Ngôi sao sáng nhất trong trời đêm có tên Sirius, còn được biết tới với biệt danh “sao chó” hay Alpha Canis Majoris.
Nhưng điều này có thể thay đổi nếu một dự án gây quỹ dựa vào cộng đồng ở Nga cất cánh như kế hoạch vào cuối năm nay.
Trong dự án mang tên “Mayak,” các kỹ sư đã hy vọng sẽ phóng một vệ tinh lên không gian và nó sẽ trở thành vật thể sáng nhất trên bầu trời của chúng ta, bên cạnh Mặt trời, nhờ một hệ thống phản chiếu ánh sáng khổng lồ.
Cuộc phóng vệ tinh đã được lên kế hoạch diễn ra trong mùa Hè này. Vệ tinh sẽ được đưa lên vũ trụ bằng một quả tên lửa Soyuz 2, với sự giúp đỡ từ Cơ quan hàng không vũ trụ Nga Roscosmos.
Nhóm đứng sau dự án có ý định đặt vệ tinh tại vị trí có độ cao khoảng 600 km so với mặt đất. Nó có quỹ đạo đồng bộ với Mặt trời. Điều này có nghĩa vệ tinh sẽ luôn được Mặt trời rọi sáng và ánh sáng được phản chiếu trở lại, xuống nhiều khu vực khác nhau trên Trái đất khi vệ tinh hoạt động.
Theo nhóm đứng sau dự án, vệ tinh của họ sẽ có kích thước không quá lớn. Nhưng nó có thể phóng ra một hệ thống phản chiếu ánh sáng mặt trời có hình kim tự tháp khổng lồ.
“Gương” phản chiếu có diện tích 16m vuông, làm từ các tấm phim polymer mỏng hơn 20 lần tóc người. Người ở dưới Trái đất có thể nhìn thấy ánh sáng phản chiếu từ mọi góc độ.
Mục tiêu của dự án là cổ súy hoạt động nghiên cứu không gian ở Nga và khiến khoa học kỹ thuật trở thành lĩnh vực thu hút sự quan tâm của người Nga trẻ tuổi.
Bản thân vệ tinh này không phục vụ mục đích gì đặc biệt, ngoài việc phản chiếu ánh sáng Mặt trời.
Nhóm dự án Mayak gần đây thông báo họ đã quyên đủ tiền để thực hiện giai đoạn tiếp theo của việc thử nghiệm quả tên lửa mang vệ tinh. Mục tiêu quyên góp 1,5 triệu ruble (20.320 USD) đã hoàn thành và tính tới sáng ngày thứ Ba vừa qua, đội đã vận động quyên góp được 1,8 triệu ruble từ 2.322 nhà tài trợ trên trang quyên góp Boomstarter.
“Chúng tôi đang đưa một vệ tinh lên không gian và nó sẽ là ngôi sao sáng nhất trên trời, có thể được nhìn thấy từ bất kỳ điểm nào trên hành tinh của chúng ta,” lãnh đạo dự án, ông Alexander Shaenko, một nhà nghiên cứu tại Đại học kỹ thuật cơ khí Moskva, cho biết./.
Ý kiến ()