Thứ Hai, 25/11/2024 06:36 (GMT +7)

Ngôi trường biểu tượng của mối quan hệ Việt Nam – Triều Tiên

Thứ 5, 21/02/2019 | 16:22:00 [GMT +7] A  A

Nhờ sự viện trợ của Triều Tiên, từ năm 1978, mỗi lớp học ở Trường Mẫu giáo Việt – Triều (Hà Nội) đều có đàn piano, accordion, violin.

“An-nyong-ha-sim-ni-kka”, lời chào bằng tiếng Triều Tiên vang lên từ các em nhỏ lớp Kim Chang-il, Trường Mẫu giáo Việt – Triều hữu nghị, khi thấy người lớn bước vào sân trường. Mặc hanbok và áo dài, các em xếp thành vòng tròn, chơi trò mèo đuổi chuột để trước khi bắt đầu nhảy sạp.

Trên tầng hai, ở lớp Kim Nhật Thành, 30 bé 5 tuổi hát vang bài “Núi dâu tây” bằng tiếng Triều Tiên để khởi động cho tiết ôn luyện kiến thức cơ bản về Triều Tiên – đất nước đã viện trợ xây dựng ngôi trường.

“Thủ đô của Triều Tiên là thành phố nào”, “Còn thủ đô của Việt Nam nằm ở đâu”? Cô giáo đặt câu hỏi, các em nhỏ đồng loạt giơ tay xin phát biểu. Một bé trai được gọi tên chạy lên phía bản đồ treo dưới ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh và lãnh tụ Triều Tiên Kim Nhật Thành, chỉ tay tới vị trí của Bình Nhưỡng, Hà Nội và nhận được tràng pháo tay từ cả lớp.

Kể từ khi trường thành lập ngày 8/3/1978, những giờ học có xen kẽ văn hóa Việt Nam và Triều Tiên thường xuyên được tổ chức. Và sự hỗ trợ của Triều Tiên luôn được nhắc tới trong những bài học ở ngôi trường được xem là biểu tượng của mối quan hệ hợp tác Việt – Triều.

Học sinh chơi trong lớp Kim Chang-il (Kim Jong-il) sáng 20/2. Ảnh: Ngọc Thành

Học sinh chơi trong lớp Kim Chang-il (Kim Jong-il) sáng 20/2. Ảnh: Ngọc Thành

Trường Mẫu giáo Việt – Triều hữu nghị ban đầu chỉ có bốn lớp với 120 học sinh và 12 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Trong khuôn viên gần 4.000 m2 ở giữa thủ đô (phường Trung Tự, quận Đống Đa), trường có một dãy nhà hai tầng, gồm phòng học, phòng ngủ, phòng ăn, phòng giặt. Mỗi lớp học đều có đàn piano, accordion và violin. Tủ đồ chơi, để giày, tủ balo được lắp đặt riêng, tạo sự ngăn nắp. Học sinh được sử dụng những chiếc bàn gỗ tốt, cứ hai em ngồi một bàn, ghế có đệm được mô tả là “rất xịn”.

“Những năm 70-80 của thế kỷ trước, cả Hà Nội chưa có trường nào đẹp như thế. Giáo viên chúng tôi phấn khởi lắm, muốn gắn bó với nghề hơn lúc nào hết. Phụ huynh vui mừng, học sinh thích thú trước những mô hình đồ chơi đặt trên sân trường. Chúng tôi rất biết ơn Chính phủ Triều Tiên và Việt Nam đã tạo ra một môi trường giáo dục tuyệt vời đến vậy”, cô Hoàng Thị Thanh kể.

Sau này, trường Việt – Triều được xây thêm hai dãy phòng học, tòa nhà cũ chồng thêm một tầng. Sân trường có ba khu vui chơi với nhiều thiết bị hiện đại. Với 17 lớp học (mỗi lớp 30 học sinh), 11 phòng chức năng, ứng dụng nhiều sáng kiến giáo dục, Việt – Triều trở thành trường chất lượng cao, đạt chuẩn quốc gia. Trường đã đón nhận Huân chương Lao động hạng nhất, nhì, ba và năm 2018 nhận Huân chương Độc lập hạng ba.

Học sinh trường mẫu giáo Việt - Triều hữu nghị chơi ở sân trường trong những ngày đầu thành lập. Ảnh tư liệu

Học sinh trường mẫu giáo Việt – Triều hữu nghị chơi ở sân trường trong những ngày đầu thành lập. Ảnh tư liệu

Gắn bó với trường từ ngày đầu thành lập, cô Thanh chia sẻ đại sứ quán Triều Tiên thường xuyên đến thăm, giúp trường kiểm tra cơ sở vật chất. Những dịp quan trọng như ngày hội đến trường hay các ngày kỷ niệm, đại diện đại sứ quán tới trường giao lưu.

Năm 2002, khi cô Thanh lên làm hiệu trưởng, nhờ Hội hữu nghị Việt Nam – Triều Tiên, quan hệ giữa nhà trường và phía Triều Tiên được thúc đẩy. Với sự đề xuất của Chính phủ Triều Tiên, trường mẫu giáo Việt – Triều hữu nghị được giao lưu với trường mẫu giáo Kieng San ở Bình Nhưỡng. Sau hai lần thăm hỏi qua lại, hai bên kết nghĩa và thân thiết “như những người anh em” cho đến hôm nay.

Trường Việt – Triều thành lập hai lớp học mang tên hai nhà lãnh đạo của Triều Tiên là Kim Nhật Thành và Kim Chang-il dành cho học sinh 5 tuổi. Ở các lớp học, ảnh của nhà lãnh đạo hai nước được treo trang trọng. Nhiều ảnh tư liệu về cuộc gặp, hoạt động tiêu biểu cùng bản đồ hai nước được treo xung quanh.

Bên Bình Nhưỡng, trường mẫu giáo Kieng San cũng thành lập một lớp học mang tên Hồ Chí Minh. Học sinh của lớp này được học văn hóa, truyền thống của Việt Nam, tương tự việc học sinh trường Việt – Triều được tìm hiểu về Triều Tiên và mối quan hệ giữa hai nước.

Năm 2011, gần 20 thầy trò của trường Kieng San đã sang trường Việt – Triều giao lưu trong 10 ngày. Cô Thanh đến thăm trường Kieng San, giao lưu với học sinh ở ngôi trường này. Cả hai học hỏi kinh nghiệm từ nhau.

Giáo viên Phan Thị Hoa Lê trong giờ giảng về văn hóa Triều Tiên ở lớp Kim Nhật Thành. Ảnh: Ngọc Thành

14 năm dạy học ở trường mẫu giáo Việt – Triều và nhiều năm phụ trách lớp Kim Nhật Thành, cô Phan Thị Hoa Lê có nhiều kinh nghiệm trong việc giảng dạy văn hóa Triều Tiên cho học sinh. Thông tin về đất nước Triều Tiên trên mạng không nhiều, nhưng cô và đồng nghiệp nhận được sự giúp đỡ từ đại sứ quán.

“Họ cử người tới dạy tiếng, các bài hát, văn hóa và tình hữu nghị Việt – Triều cho cả cô và trò, cung cấp ảnh tư liệu quý giá để chúng tôi treo trong lớp học hay làm tư liệu khi dạy cho các con”, cô Lê nói và cho biết thêm học sinh rất hứng thú khi được học trong lớp Kim Nhật Thành, vì được biết nhiều hơn về lãnh tụ Việt Nam và Triều Tiên cũng như những văn hóa đặc trưng của nước bạn.

Trước thông tin Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un sẽ tới Việt Nam để tham dự hội nghị thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 27-28/2, cô Ngô Thị Minh Hà, hiệu trưởng hiện nay, bày tỏ mong muốn với đại sứ quán Triều Tiên về việc mời ông Chủ tịch Kim Jong-un đến thăm, giao lưu với thầy trò.

“Chúng tôi rất háo hức và đã chuẩn bị nhiều hoạt động với mong muốn được đón tiếp đoàn của Chủ tịch Kim Jong-un. Cô trò đã tập các bài hát truyền thống của Việt Nam và Triều Tiên, may thêm hanbok tạo thành dàn hợp xướng biểu diễn nếu ông Kim đến thăm trường”, cô Hà nói.

Theo Dương Tâm/ VnExpress

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu