Thứ Ba, 26/11/2024 02:54 (GMT +7)

Nghị quyết 68 của Chính phủ: Thêm tiềm lực và sức chống chịu để phục hồi cho tương lai!

Thứ 6, 02/07/2021 | 16:26:00 [GMT +7] A  A

Đại dịch COVID-19 kéo dài đang tác động to lớn đến mọi mặt đời sống. Xã hội bị xáo trộn, kinh tế bị ảnh hưởng nghiêm trọng, người lao động và người sử dụng lao động đều lao đao vì khó khăn, an toàn sức khỏe của nhân dân bị đe dọa.

COVID-19 kéo dài khiến các doanh nghiệp lao đao, khó khăn. Ảnh: TTXVN

Việc sớm đẩy lùi dịch bệnh, có những nguồn lực động viên, hỗ trợ thiết thực, kịp thời, để cùng vượt qua đại dịch, đưa cuộc sống trở lại bình thường, là mong muốn của người lao động, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân.

Chính vì thế, Nghị quyết 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 được Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 1/7, đã đáp ứng mong mỏi “thêm sức chống chịu và phục hồi” của đông đảo các tầng lớp nhân dân, là một nghị quyết đi vào “lòng dân”.

Nói Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ đi vào “lòng dân” là bởi, Nghị quyết tập trung hỗ trợ hai đối tượng: Người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, góp phần phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, ổn định sản xuất, kinh doanh, bảo đảm đời sống và an toàn cho người lao động.

Việc hỗ trợ sẽ được thực hiện theo các nguyên tắc: Bảo đảm hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách; xây dựng các tiêu chí, điều kiện thuận lợi để người lao động và người sử dụng lao động dễ dàng tiếp cận chính sách; bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của các chính sách và nguồn lực để thực hiện.

Đây không phải lần đầu tiên Đảng và Nhà nước có quyết sách mang tính nhân văn và an dân như thế này. Suốt chiều dài của chiến dịch phòng, chống COVID-19, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo cho nhân dân, mục tiêu hàng đầu đặt ra là vì sức khỏe nhân dân, bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ người dân ổn định đời sống; đã ban hành và thực hiện nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.

Năm 2020, Chính phủ đã ban hành gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng nhằm ổn định cuộc sống cho 20 triệu người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Gói hỗ trợ này không chỉ mang ý nghĩa về kinh tế, mà còn mang giá trị nhân văn sâu sắc. Bởi số tiền từ gói hỗ trợ này tuy không lớn, nhưng đáng quý ở ý nghĩa giúp những người dân nghèo, những gia đình mất việc làm, thu nhập hết sức bấp bênh, đang lao đao vì dịch COVID-19, có thể vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Nguồn tín dụng từ gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ cũng giúp một bộ phận doanh nghiệp hạn chế được những thiệt hại, tổn thất do dịch bệnh gây ra, qua đó góp phần phục hồi sản xuất, bảo đảm đời sống và an toàn cho người dân.

Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ ban hành vào đúng thời điểm làn sóng thứ 4 dịch COVID-19 diễn ra hết sức phức tạp và nghiêm trọng. Từ tháng 4 đến nay, cộng đồng doanh nghiệp, những người sử dụng lao động và người lao động, mọi tầng lớp nhân dân như “ngồi trên đống lửa” vì những tác động tiêu cực của đợt cao điểm bùng phát đại dịch đang diễn ra ở nhiều địa phương trong cả nước.

Dựa trên những thông tin cập nhật diễn biến của dịch COVID-19, nhiều tổ chức nghiên cứu trong và ngoài nước đã dự báo tình hình sản xuất, kinh doanh năm 2021 sẽ còn gặp nhiều khó khăn khi cuộc chiến chống dịch trên thế giới và tại Việt Nam chưa thể kết thúc sớm. Nhiều ngành kinh tế quan trọng sẽ tiếp tục trải qua một năm đầy khó khăn và khó đoán định.

Kết quả điều tra lao động việc làm quý I/2021 của Tổng cục Thống kê ghi nhận, cả nước có 9,1 triệu lao động từ 15 tuổi trở lên chịu ảnh hưởng của dịch COVID-19. Tỷ lệ lao động có việc làm phi chính thức và lao động thiếu việc làm đều tăng so với quý trước và cùng kỳ 2020. Sự bùng phát lần thứ 3 của đại dịch COVID-19 làm suy giảm đà phục hồi của thị trường lao động đã đạt được trong 2 quý cuối năm 2020.

Nói Nghị quyết 68 của Chính phủ đáp ứng mong mỏi “thêm sức chống chịu và phục hồi” là bởi những tín hiệu từ chính sách hỗ trợ rất tập trung, không phải để “giải cứu” mà là hỗ trợ, giúp người sử dụng lao động và người lao động vượt qua khó khăn, thêm tiềm lực và sức chống chịu để phục hồi cho tương lai. Nhìn xa hơn, Nghị quyết 68 của Chính phủ là nhằm hiện thực hóa tinh thần Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, triển khai thực hiện các phương hướng, nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025, mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn phát triển đất nước đến năm 2045, trong đó nhấn mạnh phải gắn chính sách kinh tế với chính sách xã hội; phấn đấu tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, đồng thời phải bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống nhân dân. Mới đây, trong bài viết “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ rõ: Tăng trưởng kinh tế phải đi đôi với thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội ngay trong từng bước, từng chính sách và trong suốt quá trình phát triển. Mỗi chính sách kinh tế phải hướng tới mục tiêu phát triển xã hội và ngược lại, mỗi chính sách xã hội phải nhằm tạo ra động lực thúc đẩy phát triển kinh tế…

Nghị quyết 68 của Chính phủ đã thiết kế 12 chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động và người lao động gặp khó khăn vì đại dịch COVID-19. Đó là các chính sách: Giảm mức đóng bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; tạm dừng đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất; hỗ trợ đào tạo duy trì việc làm cho người lao động; hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; hỗ trợ người lao động ngừng việc; hỗ trợ người lao động chấm dứt hợp đồng lao động; hỗ trợ tiền ăn đối với người phải điều trị nhiễm COVID-19 (F0)… Đặc biệt, Chính phủ đã đưa ra chính sách cho vay trả lương ngừng việc, trả lương phục hồi sản xuất. Đây là lần đầu tiên có chính sách hết sức nhân văn này!

Nghị quyết 68 của Chính phủ đã được ban hành. Điều quan trọng lúc này là đưa Nghị quyết của Đảng vào cuộc sống, là tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết có hiệu quả. Làm sao để khắc phục được tình trạng Nghị quyết thì đúng, thì hay, nhưng chậm đi vào cuộc sống. Và làm thế nào để bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch, không để lợi dụng, trục lợi chính sách, bảo đảm thuận lợi để người lao động và người sử dụng lao động dễ dàng tiếp cận chính sách.

Với sự quan tâm sâu sắc của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, chắc chắn rằng, Nghị quyết 68 của Chính phủ đi vào thực tế cuộc sống, mang lại hiệu quả thiết thực, như chỉ đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại cuộc họp mới đây của Bộ Chính trị về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, đó là tập trung rà soát, xác định đúng đối tượng cần hỗ trợ một cách cụ thể, xây dựng định mức hỗ trợ phù hợp, bảo đảm chặt chẽ, công bằng, công khai, minh bạch và đạt hiệu quả thiết thực!

Hạnh Quỳnh (TTXVN)
https://baotintuc.vn/xa-hoi/nghi-quyet-68-cua-chinh-phu-them-tiem-luc-va-suc-chong-chiu-de-phuc-hoi-cho-tuong-lai-20210702132841650.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu