Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Tư, 27/11/2024 05:13 (GMT +7)
Ngôi trường mang tên nhà giáo – nhà cách mạng Trương Minh Bạch
Thứ 4, 14/09/2022 | 03:46:42 [GMT +7] A A
Thời gian qua, nhiều ngôi trường lớn trên địa bàn tỉnh được xây dựng từ nguồn vốn xã hội hóa để phát triển giáo dục và đào tạo. Trong đó, với số tiền đầu tư hơn 100 tỷ đồng, trường THCS Trương Minh Bạch, xã Đức Lập Thượng, huyện Đức Hòa dự kiến đưa vào sử dụng trong tháng 9 này.
Trường THCS Trương Minh Bạch được khởi công xây dựng từ tháng 12/2020, kinh phí do gia đình bác sĩ Trương Minh Tuyết - Trần Đình Chiến là con gái và con rể của ông Trương Minh Bạch tài trợ. Công trình mang tên vị tiền bối cách mạng, người con mẫu mực của quê hương Đức Hòa, người chiến sĩ kiên trung, có nhiều công lao đóng góp xây dựng đất nước. Ông được Đảng, Nhà nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Nhì, hạng Ba; Huy hiệu Thành đồng Tổ quốc và nhiều phần thưởng cao quý khác.
Ông Trần Đình Chiến (con rể ông Trương Minh Bạch) – Nguyên Giảng viên Trường Đại học Bách Khoa chia sẻ: “Gia đình muốn mình làm gì tốt nhất cho địa phương và cũng để tri ân ông già. Và cũng rất muốn được lan tỏa ra xã hội, nguyện vọng là dành cho địa phương một món quà, trường đẹp, nhưng có thương hiệu hay không là do con người, thầy giáo, học trò cùng cố gắng phấn đấu để ngày càng đẹp hơn”.
Trường THCS Trương Minh Bạch có quy mô 24 phòng học và 25 phòng chức năng theo tiêu chuẩn quốc gia, đáp ứng nhu cầu học tập của khoảng 2.150 học sinh. Ngoài ra, trên tổng diện tích hơn 2,3 hecta, công trình còn được đầu tư các hạng mục hỗ trợ phát triển toàn diện về thể chất và tinh thần cho học sinh như nhà thi đấu đa năng, sân bóng ngoài trời, hồ bơi, căn tin, hệ thống lọc và cấp nước sinh hoạt công suất 50 m3/ngày đêm,…
Ông Trần Đình Chiến bày tỏ thêm: “Tôi dạy trong trường Bách Khoa ngành Xây dựng luôn, cũng trên 30 năm và các thầy ở đây cũng rất tâm huyết, về hưu rồi, nhưng các thầy đều biết ông già hết, hồi xưa nói chuyện, đánh cờ nhiều rồi và lúc này các thầy cũng muốn thể hiện tình cảm, thứ 2 nữa là khi thầy làm từ thiện thì không ai nghĩ đến tiền, mà làm tốt nhất, các thầy không lương, thưởng, tiền nong gì hết, kể cả tôi thấy cảm hóa được đội ngũ xây dựng, họ cũng làm tốt nhất cho xã hội, đó là những gì mình muốn đóng góp”.
Với kiến trúc đặc biệt, cổ điển xen lẫn hiện đại, Trường được đầu tư theo hình thức trao tay. Hiện tại, công trình chuẩn bị hoàn thành để đưa vào sử dụng ngay trong năm học này.
“Bọn mình muốn làm thật chuẩn và các phòng học, kiến trúc xây dựng, để lại cho huyện công trình mà sau này cho con em học tập, vì mình là thầy giáo cho nên rất quan tâm đến giáo dục đào tạo và xây dựng cơ sở vật chất cho con em. Trong quá trình làm, được xã, huyện, phòng giáo dục và tỉnh về thăm, động viên. Mình làm hoàn toàn là vô tư, không phải đi làm để lấy tiền nên tự nguyện và rất vui”, ông Lê Văn Nam – Nguyên Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa, Trưởng Ban chỉ đạo công trình chia sẻ thêm.
Là huyện phát triển công nghiệp thu hút hàng chục ngàn dân nhập cư, nên cơ sở vật chất dành cho giáo dục của Đức Hòa chưa theo kịp sự gia tăng dân số cơ học. Do vậy, việc tranh thủ nguồn lực xã hội hóa để chung tay đầu tư cho giáo dục như thế này sẽ góp phần giảm áp lực chi ngân sách, đảm bảo mạng lưới trường học để đào tạo nhân lực cho địa phương./.
Thanh Thủy – Xuân Quốc
Ý kiến ()