Thứ Năm, 28/11/2024 10:40 (GMT +7)

Ngành Giáo dục huyện Bến Lức không ngừng nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo

Thứ 4, 15/11/2023 | 11:54:33 [GMT +7] A  A

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Bến Lức lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra nhiều mục tiêu quan trọng; trong đó, lĩnh vực giáo dục và đào tạo được đặc biệt quan tâm. Ngành Giáo dục huyện đã và đang triển khai tuyên truyền, thực hiện các mục tiêu, tiêu chí trong toàn ngành nhằm góp phần cùng địa phương đạt và vượt các mục tiêu đã đề ra.

Trường Tiểu học Tân Hòa vừa được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện hoàn thành hồ sơ công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia

Chất lượng giáo dục chuyển biến căn bản, toàn diện

Trong 5 năm qua, mặc dù kinh tế - xã hội của huyện còn gặp một số khó khăn do tình hình dịch bệnh, song lĩnh vực giáo dục - đào tạo (GD-ĐT) luôn nhận được sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và sự ủng hộ, phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể trong huyện. Theo đó, toàn ngành thực hiện có hiệu quả 9 nhiệm vụ chủ yếu và 5 nhóm giải pháp cơ bản theo Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT, tạo được sự chuyển biến căn bản, toàn diện về chất lượng, hiệu quả giáo dục và đào tạo.

Hiện tại, toàn huyện có 53 cơ sở giáo dục, trong đó trường ngoài công lập là 03, gồm 02 trường Mầm Non (MN) và 01 trường Tiểu học (TH) - Trung học cơ sở (THCS) - Trung học phổ thông (THPT); trường công lập là 50, gồm 46 trường MN, TH, THCS và 04 trường THPT. Có 28/50 trường công lập đạt chuẩn quốc gia, tỷ lệ 56%. Phấn đấu đến cuối năm 2023 đạt thêm 02 trường (chỉ tiêu Nghị quyết là 30 trường)

Các trường học trên địa bàn huyện đều có thư viện đạt chuẩn

Tỷ lệ huy động trẻ 5 tuổi vào mẫu giáo, trẻ 6 tuổi vào lớp 1 và học sinh hoàn thành chương trình tiểu học vào học lớp 6 hàng năm đều đạt 100%. Có 100% trường mầm non - mẫu giáo được học 2 buổi /ngày và có tổ chức bán trú; có trên 70% học sinh tiểu học được học 2 buổi/ngày. Công tác phổ cập giáo dục - xóa mù chữ (PCGD-XMC) được duy trì và tỷ lệ luôn được nâng lên; hàng năm được UBND tỉnh công nhận đạt chuẩn PCGD mầm non cho trẻ 5 tuổi, PCGD tiểu học mức độ 3, PCGD THCS mức độ 3; tỷ lệ thanh niên trong độ tuổi 18-21 đạt trình độ học vấn THPT và tương đương 86,29%. Công tác phân luồng học sinh sau Tốt nghiệp THCS được quan tâm, đạt 20,7% học nghề. Công tác bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ giáo viên đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu. 100% cán bộ quản lý, giáo viên đạt chuẩn và trên chuẩn về trình độ đào tạo. Trong đó, số cán bộ quản lý, giáo viên có trình độ trên chuẩn chiếm tỷ lệ hơn 84%.

Phấn đấu vươn tầm trên lĩnh lực “Trồng người”

Với nền tảng đã đạt được, huyện Bến Lức xác định chỉ tiêu GD-ĐT giai đoạn 2020 - 2025 và định hướng đến năm 2030 là xây dựng mạng lưới trường, lớp học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện. Quy hoạch phát triển mạng lưới trường, lớp học phù hợp với quy mô số học sinh các cấp trên từng địa bàn xã, thị trấn. Nâng dần tỷ lệ chuẩn hóa đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên; phấn đấu đến năm 2030 giáo viên tiểu học, THCS có trình độ đại học trở lên đạt 100%, giáo viên mầm non có trình độ cao đẳng trở lên đạt 100%. Thực hiện tốt chủ trương xã hội hóa phát triển mạng lưới trường lớp, nhất là đối với giáo dục mầm non. Thu hút nhiều thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển giáo dục; thúc đẩy tiến trình hội nhập và hợp tác quốc tế về phát triển giáo dục.

: Tập thể, cá nhân ngành Giáo dục huyện nhận bằng khen điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước.

Nhằm góp phần hoàn thành thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XII, ngành Giáo dục huyện đề ra các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể: Đẩy mạnh việc đổi mới căn bản, toàn diện và nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo. Xây dựng xã hội học tập đáp ứng nhu cầu của Nhân dân. Tiếp tục đầu tư để các trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 trở lên; thu hút đầu tư các nguồn lực ngoài ngân sách để đầu tư hệ thống trường lớp đạt chất lượng cao theo chuẩn quốc gia trên địa bàn huyện. Chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục thường xuyên, PCGD và thực hiện tốt chủ trương phân luồng sau THCS.

Tổ chức tuyên truyền sâu rộng trong Nhân dân về công tác xã hội hóa giáo dục, mở rộng loại hình trường dân lập, tư thục; đẩy mạnh phong trào khuyến học, khuyến tài ở cơ sở. Phối hợp với các cơ quan chức năng vận động xã hội hóa, vận động người dân hiến đất xây dựng, mở rộng diện tích khuôn viên nhà trường. Xây dựng quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục gắn với nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Thực hiện chuẩn hóa đội ngũ nhà giáo theo từng cấp học và trình độ đào tạo.

Bên cạnh việc truyền đạt kiến thức, các trường học còn chú trọng rèn luyện kỹ năng sống cho các em học sinh

Chú trọng việc tuyển chọn, sử dụng, đánh giá nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục. Chú trọng đến nâng cao đạo đức nghề nghiệp, tác phong của nhà giáo để làm gương cho học sinh noi theo. Tăng cường chỉ đạo xây dựng nề nếp, kỷ cương, dân chủ trong nhà trường; xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường. Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục ở các cấp học, quan tâm phát triển phẩm chất, năng lực người học; trong đó chú trọng “dạy chữ, dạy nghề, dạy người”, giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống, kỹ năng tự học, tự rèn luyện, ý thức trách nhiệm với gia đình, cộng đồng và xã hội. Bên cạnh đó là tăng cường đầu tư xây dựng mạng lưới trường lớp, cơ sở vật chất đạt chuẩn theo quy định./.

Việt Hằng

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu