Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 29/11/2024 03:36 (GMT +7)
Nghịch lý nhập khẩu thức ăn chăn nuôi
Thứ 4, 30/08/2017 | 16:04:00 [GMT +7] A A
Là một nước nông nghiệp nhưng ước tính mỗi năm Việt Nam vẫn phải chi một lượng lớn ngoại tệ để nhập khẩu ngô hạt để chế biến thức ăn chăn nuôi.
Đó chính trong là mâu thuẫn nội tại của ngành trồng trọt, khi gạo thì xuất khẩu, thậm chí xuất khẩu khó khăn, còn ngô thì phải nhập khẩu. Điều này làm giảm sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi.
Nghịch lý xuất gạo, nhập ngô
Có một thực tế là giá ngô nhập khẩu luôn thấp hơn giá ngô trồng trong nước. Điều này cũng tương tự đối với đậu tương. Chưa kể, hàng nhập khẩu số lượng muốn mua bao nhiêu cũng có, trong khi hàng trong nước không ổn định về sản lượng, chất lượng mỗi lúc một khác nhau rất khó cho nhà sản xuất.
Nông dân huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh đang thu hoạch ngô. Ảnh: Phạm Thanh Tân/TTXVN |
Theo Viện Quy hoạch thiết kế nông nghiệp, giá thành trồng ngô ở nước ta từ 4.200 – 4.300 đồng/kg, và người nông dân phải bán được giá 5.000 đồng trở lên mới có lãi, trong khi đó lượng ngô nhập khẩu thì đang tăng nhanh, giá thành lại rất rẻ. Giá ngô hạt nhập từ Mỹ, Argentina về đến cảng của Việt Nam hiện đang được chào bán với giá 4.700 đồng/kg.
Ông Trần Xuân Định, Cục phó Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, hiện nay sản xuất ngô trong nước chỉ đáp ứng được khoảng 40-45% nhu cầu ngô hạt phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi trong nước. Năm 2016, Việt Nam nhập khẩu 3,39 tỷ USD thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu; trong đó, Việt Nam phải nhập khẩu 8,3 triệu tấn ngô với trị giá 1,65 tỷ USD và nhập 1,56 triệu tấn đậu nành để làm nguyên liệu chế biến thức ăn chăn nuôi.
Theo các chuyên gia, việc phụ thuộc nguồn thức ăn chăn nuôi nhập khẩu khiến sức cạnh tranh của ngành chăn nuôi Việt Nam chứa đựng nhiều rủi ro. Hiện nay, ngành chăn nuôi phụ thuộc lớn vào thức ăn nhập khẩu nên giá trị của ngành không cao, thậm chí chỉ lấy công làm lãi.
Trong 5 năm gần đây, giá thức ăn chăn nuôi tăng mạnh, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chiến lược phát triển của ngành, mang lại giá trị gia tăng thấp cho người chăn nuôi trong nước. Một số vùng sản xuất thức ăn chăn nuôi của Việt Nam đã không phát triển được vì năng suất cây trồng kém, người dân không tham gia nổi vào chuỗi cung ứng thức ăn chăn nuôi cho doanh nghiệp.
Trong chăn nuôi thức ăn chăn nuôi chiếm 70 – 75% giá thành sản phẩm nuôi. Trong khi người chăn nuôi lấy công làm lãi, phần lợi nhuận xem như rơi vào tay các doanh nghiệp nhập khẩu và doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi. Các doanh nghiệp này đa số là các doanh có vốn đầu tư nước ngoài.
Thống kê năm 2016 cho thấy, tuy chỉ có 59 trong tổng số 239 nhà máy chế biến thức ăn chăn nuôi trên cả nước nhưng số doanh nghiệp này chiếm từ 60 – 65% sản lượng.
Tăng diện tích, giảm giá thành
Để nâng cao sức cạnh tranh cho ngành chăn nuôi nói chung và để cạnh tranh được với ngô nhập khẩu nói riêng, ngành sản xuất ngô Việt Nam cần giải bài toán làm thế nào để giảm giá thành trên mỗi cân ngô thương phẩm thông qua hai yếu tố chính là giảm chi phí canh tác và cải thiện năng suất.
Theo ông Trần Xuân Định, nước ta thiếu các gói kỹ thuật sản xuất ngô cho từng vùng sinh thái nên năng suất chưa cao, giá thành cao, ít lợi thế cạnh tranh so với ngô ngoại nhập. Từ nay đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, sản xuất ngô trong nước tiếp tục hướng vào thị trường nội địa.
Hà Nội là địa phương có diện tích đậu tương lớn nhất nước hiện nay và đang quyết tâm khôi phục trở lại diện tích đậu tương bằng nhiều chính sách. Theo kế hoạch, diện tích sản xuất vụ Đông của Hà Nội sẽ gieo trồng chủ lực là cây đậu tương và cây ngô ngắn ngày.
Trong vụ Đông 2017 – 2018, Hà Nội phấn đấu gieo trồng 39.000ha bao gồm: Đậu tương 7.200ha, ngô 9.500ha, lạc 450ha, khoai lang 2.500ha, khoai tây 1.000ha, rau đậu các loại 16.000ha, hoa cây cảnh 2.500ha, cây trồng khác 850ha.
Ngay từ vụ đông 2014, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đã phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu & phát triển đậu, đỗ (Viện Cây lương thực, cây thực phẩm) có chính sách hỗ trợ 100% lượng giống đậu tương cho mô hình 50 ha tại xã Mỹ Thành, với giống đậu tương DT26. Theo đánh giá của nông dân, năng suất đậu tương đạt trung bình hơn 2 tấn/ha.
Ông Nguyễn Văn Thắng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu & phát triển đậu đỗ đánh giá, với tiềm năng năng suất của giống đậu tương DT26, nếu xuống giống sớm (trước 20/9) và thâm canh tốt, chủ động tưới, năng suất đậu tương vụ đông vùng đồng bằng Sông Hồng hoàn toàn có thể đạt được từ 2,5 tấn/ha, thậm chí 3 tấn/ha. Vì vậy đây vẫn là cây trồng hoàn toàn có thể cạnh tranh được với các đối tượng cây vụ đông ưa ấm khác.
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội khuyến cáo nông dân sử dụng cơ cấu giống ngắn ngày như: Các giống đậu tương có thời gian sinh trưởng ngắn (ĐT12, Đ8, ĐVN9); Các giống ngô lai F1 năng suất cao (NK4300, NK6654, LVN4, HN88); Các giống lạc kháng bệnh héo xanh vi khuẩn, gỉ sắt, đốm nâu (MD7, L23, L14); Các giống khoai lang (Hoàng Long, VX- 37, TV1).
Các giống khoai tây (Solara, Marabel). Đối với rau, mở rộng diện tích cây rau thực phẩm, nhất là cây ưa lạnh và phát triển vùng trồng rau truyền thống.
Để vụ Đông 2017 – 2018 giành thắng lợi, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội yêu cầu các huyện, thị xã có chính sách hỗ trợ xây dựng và duy trì các mô hình tiến bộ kỹ thuật mới, mô hình ứng dụng công nghệ cao, mô hình có hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho nông dân.
Ý kiến ()