Chủ Nhật, 24/11/2024 07:22 (GMT +7)

Ngày Tết về thăm “vương quốc” phật thủ Đắc Sở.

Thứ 5, 22/02/2018 | 16:00:00 [GMT +7] A  A

Có xuất xứ từ Ấn Độ, với hình dáng đặc biệt tượng trưng cho bàn tay Đức Phật, quả phật thủ luôn là lựa chọn hàng đầu trên bàn thờ tổ tiên trong ngày Tết nguyên đán của người Việt với những ý nghĩa tâm linh đặc biệt.

Tên gọi của cây phật thủ xuất phát từ hình dáng quả của nó được chia nhánh trông giống như bàn tay của Đức Phật. Bởi vậy, phật thủ còn có tên gọi khác là “quả bàn tay Phật”.

Về đặc tính sinh học, phật thủ là giống cây ăn quả thuộc chi cam chanh nhưng lại có tính riêng biệt. Trong hệ quả có múi, phật thủ là quả có cùi dày nhất. Qủa có tương đối nhiều dầu, hương thơm dịu nhẹ, thanh tao và giữ được lâu nhất trong chi cam chanh.

Đặc tính này khiến phật thủ được ưu chuộng hơn các cây cùng chi họ. Tuy nhiên, sự thu hút đặc biệt của loại quả này trong ngày Tết cổ truyền ở những nước Á Đông nói chung và Việt Nam nói riêng lại nằm ở giá trị tâm linh của nó.

Tượng trưng cho hình tượng cao quý là bàn tay Đức Phật, loại quả này có ý nghĩa mang đến phước lành, bình yên, an lạc. Bởi vậy, khi chưng trong ngày Tết, hàm ý của gia chủ mong muốn một năm mới nhiều an lành, vui vẻ, no ấm.

Với mùi thơm quyến rũ đặc trưng, phật thủ dùng để thờ Phật, thần và gia tiên, với ý nghĩa lưu giữ họ ở trong nhà lâu hơn để phù hộ cho gia chủ.

Bởi vậy, phật thủ luôn được đặt ở vị trí trung tâm, nơi cao nhất trong mâm ngũ quả đặt trên bàn thờ tổ tiên trong ngày Tết của người Việt khắp ba miền Bắc Trung Nam.

Tại vùng đất được biết đến là “vựa phật thủ” của cả nước, Đắc Sở – Hoài Đức – Hà Nội, thì cũng là nơi sinh ra dòng bonsai phật thủ.

Tại khu vườn bonsai phật thủ rộng hơn 3600m2 của gia đình anh Nguyễn Quang Thạch (xã Đắc Sở, Hoài Đức), các cây bonsai phật thủ cuối cùng đang được gia đình rào, bọc kỹ càng trước khi vận chuyển cho khách.


Xã Đắc Sở – Hoài Đức – Hà Nội được biết đến là “vựa phật thủ” của cả nước.

Anh Nguyễn Quang Thạch (Xã Đắc Sở – Hoài Đức – Hà Nội) đang kiểm tra

cây bonsai phật thủ trước khi giao cho khách hàng.


Những quả phật thủ có hình thù đặc biệt giống đài sen của nhà vườn Biên Hường
(Yên Thái – Tiền Yên – Hoài Đức – Hà Nội), một trong những nhà vườn nổi tiếng về phật thủ.


Trong hệ quả có múi, phật thủ là quả có cùi dày nhất. Qủa có tương đối nhiều dầu,
hương thơm dịu nhẹ, thanh tao và giữ được lâu nhất trong chi cam chanh.


Tượng trưng cho hình tượng cao quý là bàn tay Đức Phật, loại quả này

có ý nghĩa mang đến phước lành, bình yên, an lạc.


Mỗi quả phật thủ trước khi đưa cho khách đều được các nhà vườn chăm chút rất tỉ mỉ.


Với kỹ thuật chăm sóc đặc biệt, nhà vườn Biên Hường (Yên Thái – Tiền Yên – Hoài Đức – Hà Nội)
luôn có những quả phật thủ hình thù đặc biệt cung cấp cho khách hàng quanh năm.


Với mùi thơm quyến rũ đặc trưng, phật thủ dùng để thờ Phật, thần và gia tiên,
với ý nghĩa lưu giữ họ ở trong nhà lâu hơn để phù hộ cho gia chủ.

Lượng tiêu thụ bonsai của gia đình anh Thạch năm nay đạt hơn 400 cây, tăng hơn 30% so với năm 2016. Đặc biệt, năm nay, anh Thạch cho ra đời dòng bonsai độc thủ (cây bonsai có một quả), để đáp ứng nhu cầu khác nhau của nhóm khách hàng vừa và nhỏ. Riêng dòng bonsai độc thủ này, gia đình anh Thạch đã xuất hơn 300 cây.

Tại xã Đắc Sở, hiện có 60 – 70% hộ gia đình tham gia trồng bonsai phật thủ. Họ đều là những nông hộ trước đó trồng cây phật thủ lấy quả.

Theo anh Thạch, cây phật thủ bonsai khó nhất là tạo gốc. Để có gốc to phải trồng từ 3-5 tuổi thì nó mới ra quả hoàn toàn tự nhiên.

Một cây phật thủ đẹp yêu cầu phải hội tụ các yếu tố thế cành, số lượng quả và tay ngón của quả là số lẻ, quả phải bóng đẹp không tì vết.

Bởi vậy, ngoài nhóm cây trồng gốc tự nhiên từ cây phật thủ, anh Thạch còn dùng gốc bưởi để ghép tạo cây bonsai phật thủ.

Chính vì vậy, cây bonsai phật thủ của gia đình anh Thạch có gốc rất chắc, tạo thế vững, giúp anh có thể ghép dao động từ 15 – 27 quả/cây.

Chiều cao của cây bonsai phật thủ loại tầm trung từ 70 – 80 cm. Khi đánh cây lên chậu, thì chiều cao dao động từ 120 – 150 cm. Còn loại cây bonsai to dùng cho nhóm khách hàng công ty, doanh nghiệp, cơ quan, chiều cao khi đánh lên chậu có thể dao động từ 150 – 200cm.

Giờ đây không chỉ có mặt trên bàn thờ gia tiên, “quả bàn tay phật” còn được biến hóa thành cây bonsai để có mặt ở mọi ngóc ngách trong ngày Tết cổ truyền của mỗi gia đình Việt./.

Bài: Thảo Vy – Ảnh: Trần Công Đạt

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu