Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 28/11/2024 07:41 (GMT +7)
Nghiệm thu đề tài : “Nghiên cứu chân dung anh hùng LLVT Long An”
Thứ 7, 06/08/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Sáng nay, Sở KH&CN Long An tổ chức Hội đồng nghiệm thu đề tài nghiên cứu khoa học : “Nghiên cứu chân dung anh hùng lực lượng vũ trang tỉnh Long An”. Thành viên hội đồng là những người đã từng sống, chiến đấu cùng với các anh hùng lực lượng vũ trang hoặc có nhiều nghiên cứu về lịch sử chiến đấu của quân và dân Long An.
Đề tài do Đại tá Nguyễn Tuấn Bảo – Bộ CHQS tỉnh Long An làm chủ nhiệm, thực hiện từ tháng 6/2015 – 12/2015. Sau thời gian nghiên cứu, sưu tầm, chủ nhiệm đề tài đã tập hợp được chân dung và nhân thân của 93 anh hùng LLVTND trên địa bàn Tỉnh. Từ đó, đúc kết những nét đặc trưng, phân tích, khắc họa chân dung của từng cá nhân, đưa ra nét chung nhất về tính cách anh hùng cách mạng; nghiên cứu anh hùng LLVTND với truyền thống: “Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc”.
Tiêu chí chọn anh hùng để đưa vào danh sách, đó là: người sinh ra – lớn lên và chiến đấu trên chiến trường Long An được tuyên dương anh hùng, người quê ở Long An nhưng tham gia chiến đấu ở đơn vị khác được tuyên dương anh hùng và người ở quê hương khác nhưng đến Long An chiến đấu được tuyên dương anh hùng. Tuy mỗi người đều sinh ra trong một hoàn cảnh khác nhau, cách chiến đấu và làm nên chiến thắng khác nhau, nhưng cả 93 anh hùng LLVT đều thể hiện được tinh thần yêu nước nồng nàn, không chịu làm nô lệ, kiên cường dũng cảm sẵn sàng hy sinh vì độc lập tự do, trung thành vô hạn với Đảng và cách mạng, luôn lạc quan tin tưởng ở thắng lợi cuối cùng. Và nhờ có những con người như thế, dân tộc này mới được độc lập, nhân dân ai cũng có cơm ăn, áo mặc và vươn lên sánh vai cùng bạn bè quốc tế.
Thời gian qua, tuy đã có nhiều tài liệu nghiên cứu về anh hùng LLVTND tỉnh Long An, nhưng hầu như chưa có tài liệu nào nghiên cứu đủ về hoàn cảnh xuất thân, sống và chiến đấu của anh hùng LLVT, gây khó khăn cho việc xuất bản, học tập hoặc làm tài liệu giảng dạy về lịch sử địa phương. Đề tài ra đời đã giải quyết được những cấp thiết về nguồn tư liệu lịch sử, có thể làm tài liệu giáo dục cho cơ quan chính trị Bộ CHQS tỉnh, CA Tỉnh, Sở GD-ĐT, Ban Tuyên giáo các cấp,… phục vụ tuyên truyền giáo dục các tầng lớp nhân dân, nhất là thanh niên học sinh, để sống học tập, rèn luyện theo gương các anh hùng vĩ đại.
Mỹ Yến – Văn Tài
Ý kiến ()