Thứ Sáu, 29/11/2024 21:54 (GMT +7)

Ngành khai thác thủy sản tại Cà Mau đối mặt nhiều khó khăn

Thứ 7, 05/10/2019 | 08:54:00 [GMT +7] A  A

Vùng biển tỉnh Cà Mau là một trong bốn ngư trường trọng điểm của cả nước, với trữ lượng hải sản lớn và phong phú về chủng loại, có giá trị kinh tế cao. Thế nhưng, trong những năm gần đây, ngành khai thác hải sản của địa phương đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, đặc biệt là tình trạng khai thác quá mức dẫn đến cạn kiệt nguồn lợi thủy sản.

Ngành khai thác thủy sản tại Cà Mau đối mặt nhiều khó khăn. Ảnh: Vũ Sinh/TTXVN

Điều này xuất phát từ việc nhận thức của ngư dân còn kém nên ngư dân đánh bắt trong vùng cấm khai thác, vùng hạn chế để khai thác thủy hải sản theo kiểu tận thu. Bên cạnh đó, việc quản lý, kiểm tra… vẫn còn nhiều chồng chéo đã khiến cho nghề khai thác thủy sản gặp nhiều khó khăn.

Hiệu quả khai thác thấp

Theo báo cáo của UBND tỉnh Cà Mau, qua 9 tháng, sản lượng khai thác thủy sản của tỉnh đạt hơn 154.000 tấn, tăng 7,4% so với cùng kỳ. Thế nhưng, sản lượng khai tôm chỉ đạt hơn 7.000 tấn, giảm 21,2% so với cùng kỳ năm 2018. Trong khi đó, tôm là mặt hàng xuất khẩu chủ lực không chỉ riêng tỉnh Cà Mau mà còn của cả nước.

Trong những năm qua, nghề khai thác hải sản luôn được quan tâm, nên đã trờ thành một trong những nghề kinh tế mũi nhọn của tỉnh, từ đó giải quyết công ăn việc làm cho hàng chục nghìn lao động ở các địa phương ven biển. Không chỉ có vậy, nghề khai thác thủy sản còn thúc đẩy phát triển các hoạt động kinh doanh và dịch vụ hậu cần đi kèm khác.

Cửa biển Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời) không chỉ là cửa biển lớn nhất của tỉnh Cà Mau mà còn của cả khu vực, nơi luôn có số lượng tàu khai thác thủy tập trung về đây.

Anh Trần Thanh Mỹ, thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời cho biết, gia đình anh có 2 tàu cá, nhưng hiện tại chỉ có một tàu đang hoạt động cầm chừng trên biển, chiếc còn lại phải nằm bờ vì từ đầu năm đến nay khai thác không hiệu quả, thua lỗ liên tiếp.

“Trong thời gian gần đây, thời tiết thất thường, mưa bão liên tục, nếu cứ tiếp tục cho tàu ra khơi cũng không đánh bắt hiệu quả, trong khi chủ tàu phải trả tiền nhiên liệu, tiền cho ngư phủ thì chắc chắn sẽ lỗ nặng hơn”, anh Mỹ phân tích.

Theo tính toán của nhiều chủ tàu, tùy theo công suất mà chi phí ra khơi trong một chuyến biển dao động từ 60 – 120 triệu đồng/phương tiện, khiến hiệu quả khai thác chỉ từ đủ vốn đến thua lỗ. Từ đó, số lượng phương tiện nằm bờ ngày càng nhiều. Tại cửa biển Sông Đốc đã có hơn 10 chiếc tàu cá phải nằm bờ do không còn khả năng hoạt động.

Hiện đang vào vụ khai thác thủy sản chính trong năm nhưng theo ông Đoàn Quốc Lượm, khóm 2, thị trấn Sông Đốc cho rằng, nguồn lợi thủy sản trên biển đã không còn như trước là do mưa bão xuất hiện sớm và ngày càng nhiều, gây sóng to, gió lớn nên đánh bắt không hiệu quả. Mặt khác, do một số phương tiện khai thác theo kiểu tận diệt nên nguồn lợi thủy sản ngày càng cạn kiệt. Bên cạnh đó, việc khan hiếm nguồn lao động cũng là một trong những khó khăn khiến tàu phải nằm bờ.

“Trước đây, sau khi kết thúc chuyến biển chủ tàu mới chia phần cho ngư phủ, nếu lời nhiều thì ngư phủ được nhiều. Nhưng giờ thì không như vậy nữa, ngư phủ ứng tiền trước, sau khi kết thúc chuyến biển, trừ hết chi phí và phần tiền ứng trước mà vẫn còn lời thì chủ tàu tiếp tục chia cho ngư phủ, nếu lỗ thì chủ tàu tự chịu. Chính vì kiểu ăn chia này mà những chủ tàu vốn ít không có tiền ứng trước cho ngư phủ, dẫn đến thiếu người không thể ra khơi, hoặc nếu ra khơi trong tình trạng thiếu người thì sản lượng khai thác cho một chuyến biển cũng không cao dẫn đến lỗ lã”, ông Lượm phân tích.

Quản lý còn nhiều bất cập

Sau gần 2 năm EC cảnh báo “thẻ vàng” thì Cà Mau đã có những bước dài trong việc triển khai các biện pháp chống khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU), đây được xác định vừa là thách thức nhưng cũng là cơ hội tạo nền tảng kiện toàn cho ngành khai thác thủy sản. Tuy nhiên trên thực tế, địa phương còn nhiều bất cập chưa được giải quyết cụ thể.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau, số lượng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài tuy đã giảm nhiều so với những năm trước đây nhưng vẫn còn tình trạng tàu cá vi phạm. Qua ghi nhận, từ đầu năm 2019 đến nay đã xảy ra 9 trường hợp tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

Theo đó, đa phần ngư dân khi được tuyên truyền đều biết được hậu quả của việc khai thác hải sản trái phép vùng biển nước ngoài nhưng vì lợi ích kinh tế vẫn còn cố tình vi phạm, gây nhiều khó khăn trong việc quản lý.

Trong khi một thực tế đang tồn tại hiện nay lại chính là cơ chế quản lý còn chồng chéo, gây nhiều bất cập cho các tàu cá khi ra vào cảng.

Hiện việc thực hiện các nhiệm vụ kiêm nhiệm tại Văn Phòng thanh tra, kiểm soát nghề cá tại cảng cá cơ bản trùng lặp với chức năng, nhiệm vụ thường xuyên của các lực lượng liên quan, như lực lượng biên phòng. Từ đó, gây nhiều khó khăn cho ngư dân vì phải chịu sự kiểm soát, kiểm tra nhiều lần trên cùng một nội dung khi chỉ ra vào một cửa biển, cảng cá trên địa bàn.

Mặt khác, do địa hình đặc trưng của tỉnh Cà Mau có nhiều cửa sông, từ đó, tạo điều kiện hình thành nhiều bến cá tư nhân, nên lượng sản phẩm khai thác lên các cảng cá chiếm tỷ lệ không lớn. Việc sơ chế, phân loại… không qua cảng cá gây khó khăn trong công tác kiểm soát.

Điều này xuất phát từ thực tế quy hoạch chưa được đồng bộ, gây nhiều bất cập cho các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thủy sản.

Qua tìm hiểu, hiện tỉnh Cà Mau chỉ có 2 cảng cá được chỉ định thực hiện chứng nhận nguồn gốc thủy sản khai thác là Sông Đốc và Rạch Gốc nên tàu cá ở các địa phương khác trong tỉnh không thể vào cảng để khai báo sản lượng khai thác theo quy định. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp chế biến thì thu gom sản phẩm khai thác từ nhiều nguồn, nhiều nơi, dẫn đến việc triển khai chứng nhận hàng tại cảng đúng thực chất là gần như không thể triển khai.

Ông Đỗ Chí Sĩ, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau đánh giá, nguồn lợi suy giảm, thời tiết trên biển diễn biến theo chiều hướng ngày càng xấu. Trong khi đó, việc ứng dụng tiến bộ công nghệ, kỹ thuật vào lĩnh vực khai thác thuỷ sản nhất là ứng dụng vào bảo quản sản phẩm, giảm tổn thất sau thu hoạch đã từng bước cải thiện nhưng còn chậm chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển.

Tác phong, tập quán của ngư dân chậm thay đổi, không theo kịp với quá trình hiện đại hoá nghề khai thác thủy sản. Song song đó, là việc đầu tư cho cơ sở hậu cần nghề cá như cảng cá, khu neo đậu tránh trú còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế phục vụ sản xuất…

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Cà Mau Đỗ Chí Sĩ cho biết, nhằm góp phần bảo vệ nguồn lợi thủy sản ven bờ đang trong tình trạng gần như cạn kiệt hiện nay, UBND tỉnh Cà Mau đã xác định, công khai hạn ngạch khai thác thủy sản cho hơn 3.400 tàu cá, gồm các nhóm nghề chủ yếu như: ké, rê, câu, lồng/bẫy; trong đó, khai thác thủy sản tại vùng lộng có 1.648 phương tiện được cấp phép.

Bên cạnh đó, tại vùng khai thác ven bờ, tỉnh Cà Mau đã cấp 1.796 giấy phép để các phương tiện hoạt động. Cụ thể, 1.792 phương tiện khai thác thủy sản được cấp phép và 4 phương tiện được cấp phép hoạt động dịch vụ hậu cần khai thác thủy sản. Theo UBND tỉnh Cà Mau nhận định, khi các chủ tàu được chuyển đổi sang các nghề thân thiện với môi trường sẽ không gây sát hại nguồn lợi thủy sản.

Cà Mau cũng kiến nghị đến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thông cần xem xét, đề xuất phía EC cho phép tỉnh Cà Mau được thực hiện việc kiểm tra chứng nhận thủy sản khai thác theo điều kiện đặc thù của tỉnh Cà Mau.

Chủ tịch UBND tỉnh đã giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng kế hoạch thành lập Tổ công tác làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát trên biển để tăng cường quản lý, kiểm soát các trường hợp tàu ra khơi nhưng né tránh không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và tàu cá tuy đã hết thời hạn đăng kiểm nhưng vẫn ra khơi hoạt động đánh bắt thủy sản…

Theo Huỳnh Anh (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu