Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 28/11/2024 06:43 (GMT +7)
Nghệ An phát triển kinh tế di tích, di sản
Thứ 5, 18/05/2017 | 10:05:00 [GMT +7] A A
Phát triển kinh tế di tích, di sản đang là mục tiêu hướng đến của tỉnh Nghệ An, bởi điều đó không chỉ giúp gìn giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị di tích mà còn làm nền tảng, tạo tiền đề, động lực thúc đẩy phát triển du lịch và các ngành kinh tế khác.
Khách tham quan các hiện vật được trưng bày tại Di tích khảo cổ Làng Vạc. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN |
Khu bảo tồn di chỉ khảo cổ Làng Vạc, thị xã Thái Hòa được công nhận là di chỉ khảo cổ học có giá trị thuộc nền văn hóa Đông Sơn.
Với số lượng lớn về mộ cổ và hiện vật, phong phú đa dạng về thể loại và những nét tinh xảo độc đáo của các hoa văn trên hiện vật, Khu bảo tồn di chỉ khảo cổ học Làng Vạc được các nhà nghiên cứu khảo cổ đánh giá nhất nhì khu vực Đông Nam Á và được công nhận là di chỉ cấp quốc gia.
Với những giá trị to lớn đó, Làng Vạc đã trở thành điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng tại vùng đất Phủ Quỳ của Nghệ An, trong đó một trong những hoạt động văn hóa được người dân quan tâm đó là lễ hội Làng Vạc.
Từ năm 2012, nhận thấy những giá trị to lớn của di tích, UBND tỉnh cũng phê duyệt Quy hoạch xây dựng Khu bảo tồn di chỉ khảo cổ trên quy mô diện tích 156 ha. Theo quy hoạch này, Làng Vạc sẽ được quy hoạch thành Khu di tích lịch sử văn hóa Quốc gia, bao gồm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi kết hợp nghiên cứu tìm hiểu bản sắc phong tục tập quán, lễ hội của các dân tộc trong vùng và trở thành điểm đến du lịch quan trọng trong hệ thống phát triển du lịch Nghệ An.
Năm năm sau thời điểm được phê duyệt, trở lại Làng Vạc, cảnh tượng mà chúng tôi nhìn thấy vẫn là những hình ảnh cũ, có chăng một số hạng mục đã được xây dựng trước đây đang ngày một cũ hơn.
Đến Làng Vạc, dễ dàng nhìn thấy khung cảnh của một vùng đất non nước hữu tình. Tuy nhiên, chỉ tiếc là những giá trị của một vùng di chỉ khảo cổ “nhất nhì Đông Nam Á” lại chưa phát huy hết.
Ông Phạm Văn Thạch, Phó Chủ tịch UBND thị xã Thái Hòa cho biết, trong quy hoạch phát triển du lịch, cùng với Khu tưởng niệm Bác Hồ về thăm Đông Hiếu, Khu bảo tồn di chỉ khảo cổ Làng Vạc là hai trong những điểm đến của thị xã Thái Hòa hứa hẹn sẽ là một trong những điểm du lịch hấp dẫn, đem lại nhiều lợi nhuận.
Tuy nhiên, để xây dựng theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt, địa phương cần có nhà đầu tư, bởi thực tế tiềm lực của địa phương và tỉnh còn nhiều hạn chế. Tại địa phương, hiện mỗi năm nguồn công đức do người dân đóng góp khoảng 70 – 80 triệu đồng. Số tiền này, chỉ đáp ứng đủ một phần tiền bảo vệ, hương đèn cho di tích.
Một góc Di tích lịch sử khảo cổ học Làng Vạc. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN |
Mỗi năm trên địa bàn tỉnh Nghệ An có hơn mười lễ hội gắn với các di tích nhưng chi phí cho lễ hội đều phụ thuộc nhiều vào ngân sách địa phương và nguồn xã hội hóa. Mặc dù có nhiều di tích có giá trị lớn nhưng hiện nay, ngoài nguồn từ “quỹ công đức” Nghệ An chưa triển khai thu phí bất cứ một di tích nào khác. Vì vậy, tình trạng không có kinh phí để tu bổ các di tích vẫn thường diễn ra, rất nhiều di tích có giá trị đã xuống cấp trầm trọng.
Phân tích của ngành du lịch Nghệ An cho thấy, hiện Nghệ An có mật độ di tích, di sản cao so với cả nước, với gần 1.700 di tích nhưng điểm yếu là chưa khai thác được các giá trị kinh tế. Các di tích, thay vì trở thành động lực cho phát triển kinh tế lại trở thành gánh nặng cho kinh tế và xã hội.
Công tác phát huy giá trị di tích chưa tập trung làm nổi bật các giá trị đặc trưng, khác biệt, tính hấp dẫn của các di tích, di sản; trong quy hoạch còn tập trung về trọng điểm di tích, không có giãn cách về cảnh quan, không có giải pháp kết nối không gian tạo thêm nhiều hấp dẫn. Ngoài ra, hiện kinh tế di sản chưa phát triển: các di tích chưa gắn kết giữa cộng đồng dân cư, chưa phát huy được giá trị bằng các kết quả thực tế.
Trước thực trạng trên, Nghệ An đã xây dựng Quy hoạch di tích định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, sẽ quy hoạch toàn diện các phân vùng di sản trên địa bàn tỉnh. Trong đó, di tích văn hóa – lịch sử, danh lam thắng cảnh là yếu tố cốt lõi hình thành các sản phẩm du lịch, hàng hóa, tạo nguồn thu, thay đổi vị thế và động lực phát triển, trút bỏ gánh năng cho ngân sách địa phương.
Để làm được điều này, trước mắt Nghệ An cần thống kê, đánh giá hiện trạng và phân tích tình hình quản lý, sử dụng của di tích. Trên cơ sở đó, hình thành và xây dựng các vùng di tích trọng điểm và có kế hoạch phát triển hạ tầng kỹ thuật liên kết các vùng di tích. Đồng thời, định hướng kết nối hệ thống tuyến, điểm, hạ tầng du lịch di tích, di sản, xây dựng sản phẩm du lịch – di sản đặc trưng trên tỉnh.
Đơn cử, nhóm di tích văn hóa – lịch sử đền ông Hoàng Mười. Theo kế hoạch, sẽ định hướng phát triển khu di sản trọng điểm đền ông Hoàng Mười trở thành trung tâm văn hóa dân gian Hưng Thịnh. Ở đây, sau khi hình thành và quy hoạch lại sẽ có trung tâm văn hóa dân gian, làng nghề hàng mã, đồ thờ, cánh đồng hoa thờ truyền thống. Song song với đó, sẽ tổ chức các hoạt động thường xuyên như biểu diễn chầu văn, hát xẩm, ca trù, tổ chức liên hoan điêu khắc giấy quốc tế. Các sản phẩm du lịch gắn với vùng sẽ là du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng. Các món ăn, dịch vụ lưu trú dân gian, xem biểu diễn dân ca, dân vũ…
Ý kiến ()