Thứ Hai, 25/11/2024 12:11 (GMT +7)

Ngành học nào đang thu hút thí sinh đăng ký xét tuyển đại học nhiều nhất?

Thứ 5, 18/07/2019 | 09:34:00 [GMT +7] A  A

VOV.VN- Khối ngành kinh doanh, quản lý thu hút nguyện vọng đăng ký nhiều nhất. Chỉ tiêu của ngành này ở hệ ĐH có 126.473 nhưng số đăng ký lên tới 822.956.

Ngày 17/7, Bộ GD-ĐT tổ chức Hội nghị trực tuyến về công tác tuyển sinh năm 2019, thông tin tổng kết công tác tổ chức coi thi, chấm thi và chuẩn bị tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm hệ chính quy năm 2019.

Thí sinh tham gia Ngày hội tư vấn tuyển sinh trước khi đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH

Theo thông tin Bộ GD-ĐT cung cấp tại hội nghị, năm 2019 khối ngành kinh doanh, quản lý thu hút nguyện vọng đăng ký nhiều nhất. Cụ thể, chỉ tiêu của ngành này ở hệ đại học có 126.473 nhưng số nguyện vọng đăng ký lên tới 822.956.

Tiếp đó về khối ngành an ninh xã hội, an ninh quốc phòng với số nguyện vọng đăng ký cao thứ hai,với 739.587 nguyện vọng, trong khi chỉ tiêu hệ đại học chỉ tuyển 105.000 chỉ tiêu.

Khối ngành giáo viên có khoảng 100.000 nguyện vọng đăng ký, khối ngành sức khỏe cao hơn một chút với gần 200.000 nguyện vọng.

Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) yêu cầu các trường ĐH: “Năm nay, rất ít thí sinh đăng ký nguyện vọng vào các trường trung cấp. Do đó, các trường phải chủ động báo cáo, tránh tình trạng như năm ngoái một số trường chỉ có vài em đăng ký, sau đó trường phải nâng điểm trúng tuyển lên để các em đều trượt”.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng cũng lưu ý các trường không nên mất công sức nghĩ ra các tổ hợp mới, các ngành mới lạ để thu hút thí sinh. Bởi, theo thống kê của Bộ GD-ĐT, các tổ hợp mới, lạ này chỉ chiếm chưa đến 10% số thí sinh đăng ký.

Năm nay, có một số trường thông báo kết quả xét tuyển trước khi xét tốt nghiệp, theo bà Kim Phụng, các trường phải chịu trách nhiệm giải trình về quy chế tuyển sinh như: Thông báo kết quả xét tuyển học bạ trước khi xét tốt nghiệp; Xét tuyển học bạ đối với ngành sức khỏe không yêu cầu học lực khá, giỏi… Đồng thời, rà soát lại đề án tuyển sinh như: Chỉ tiêu, ngành, tổ hợp, tiêu chí phụ, điểm xét tuyển môn năng khiếu (nếu có)… phải chính xác với cơ sở dữ liệu đã khai báo trong Hệ thống nghiệp vụ thi và tuyển sinh.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT)

Các trường phải báo cáo và công khai toàn bộ danh sách thí sinh trúng tuyển để xã hội giám sát và chúng ta giám sát lẫn nhau. Nếu các trường tuyển sinh chui, tuyển sinh lậu sẽ phạt hành chính và trong vòng 5 năm không được tự chủ tuyển sinh.

Bà Phụng cũng cho biết, các trường công bố nhận hồ sơ, điểm sàn trước ngày 22/7 và mọi phương thức tuyển sinh đều phải tuân thủ điểm sàn. Để đảm bảo công tác tuyển sinh diễn ra thành công, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường tiếp tục đăng tải đầy đủ thông tin và trực giải đáp thắc mắc cho thí sinh, đặc biệt từ ngày 22/7 đến 31/7 khi thí sinh điều chỉnh nguyện vọng.

Các trường ĐH phải có trách nhiệm với tỷ lệ sinh viên có việc làm

Một trong những vấn đề được đề cập tới tại Hội nghị là nâng cao chất lượng đào tạo của các trường đại học.

Theo ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT), đích đến của các trường đại học không phải tuyển sinh, cũng không phải quá trình đào tạo. Điểm đến phải là sản phẩm đầu ra, là chất lượng đào tạo đáp ứng nhu cầu xã hội mà trách nhiệm cuối cùng phải thể hiện được là tỷ lệ sinh viên có việc làm.

Hiện nay phần lớn các trường đại học đã có bộ phận chăm lo công tác đảm bảo chất lượng nhưng cơ chế hoạt động, tầm nhìn của trường ĐH, cách tiếp cận thế nào đang còn rất khác biệt. Những cơ sở nào tạo thuận lợi cho hệ thống này thì chất lượng đào tạo tốt, việc tuyển sinh cũng thuận lợi hơn.

Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng (Bộ GD-ĐT).

Cả nước hiện đã có 251/268 cơ sở giáo dục đại học (218 đại học, 33 cao đẳng) đã hoàn thành việc tự đánh giá. Như vậy, còn khoảng 20 trường chưa làm việc tự đánh giá. Trong số này mới chỉ có 121 cơ sở giáo dục được đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở giáo dục. Trong đó 181 trường đại học, 3 cao đẳng, 6 cơ sở giáo dục đại học đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng theo chuẩn của các tổ chức quốc tế.

Để nâng cao chất lượng giáo dục, ông Mai Văn Trinh cho rằng, các trường ĐH cần có đội ngũ cán bộ quản lý, giảng dạy; cơ sở vật chất trang thiết bị phục vụ đào tạo thật tốt.

Các trường cần có trách nhiệm với sinh viên để sao cho các em ra có việc làm. Bên cạnh đó là cần công khai các điều kiện đảm bảo chất lượng của trường và phải chịu trách nhiệm trước xã hội về những thông tin công khai đó.

Theo ông Mai Văn Trinh, các trường đại học cũng phải tập trung kiểm định chất lượng, trong đó đặc biệt quan tâm kiểm định các chương trình đào tạo. Khoản 5 điều 33 Luật Giáo dục Đại học sửa đổi đã quy định rõ: Nếu một chương trình đào tạo trong quá trình đào tạo không thực hiện đánh giá và kiểm định chất lượng hoặc kiểm định chất lượng nhưng không đạt thì phải dừng quá trình tuyển sinh tiếp theo.

Đối với cơ sở giáo dục đào tạo, nếu không đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng thì không được tăng chỉ tiêu tuyển sinh. Đây là những vấn đề hết sức căn cốt đã quy định rõ trong Luật Giáo dục.

Tất cả những điều nêu trên phải gắn với trách nhiệm giải trình và công khai trước xã hội./.

Bích Lan/VOV.VN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu