thương binh nặng, ông Liềng – bà Ánh bằng sự lạc quan của người lính và tình yêu không giới hạn đã giúp họ vượt qua những khó khăn, thử thách của cuộc sống như cách mà họ đã từng đi qua cuộc chiến.
Hai thương binh nặng gắn kết một cuộc đời
Ngoài vết thương chiến tranh, 2 vợ chồng còn mang trong mình nỗi đau da cam dioxin, thậm chí ngay cả thiên chức làm mẹ cũng khó thực hiện được nhưng chưa bao giờ họ thấy thiệt thòi. Ấy vậy mà như một phép màu, ở tuổi 42 họ mừng đến rơi nước mắt khi chào đón đứa con trai đầu lòng và cũng là duy nhất chào đời khỏe mạnh.
Đôi chân không còn nhưng chính chiếc xe tự chế đã trở thành người bạn đồng hành giúp ông Liềng đưa bà Ánh đi khắp chốn và còn nhiều nơi đã hứa hẹn sẽ cùng nhau đến… nhưng chưa kịp đi thì vết thương tái phát, ông Liềng nằm 1 chỗ trên giường, chiếc xe cũng nằm im, đầy bụi …. nhưng chắc chắn những ký ức đẹp sẽ còn mãi trong hoài niệm của 2 vợ chồng thương binh này để tiếp thêm niềm tin và nghị lực giúp họ nắm nay nhau đi hết quảng đường đời còn lại phía trước.
Khác với bà Ánh, bà Phạm Thị Dần là một người con xứ Nghệ khỏe mạnh, đang ở lứa tuổi đẹp nhất đời người – tuổi 18 nhưng đã vượt qua mọi lời bàn tán để thuyết phục gia đình cho mình được làm vợ ông Phạm Văn Đực – người thương binh nặng miền Nam đang nằm an dưỡng trên quê hương miền Bắc.
Sau khi kết hôn, 2 vợ chồng về làng thương binh Nhị Thành lập nghiệp, vượt qua những thăng trầm cuộc sống, vượt qua cả màn đêm luôn bao trùm lấy những năm dài gian khó tưởng chừng như kiệt sức khi bà Dần vừa sát cánh bên chồng, vừa chiến đấu với bệnh tật vừa làm thêm để mưu sinh với một nách ba con. Ông Đực là thương binh nặng nhưng cũng tìm được nghề sạc bình điện để san sẻ với vợ phần nào khó khăn. Cứ thế, cái tình cái nghĩa vợ chồng hơn 40 năm sâu nặng đã giúp họ hạnh phúc bên nhau với ba người con hiền hậu, những đứa cháu ngoan ngoãn.
Hạnh phúc bình dị của gia đình bà Phạm Thị Dần
Thời chiến, những người lính như ông Liềng, ông Đực đã vịn vào cây súng, vịn vào đồng đội mà bước đi. Còn về với thời bình, không may trở thành thương binh, nơi mà các ông có thể dựa vào để sống và bước tiếp không ai khác chính là người vợ của mình.
Hạnh phúc chính là tổ ấm được xây dựng khi con người nặng tình, nặng nghĩa với sự hy sinh, sẻ chia cho nhau. Hạnh phúc ấy khiến chúng ta thêm khâm phục trước sự can trường, nghĩa tình của những người phụ nữ, người vợ. Không chỉ có bà Ánh, bà Dần mà bà Hoàng Thị Biển cũng đầy tự hào và hạnh phúc khi làm vợ thương binh nặng Phan Văn Khỏe ở trung tâm điều dưỡng thương binh nặng và người có công Long Đất, tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu dẫu biết rằng thương binh nặng như những “liệt sĩ sống” suốt năm dài mang trong mình trọng bệnh, gắn trong mình trọng thương. Để rồi, từ ngày ông trở thành liệt sĩ, bà vẫn chưa nguôi ngoai niềm thương nhớ.
Tình yêu của những người thương binh, đặc biệt là đức hi sinh, sự cao thượng của những người phụ nữ khiến tình yêu đơm hoa, kết trái để thế hệ mai sau viết tiếp những bài ca anh hùng về người lính, về người phụ nữ Việt Nam trung hậu, đảm đang./.
Duy Huệ – Đức Cảnh
Ý kiến ()