Mặc dù được Nhà nước quan tâm cả về sản xuất cũng như tiêu thụ trong nhiều năm nay, tuy nhiên, trong bối cảnh hội nhập, ngành mía đường vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức từ bên ngoài cũng như trong nội tại ngành.
Để nhìn nhận kết quả sản xuất và tiêu thụ của ngành mía đường trong năm 2015, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Hải, Tổng Thư ký Hiệp hội Mía đường Việt Nam xung quanh vấn đề nóng hiện nay của ngành.
– Nhìn lại một năm qua, ông có thể khái quát những kết quả nổi bật về sản xuất và tiêu thụ mà ngành mía đường đã đạt được?
Ông Nguyễn Hải: Ngành mía đường Việt Nam hoạt động gần như trên khắp đất nước từ Bắc vào Nam (từ Sơn La, Tuyên Quang, Cao Bằng đến tận Kiên Giang, Cà Mau) và sản xuất theo mùa vụ, mỗi mùa vụ theo vùng kéo dài khoảng 4-6 tháng nhưng khác nhau tùy từng vùng miền bắt đầu từ tháng Tám, Chín năm nay đến tháng Sáu, Bảy năm sau.
Về năng lực sản xuất, với tổng công suất ép mía hiện nay đạt hơn 145.000 tấn mía/ngày có khả năng sản xuất 2 triệu tấn đường thành phẩm/vụ, trong đó đường luyện chiếm 50%.
Vụ 2014-2015 cả nước sản xuất được hơn 1,4 triệu tấn đường từ mía, sụt giảm gần 11% so với niên vụ trước, do một phần bị giảm diện tích, phần khác do khô hạn. Trong niên vụ mới 2015-2016, có nơi tăng có nơi giảm diện tích nhưng tổng hợp lại diện tích có giảm và vẫn bị khô hạn nên sản lượng dự báo cũng sẽ chỉ đạt như vụ trước.
Như vậy, với sản lượng đó thêm nguồn cung từ đường nhập khẩu theo hạn ngạch thuế quan hàng năm và đường của Hoàng Anh Gia Lai mà Chính phủ cho nhập, cộng thêm tồn kho từ đầu vụ, tổng nguồn cung khoảng 1,8 triệu tấn. Với sản lượng này, đường luôn dư thừa trong các năm gần đây.
Ngoài ra, còn một nguồn đáng kể là đường nhập lậu có xuất xứ Thái Lan mà theo thông tin của Tổ chức Đường thế giới có thể ước khoảng 400.000 – 500.000 tấn/năm và có thể có thêm nguồn cung từ gian lận thương mại tham gia, góp phần gây khó khăn cho sản xuất trong nước.
Với tình trạng trên, liên tục 4 năm qua, ngành mía đường phải đối mặt với tình trạng tiêu thụ đường khá khó khăn, giá đường giảm. Trong niên vụ 2014-2015, giá đường trắng loại 1 chỉ ở mức khoảng 11.000-13.000 đồng/kg.
Bước sang vụ 2015-2016, lúc đầu vụ giá đường vẫn còn thấp. Tuy nhiên, hiện nay đã ở khoảng 13.000-14.000 đồng/kg, giá mía theo đó cũng có tăng theo. Trong bối cảnh khó khăn đó, mặc dù giá đường có xuống thấp nhưng mía vẫn được các nhà máy đường tiêu thụ hết cho nông dân và giá mía vẫn được duy trì ở mức tốt cho nông dân chứ không giảm theo tỷ lệ giảm của giá đường. Sản lượng vẫn đáp ứng thị trường trong nước và do nhiều nguồn cung nên làm dư thừa cần phải xuất khẩu tiểu ngạch một lượng nhất định để bớt áp lực tồn kho.
– Năm nay, tuy giá mía có tăng nhưng cây mía vẫn chưa thực sự có sức cạnh tranh mạnh so với nhiều loại cây trồng khác, trong khi ở một số vùng nguyên liệu, nông dân vẫn thấy bị o ép trong chuyện minh bạch về cách xác định chữ đường. Ý kiến của Hiệp hội về vấn đề này như thế nào?
