Thứ Tư, 27/11/2024 17:45 (GMT +7)

Ngày 28/5, cả nước có 254 ca mắc COVID-19; đợt dịch thứ 4 số ca mắc gấp 1,5 lần cả 3 đợt trước cộng lại

Thứ 7, 29/05/2021 | 09:43:00 [GMT +7] A  A

Từ 6 giờ đến 18 giờ ngày 28/5, Việt Nam ghi nhận thêm 254 ca mắc COVID-19, trong đó có 1 ca đã được cách ly sau khi nhập cảnh. Địa phương có số ca mắc mới COVID-19 trong cộng đồng nhiều nhất vẫn là tỉnh Bắc Giang 176 ca, Bắc Ninh 33 ca, TP Hồ Chí Minh 25 ca, Lạng Sơn 10 ca, Hà Nội 4 ca, các tỉnh còn lại gồm Thái Bình, Long An, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam mỗi tỉnh 1 ca.

Đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm sàng lọc diện rộng tại Bắc Ninh và Bắc Giang

Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bắc Ninh Tô Thị Mai Hoa cho biết, tỉnh đang kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh. Tính đến 12 giờ ngày 28/5, toàn tỉnh ghi nhận 712 ca mắc COVID-19 với 134 ổ dịch; rà soát 40.277 trường hợp F1, F2; đã lấy tổng số 445.419 mẫu lấy xét nghiệm. Địa phương này đang tiếp tục làm xét nghiệm sàng lọc ở các điểm có ổ dịch như ở Cụm công nghiệp Khắc Niệm; thôn Phương Liễu, huyện Quế Võ…; đồng thời, triển khai các biện pháp nhằm quản lý chặt chẽ các khu nhà trọ, đặc biệt khu nhà trọ có đông công nhân.

Triển khai bố trí người lao động ăn ở, làm việc trong khu vực nhà máy, lãnh đạo tỉnh Bắc Ninh yêu cầu các khu công nghiệp giảm 50% số lao động, người lao động có kết quả xét nghiệm Realtime-PCR âm tính trong vòng 72 tiếng được phép đến làm việc; đồng thời phải cam kết ở lại nhà máy, tuyệt đối không được ra ngoài nếu không có sự đồng ý của Ban Quản lý các Khu công nghiệp tỉnh Bắc Ninh hoặc các cơ quan chức năng giám sát.

Hiện, Bắc Ninh tích cực triển khai việc xét nghiệm sàng lọc theo chỉ đạo Bộ Y tế (ít nhất cho 20% số công nhân lao động). Điển hình, trong vòng 7 ngày qua, đã có 10.000/70.000 công nhân ở Khu công nghiệp Yên Phong, huyện Yên Phong được làm test nhanh. Dự kiến, trong những ngày tới, tỷ lệ xét nghiệm sàng lọc sẽ tăng lên dưới sự hỗ trợ của Bộ Y tế. Bên cạnh đó, Bắc Ninh tổ chức sàng lọc ngẫu nhiên tại các chợ, chợ đầu mối… với công suất 500 test nhanh/ngày; xét nghiệm Realtime-PCR mẫu gộp tại các điểm dân cư từ 200-500 mẫu/ngày…

Trong trường hợp các địa phương cần xét nghiệm sàng lọc nhanh, Bộ Y tế sẽ huy động toàn bộ lực lượng sinh viên năm cuối của các trường đại học y, dược để hỗ trợ. Thứ trưởng Bộ Y tế yêu cầu các doanh nghiệp, xí nghiệp, nhà máy phải có kịch bản ứng phó cụ thể trong trường hợp xuất hiện ca mắc COVID-19. Về việc cách ly đối tượng có nguy cơ cao (trường hợp F1) ở các vùng cách ly hoặc phong tỏa, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, các lực lượng đang bàn phương án: Sau khi sàng lọc những trường hợp tiếp xúc gần, có nguy cơ cao sẽ đi cách ly tập trung. Những đối tượng còn lại, Bắc Ninh và Bắc Giang sẽ tiến hành thí điểm cách ly tại nơi cư trú.

Làm sạch các ổ dịch trong khu công nghiệp và khu dân cư lân cận

Bí thư Tỉnh ủy Dương Văn Thái cho biết, trong ngày 28/5, huyện Việt Yên đã tổ chức di chuyển 3.000 công nhân ra khỏi “điểm nóng” thôn Núi Hiểu, xã Quang Châu về những điểm cách ly ở các huyện khác trong tỉnh, đảm bảo an toàn và giảm mật độ công nhân tập trung tại đây xuống còn 4.100 người. Đến nay, công tác xét nghiệm ở Việt Yên đã đảm bảo tinh thần “lấy mẫu đến đâu, xét nghiệm đến đó”, trả kết quả trong 24 giờ.

Tiêm vaccine phòng COVID-19 tiêm cho công nhân tại khu công nghiệp Đình Trám, huyện Việt Yên (Bắc Giang). Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Bên cạnh việc tiếp tục xét nghiệm để làm sạch các ổ dịch trong khu công nghiệp, khu dân cư lân cận, thực hiện chỉ đạo của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Bắc Giang triển khai xét nghiệm sàng lọc diện rộng đối với những khu vực chưa có dịch, những huyện chưa giãn cách xã hội; tăng cường giám sát những người có triệu chứng ho, sốt… Hiện, đã có hai doanh nghiệp quay trở lại sản xuất trên tinh thần bảo đảm tuyệt đối an toàn.

Dự kiến những ngày tới, khoảng 10 doanh nghiệp sẽ quay trở lại hoạt động. Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Như Dương, Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, theo đúng các kế hoạch “làm sạch” các ổ dịch đã đề ra, Bắc Giang bước sang ngày thứ 3, tiếp tục lấy các mẫu ở những nơi có nguy cơ cao nhất trong khu tâm dịch huyện Việt Yên.

Riêng ngày 28/5, các lực lượng đã lấy 14.000 mẫu ở những khu có số lượng công nhân tập trung cao, có liên quan đến các ổ dịch trước đây như Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hosiden Việt Nam, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Samkwang Vina… “Đây là nhóm có nguy cơ cao bị xâm nhiễm từ trước cho nên việc làm xét nghiệm thường xuyên, liên tục để sàng lọc, làm sạch ổ dịch này là vô cùng cần thiết”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Như Dương nói. Đến thời điểm hiện tại, một phần mẫu đã cho kết quả 123 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, chủ yếu là công nhân, chưa có ca bệnh trong cộng đồng.

Đây là những người cùng làm việc trong phòng kín, sử dụng máy lạnh, tiếp xúc gần với những ca đã phát hiện trước đó. Những số mẫu còn lại tiếp tục chạy trong đêm nay, dự báo các ca nhiễm có thể tiếp tục tăng cao.

“Tuy nhiên, số ca này nếu có tăng cao cũng đều nằm trong dự báo trước do chúng ta đang quét và làm xét nghiệm những nhóm công nhân ở khu trọ cũng như các trường hợp F1; từ đó, phát hiện ra sớm, tách ngay ra khỏi cộng đồng, tiến tới mà dập tắt ổ dịch này. Quá trình làm sạch các ổ dịch phải rất kiên trì, thường xuyên, liên tục mới có thể làm sạch các ổ dịch”, ông Trần Như Dương nhấn mạnh; đồng thời cho biết, Bắc Giang sẽ tiếp tục thực hiện xét nghiệm vòng 2 tại những điểm nóng của huyện Việt Yên để đánh giá khái quát tình hình, sớm đưa ra dự báo và phương án phòng, chống dịch trong những ngày tới.

Hà Nội không để đứt gãy chuỗi sản xuất do COVID-19

Hiện nay, các cụm công nghiệp của các tỉnh sát Hà Nội liên tục phát hiện các ca mắc COVID-19, trước tình hình đó, Hà Nội cũng đã yêu cầu UBND các huyện, cụm công nghiệp và cộng đồng doanh nghiệp quan tâm hơn nữa công tác phòng, chống dịch bệnh, để duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh không để đứt gãy chuỗi sản xuất.

Hà Nội kiến nghị nâng thêm mức bồi dưỡng cho các lực lượng chống dịch. Ảnh: TTXVN

Ông Đàm Tiến Thắng, Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội cho biết, quan điểm của thành phố Hà Nội là không để đứt gãy chuỗi sản xuất, nên các doanh nghiệp phải kích hoạt mức phòng, chống dịch cao nhất, xây dựng kịch bản để chủ động ứng phó, xử lý khi có lao động mắc COVID-19. Riêng cụm công nghiệp Thanh Oai cần lập trạm kiểm soát việc ra – vào cụm, cũng như xây dựng tường bao, rào chắn nhằm quản lý chặt chẽ người ra – vào cụm công nghiệp; từ đó ngăn ngừa không để dịch bệnh tấn công, làm đứt gãy nền kinh tế.

Hiện nay, đa phần các doanh nghiệp hoạt động tại cụm công nghiệp của Hà Nội đều thực hiện nghiêm các biện pháp phòng dịch. Ông Trần Anh Tuấn, Phó Trưởng ban quản lý các Khu công nghiệp và chế xuất Hà Nội cho biết, Ban quản lý đã yêu cầu các doanh nghiệp đầu tư kinh doanh hạ tầng cụm công nghiệp nắm chặt thông tin và yếu tố dịch tễ của người lao động hàng ngày, tăng cường giám sát, chủ động phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ dương tính với COVID-19 tại doanh nghiệp.

Tuy nhiên, tại thời điểm kiểm tra đột xuất ở các cụm công nghiệp Hà Nội của Sở Công Thương Hà Nội vào cuối tháng 5/2021 vừa qua, vẫn còn tình trạng một số cụm công nghiệp vẫn chưa thực hiện rốt ráo, nghiêm túc phòng, chống dịch theo Công điện số 07/CĐ-UBND thành phố Hà Nội ngày 12/5/2021 về tăng cường một số biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 liên quan các Khu công nghiệp, Khu chế xuất, Cụm công nghiệp và tại cơ sở khám chữa bệnh.

Theo các chuyên gia kinh tế, nếu các doanh nghiệp và cụm công nghiệp không thực hiện nghiêm túc, quyết liệt các biện pháp phòng, chống dịch thì dịch COVID-19 vẫn tiếp tục lây lan ra cộng đồng, lúc đó hậu quả rất khó lường.

1 tháng của đợt dịch thứ 4, số ca mắc COVID-19 gấp 1,5 lần của cả 3 đợt trước cộng lại

Theo nhận định của các chuyên gia, đợt dịch COVID-19 thứ 4 tại Việt Nam phức tạp, quy mô lớn và mức độ nguy hiểm hơn hẳn các đợt dịch trước; mầm bệnh có thể đã phát tán rộng trong cộng đồng. Tính đến nay đã 1 tháng Việt Nam chống chọi với đợt dịch COVID-19 lần thứ 4, hiện số ca bệnh còn tăng cao, các biện pháp chống dịch vẫn đang quyết liệt được triển khai, nhất là tại hai điểm nóng Bắc Giang và Bắc Ninh.

Trước tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, số ca nhiễm tiếp tục tăng nhanh, tỉnh Bắc Giang đã thành lập Bệnh viện Dã chiến số 2 tại Nhà thi đấu thể thao tỉnh Bắc Giang với quy mô 620 giường bệnh để tiếp nhận điều trị bệnh nhân COVID-19. Ảnh: Danh Lam/TTXVN

Tính đến trưa ngày 28/5, Việt Nam đã có tổng cộng 4.904 ca ghi nhận trong nước. Trong đó, riêng số lượng ca mắc mới tính từ ngày 27/4 đến nay đã là 3.334 ca; trong đợt dịch lần này cũng đã ghi nhận 12 ca tử vong. Như vậy chỉ trong vòng 1 tháng qua, Việt Nam đã ghi nhận số ca mắc COVID-19 gấp gần 1,5 lần cả 3 đợt dịch trước cộng lại.

Nhìn lại 1 tháng sau khi đợt dịch COVID-19 thứ 4 bùng phát tại Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) nhận định: Đợt dịch COVID-19 thứ 4 của Việt Nam có mức độ phức tạp hơn, quy mô lớn hơn nhiều so với các đợt dịch trước. Đợt này dịch lây lan nhanh, mạnh hơn do sự xuất hiện của các chủng virus mới số người mắc lớn tăng nhanh chỉ trong thời gian ngắn. Đặc biệt dịch đã tràn vào các bệnh viện, khu công nghiệp; trong khi đó, số người từ các bệnh viện, công nhân từ các khu công nghiệp đi về các địa phương rất lớn; nhất là vào dịp lễ 30/4 – 1/5 vừa qua.

Vì vậy lần này, khả năng khoanh vùng, dập dịch rất vất vả, khó khăn; cần nhiều công sức, nhân lực và phương tiện hơn hẳn các đợt dịch trước. Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, đợt dịch thứ 4 ở Việt Nam đang diễn biến phức tạp, khó lường, thời gian kéo dài hơn so với các đợt dịch trước. Dưới sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Y tế đang cùng các địa phương, đặc biệt là hai tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang đang là điểm nóng dịch triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch. Ngành Y tế phải huy động tổng lực, với sự hỗ trợ của các bộ, ngành, cơ quan Trung ương và địa phương nỗ lực trong thời gian ngắn nhất kiểm soát được dịch bệnh.

Với mức độ phức tạp của đợt dịch lần này, Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch, Bộ Y tế đã triển khai các biện pháp rất khẩn trương, quyết liệt để sớm kiểm soát dịch. Tuy nhiên các chuyên gia cũng cảnh báo, vẫn cần lường trước đến tình huống dịch lây lan rộng nữa, có thể cần phải có phương án chung sống cùng dịch bệnh. PGS.TS Nguyễn Huy Nga cũng cảnh báo, hiện không thể loại trừ việc mầm bệnh đã di chuyển trong cộng đồng, đã xuất hiện ở nhiều nơi; vừa qua một số địa phương đã phát hiện các ca bệnh cộng đồng như: TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng… Có thể có những ca bệnh sẽ không thể truy vết được.

Với việc ghi nhận nhiều ca mắc COVID-19 ngẫu nhiên trong thời gian qua, theo các chuyên gia, mầm bệnh có thể đã âm thầm lây lan từ trước trong cộng đồng. Tuy nhiên, phải xem xét, giải trình tự gen mới biết virus đang lưu hành thuộc chủng nào, nếu là biến chủng từ Ấn Độ là mới xâm nhập gần đây; hay biến chủng virus từ Anh có thể đã lây lan từ trước đó. Vì có rất nhiều người nhiễm virus nhưng không có triệu chứng bệnh, họ vẫn khoẻ mạnh, sinh hoạt bình thường thì không biết được, chỉ có thể tầm soát ở những người ốm, có triệu chứng.

Với chủng virus mới số ca mắc gấp nhiều lần các đợt dịch trước, các ca bệnh nặng cũng tăng lên theo tỷ lệ. Nhất là khi dịch lan rộng, số ca bệnh nhiều, bệnh nhân điều trị ở các tuyến y tế có năng lực thấp hơn thì khả năng xử trí, cứu chữa cũng khó khăn hơn trước.

Bộ Y tế yêu cầu khẩn trương ngăn chặn COVID-19 trong các KCN

Ngày 28/5, Bộ Y tế đã ban hành công văn khẩn gửi các Bộ, ngành, cơ quan trực thuộc Chính phủ; Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc hướng dẫn cách ly, xét nghiệm trong các khu công nghiệp, nhà máy, xí nghiệp.

Cán bộ Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Bạc Liêu lấy mẫu bệnh phẩm xét nghiệm sàng lọc bệnh COVID-19.

Ảnh: TTXVN

Công văn nêu rõ, thực hiện Công điện số 680/CĐ-TTg ngày 24/5/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc đảm bảo an toàn COVID-19 tại các khu công nghiệp; Bộ Y tế (Cơ quan thường trực của Ban chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19) đề nghị các Bộ, ngành và Ủy ban nhân dân cấp tỉnh khẩn trương chỉ đạo thực hiện nghiêm các hướng dẫn, văn bản chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp (CSSXKD, KCN) của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và Bộ Y tế đã ban hành. Cụ thể: Công văn số 1096/BYT-MT ngày 23/2/2021, Công văn số 3836/CV-BCĐ ngày 5/5/2021 và Công văn số 4150/BYT-MT ngày 21/5/2021.

CSSXKD, KCN phải thực hiện đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại nơi làm việc và ký túc xá được quy định tại Quyết định số 2194/QĐ-BCĐQG ngày 27/5/2020 về “Hướng dẫn phòng, chống và đánh giá nguy cơ lây nhiễm dịch COVID-19 tại nơi làm việc và ký túc xá”.

Căn cứ kết quả kiểm tra, đánh giá để xem xét quyết định cho phép bộ phận, dây chuyền, phân xưởng của CSSXKD hoặc toàn bộ CSSXKD có được tiếp tục sản xuất hoặc dừng sản xuất để khắc phục đảm bảo an toàn phòng, chống dịch. UBND tỉnh chỉ đạo Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Ban Quản lý khu công nghiệp tỉnh: kiểm tra, giám sát, đôn đốc các CSSXKD trên địa bàn tiếp tục đánh giá an toàn COVID-19 và cập nhật trên bản đồ an toàn COVID-19. Yêu cầu các CSSXKD, KCN tổ chức xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2 hằng tuần cho các đối tượng liên quan và báo cáo kết quả cho Sở Y tế; Các đối tượng phải xét nghiệm hằng tuần bao gồm: Toàn bộ người lao động tham gia cung cấp các dịch vụ cho CSSXKD trong khu công nghiệp như: ăn uống, dịch vụ khách sạn, lưu trú cho chuyên gia, vận chuyển vật tư, hàng hóa, sửa chữa, bảo dưỡng, bảo trì máy móc…

Xét nghiệm ngẫu nhiên cho 20% người lao động tại CSSXKD, khu công nghiệp và khu nhà trọ của người lao động có nguy cơ. Quản lý chặt chẽ người lao động đi, đến từ khu vực có dịch hoặc tham gia các sự kiện tập trung đông người có nguy cơ cao. Yêu cầu phải thực hiện khai báo y tế bắt buộc đối với tất cả người lao động trong khu công nghiệp và những người liên quan (người cung cấp dịch vụ, suất ăn, vận chuyển vật tư, hàng hóa…).

Yêu cầu các phương tiện vận chuyển người lao động đảm bảo các quy định phòng, chống dịch gồm giãn cách sử dụng dưới 50% công suất vận chuyển), mở cửa sổ (nếu có) và hạn chế sử dụng điều hòa, vệ sinh khử khuẩn phương tiện sau mỗi lần đưa đón người lao động và thực hiện 5K. Khi có ca mắc COVID-19 tại CSSXKD, KCN, trước khi đưa các trường hợp tiếp xúc gần (F1) đi cách ly y tế thì phải thực hiện phân nhóm theo từng dây chuyền, phân xưởng sản xuất và mức độ nguy cơ tiếp xúc; những nhóm có cùng nguy cơ bố trí cách ly y tế trong cùng phân khu cách ly.

Thí điểm đối với tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang: Khi số lượng các trường hợp FI vượt quá năng lực cách ly của địa phương, có thể áp dụng thiết chế cách ly y tế tập trung (khu vực phong tỏa) ngay tại khu vực, địa điểm có đông người lao động là F1 lưu trú (ký túc xá, nhà trọ tập trung đông công nhân). Đồng thời phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định như đối với khu cách ly y tế tập trung lắp camera giám sát, yêu cầu không ra khỏi nơi lưu trú; xử lý nghiêm các trường hợp không tuân thủ, để lây nhiễm chéo trong khu vực phong tỏa và lây lan rộng ra cộng đồng.

Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương có đủ vật tư, thiết bị phục vụ điều trị COVID-19

TS.BS Phạm Ngọc Thạch, Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương khẳng định: Hiện tại, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương có đủ trang thiết bị, thuốc men, vật tư y tế để điều trị bệnh nhân COVID-19. Theo TS.BS Phạm Ngọc Thạch, có thể trong một thời điểm nào đó do việc điều chuyển trang thiết bị, thuốc men, vật tư y tế giữa các cơ sở chưa kịp thời, nhưng cho đến thời điểm hiện nay bệnh viện đã đảm bảo đủ theo đúng tinh thần chỉ đạo của Bộ Y tế không để thiếu trang thiết bị, thuốc men, vật tư y tế.

Trước đó, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương phải cách ly y tế khi ghi nhận trường hợp mắc COVID-19. Ảnh: TT

“Bộ Y tế bao giờ cũng cấp dư cơ số cho bệnh viện, và nếu có tình trạng thiếu chúng tôi sẽ báo cáo Bộ Y tế để được kịp thời giải quyết”, TS BS Phạm Ngọc Thạch cho biết.

Trong 2 ngày (27 và 28/5), Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã công bố khỏi bệnh đối với 50 bệnh nhân, trong đó có nhiều trường hợp bệnh nhân mắc các bệnh lý nền, cần điều trị như áp xe gan, viêm màng não, nhiễm khuẩn huyết suy, gan. Đặc biệt BN3360 là chuyên gia người Trung Quốc làm việc tại Vĩnh Phúc từng suy hô hấp, nhưng nay tình trạng đã ổn định.