Ông Nguyễn Hải: Trong niên vụ 2015-2016, giá mía có tăng so với vụ trước, do giá đường tăng lên. Tuy nhiên, nhìn chung giá mía của Việt Nam luôn cao hơn giá mía của các nước trong khu vực và trên thế giới (giá mía Việt Nam khoảng 45-50 USD/tấn, còn Thái Lan chỉ khoảng 30 USD/tấn), trong khi tỷ lệ chi phí mía chiếm trong giá thành đường khoảng 75-80%. Như vậy, đường Việt Nam có tính cạnh tranh kém hơn đường thế giới.
Mặt khác, nếu so sánh cây mía nguyên liệu với một số cây trồng khác tại Việt Nam thì có thể thấy, hiện nhiều vùng, cây mía vẫn là cây chủ lực đem lại cuộc sống tốt cho nông dân. Chỉ một số ít đất đai không phù hợp, năng suất và chất lượng của mía quá kém, nông dân chuyển sang một số cây trồng khác. Đây cũng là điều phù hợp theo khuyến cáo của Hiệp hội.
Về thông tin có một số nông dân còn bị o ép về xác định chữ đường như báo chí gần đây có nêu có thể giải thích do việc thực hiện Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chất lượng mía nguyên liệu chưa nghiêm. Một số nơi còn có việc thỏa thuận mua xô. Một số nhà máy đường chưa áp dụng đúng cách định chữ đường. Việc mua xô thường có lợi cho nông dân tại các vùng mía có chữ đường kém, nhưng sẽ thiệt hại đối với nông dân tại các vùng có chữ đường cao.
Nhiều nơi mía của nông dân ít, thuộc các thửa ruộng manh mún, nhỏ lẻ nên dù cùng trong một vùng nhưng chữ đường lại khác nhau, và nông dân có mía chữ đường kém sẽ thắc mắc khi so sánh. Trường hợp khác khi cạnh tranh mua mía hoặc để khuyến khích đầu vụ chữ đường lại nâng cao hơn thực tế.
Hiệp hội đã rất nhiều lần đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn kiểm tra việc thực hiện quy chuẩn và để minh bạch hơn, nên quy định việc định chữ đường giao cho một đơn vị độc lập thực hiện để bảo đảm công bằng cho bên mua và bán mía nguyên liệu.
– Năm 2015 là năm đánh dấu sự tham gia ngày càng sâu của Việt Nam vào chuỗi sản xuất toàn cầu khi cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) được thành lập, nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) quan trọng được đàm phán, ký kết thành công. Theo ông, những sự kiện này sẽ tác động như thế nào đến ngành mía đường Việt Nam trong thời gian tới, khi mà giá thành sản xuất còn khá cao so với các nước trong khu vực và tình trạng nhập lậu đường qua biên giới vẫn chưa được kiểm soát?
Ông Nguyễn Hải: Về việc hội nhập ngành mía đường cũng như nhiều ngành nông nghiệp khác thiếu chuẩn bị do nhiều lý do khác nhau, do đó gặp khó khăn trong cạnh tranh hội nhập. Các FTA đều có tác động và đã tác động từ 2007 đến nay chứ không phải chỉ sắp tới. Trong đó, Việt Nam phải cùng lúc thực thi áp dụng nhiều các FTA.
Cụ thể, trong WTO quản lý theo hạn ngạch thuế quan nên đối với ngành đường vẫn còn khả năng cạnh tranh, vì mở cửa hạn ngạch nhưng áp thuế nhập khẩu hợp lý (trong hạn ngạch thuế nhập khẩu 25% cho đường thô, 40% cho đường trắng, ngoài hạn ngạch 80% cho đường thô và 85% cho đường trắng).
Tuy nhiên, đối với Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) có Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) chỉ áp một mức thuế 5%, đây là mức thuế nhập khẩu rất thấp. Như vậy, khi nhập khẩu đường, lượng hạn ngạch thì áp dụng theo WTO nhưng áp thuế nhập khẩu lại theo ATIGA. Do đó, thực sự trong nhiều năm qua ngành đường không được bảo hộ cao như thông tin dư luận đã nêu.
Đầu năm 2016 cộng đồng AEC thành lập, thuế nhập khẩu đường vẫn được áp dụng chỉ 5% cho đến năm 2018. Sau thời gian này, Bộ Tài chính đã có ý kiến vẫn duy trì mức 5% nhưng hiện vẫn chưa có văn bản chính thức.
Dù có duy trì, mức 5% vẫn là mức thấp trong khi giá thành đường của Việt Nam vẫn còn cao do giá mía cao nên đường trong nước sẽ khó khăn khi cạnh tranh.
Mặt khác, Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam-Lào đã được ký, với sự ưu đãi hết mức. Cụ thể, thuế nhập khẩu 0%, thuế VAT 0%, không rào cản kỹ thuật, không hạn chế số lượng. Đây chính là thách thức cao hơn cho ngành mía đường Việt Nam, nếu thực hiện có sự kiểm soát đúng mức theo pháp luật; còn nếu kiểm soát lỏng lẻo để sự gian lận thương mại về nguồn gốc xuất xứ xảy ra, thách thức càng lớn hơn nhiều cho đường trong nước.
Đồng thời, đường nhập lậu có nguồn gốc từ Thái Lan, đã từ lâu hoành hành gây khó khăn rất nhiều cho đường trong nước, số lượng lại rất lớn được nhập lậu vào Việt Nam ước khoảng 400.000-500.000 tấn/năm mà căn cứ vào số liệu thống kê của Tổ chức Đường thế giới (ISO) có thể kiểm chứng được số nhập lậu này.
Kể từ tháng 3/2015 sau khi một trong những trùm buôn lậu có biệt danh “Tỷ đường” là Vi Ngươn Thạnh (ngụ ở Châu Đốc, An Giang) bị bắt thì tình hình đường lậu có giảm hơn nên đường trong nước tiêu thụ tốt hơn.
– Theo ông, trong bối cảnh hội nhập, ngành mía đường cần phải đổi mới như thế nào để không bị lép vế trên sân nhà. Đồng thời, Hiệp hội có kiến nghị gì khác về cơ chế, chính sách cho ngành mía đường phát triển, tăng sức cạnh tranh trong thời gian tới?
Ông Nguyễn Hải: Với việc hội nhập trong bối cảnh như đã nêu, chính phủ đã ký các FTA không thay đổi được, ngành mía đường còn nhiều khó khăn mà chủ yếu là khó khăn nông nghiệp. Do đường là mặt hàng nhạy cảm nên trong hội nhập AEC, chúng ta còn thời gian để duy trì theo cam kết sau năm 2018 vẫn tiếp tục giữ thuế nhập khẩu 5%.
Tuy nhiên, nếu việc duy trì mức thuế này khó khăn quá, Việt Nam có thể đề nghị thực thi Nghị định thư về đối xử đặc biệt với mặt hàng gạo và đường được sửa đổi, ký kết tại Hà Nội năm 2010. Vấn đề này cũng được quy định rõ tại Điều khoản số 24 của Hiệp định ATIGA.
Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, ngành đường trong nước cần được đối xử bình đẳng như đường của Lào theo Hiệp định thương mại biên giới Việt Nam-Lào, mới có thể cạnh tranh được. Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng quyết liệt hơn trong công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại mặt hàng đường.
Hiện chi phí vận tải mía cũng đáng kể, phí chở mía qua các trạm giao thông, cầu đường bộ và đường sông được đề nghị chỉ tính chặng đi và miễn phí chặng về, vì chặng về lại đồng ruộng để tiếp tục chở mía chuyến tiếp, xe và ghe tải phải chạy không tải.
Vấn đề khuyến khích chuyển đổi cây trồng cũng cần có chính sách và theo quy hoạch để đạt được sự ổn định, song song với việc tạo ra cánh đồng lớn mới có thể áp dụng cơ giới hóa và kỹ thuật canh tác để tăng năng suất và chất lượng mía, góp phần hạ giá thành nông nghiệp.
Trong nội bộ ngành đường, Hiệp hội khuyến cáo các hộ trồng mía và các nhà máy đường phải cố gắng thích nghi điều kiện khó khăn cho hội nhập, nông dân cố gắng hạ giá sản xuất.
Bên cạnh đó, các nhà máy đường cũng cần duy trì và tích cực hỗ trợ nông dân giống, kỹ thuật canh tác và thu hoạch mía để hạ giá thành, mang lại thu nhập cao hơn cho người trồng mía. Mặt khác, trong công tác chế luyện cố gắng hơn nữa để tăng hiệu suất tổng thu hồi, đầu tư cho sản xuất sản phẩm phụ để góp phần hạ giá thành đường.
Xin cám ơn ông!
Ý kiến ()