Đây là nỗ lực rất lớn của tập thể cán bộ thầy thuốc và nhân viên y tế Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương trong bối cảnh bệnh viện phải thực hiện cách ly y tế trong thời gian qua. Hiện, số bệnh nhân đang điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương là hơn 235 bệnh nhân, trong đó số lượng bệnh nhân nặng từ các địa phương chuyển đến từ ngày 27/4 đến nay là 115 ca. Bên cạnh việc thu dung, điều trị bệnh nhân COVID-19 tại cơ sở Đông Anh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương còn cử các chuyên gia giỏi của Bệnh viện tới chi viện cho công tác điều trị bệnh nhân COVID-19 tại hai tỉnh Bắc Ninh và Bắc Giang.

97 bệnh nhân COVID-19 tiên lượng nặng

Chiều 28/5, Tiểu ban điều trị đã hội chẩn về các trường hợp bệnh nhân COVID-19 nặng của hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh. Chiều 28/5, Tiểu ban điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 đã hội chẩn quốc gia các trường hợp bệnh nhân COVID-19 nặng của hai tỉnh Bắc Giang và Bắc Ninh.

Các chuyên gia hội chẩn điều trị bệnh nhân COVID-19 nặng. Ảnh: BYT

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Ninh xin hội chẩn 2 trường hợp bệnh nhân nặng. Trong đó có bệnh nhân 69 tuổi, đang thở máy không xâm nhập không hiệu quả. Các chuyên gia đề nghị nên đặt nội khí quản cho bệnh nhân và đổi kháng sinh. Bệnh nhân thứ hai 63 tuổi, đã được hội chẩn 2 lần; các chuyên gia đưa giải pháp bệnh viện nên đặt nội khí quản và sẵn sàng đặt ECMO (hệ thống tim phổi nhân tạo) cho bệnh nhân.

Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang xin hội chẩn 2 ca bệnh, trong đó có bệnh nhân nữ 39 tuổi; các chuyên gia đã khuyến cáo bác sỹ thay đổi liều dùng thuốc và các kháng sinh phối hợp. Ca thứ 2 là bệnh nhân nam 63 tuổi, bệnh đã được đặt nội khí quản, thở máy và lọc máu; các chuyên gia đánh giá, bệnh nhân đang được điều trị đúng hướng. Hiện Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bắc Giang có 20 ca nặng, trong đó có 1 ca thở máy, 16 ca thở ôxy, 3 ca thở không xâm nhập.

Theo GS.TS Nguyễn Gia Bình, Tổ trưởng Tổ hội chẩn bệnh nhân COVID-19 nặng, những bệnh nhân đã phải thở oxy đều phải coi là bệnh nhân nặng. Bệnh viện Bắc Giang phải củng cố và tăng cường hoạt động của đội ngũ cán bộ điều trị cho bệnh nhân COVID-19 để đảm bảo chất lượng và đảm bảo sức khỏe cho cán bộ y tế. Trung tâm Y tế Hoa Lư, Ninh Bình xin hội chẩn bệnh nhân nữ 47 tuổi hiện đang phải thở máy không xâm nhập.

Theo GS.TS Nguyễn Gia Bình, tình trạng bệnh nhân này đang nặng lên do đó cần lọc máu và cho bệnh nhân thở máy ngay. Bệnh viện Phổi Đà Nẵng xin hội chẩn bệnh nhân là thuyền trưởng người Hàn Quốc.

Bệnh nhân này đã được hội chẩn nhiều lần. Hiện bệnh nhân đã có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 một lần, các triệu chứng của bệnh COVID-19 đã giảm hơn nhưng bệnh nhân có nhiễm trùng, nhiễm nấm. Các chuyên gia đề nghị cần điều trị bệnh nhân theo hướng sốc nhiễm khuẩn, đồng thời bác sỹ điều trị cắt bớt thuốc an thần, cho bệnh nhân ngồi dậy thở máy để cải thiện cơ vận động, phục hồi chức năng.

Theo Tiểu ban điều trị, hiện cả nước có khoảng 97 bệnh nhân tiên lượng nặng; 22 bệnh nhân thở máy xâm nhập; 4 bệnh nhân phải chạy ECMO.

V.T/Báo Tin tức

https://baotintuc.vn/van-de-quan-tam/ngay-285-ca-nuoc-co-254-ca-mac-covid19-dot-dich-thu-4-so-ca-mac-gap-15-lan-ca-3-dot-truoc-cong-lai-20210528220415132.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu