Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 30/11/2024 08:56 (GMT +7)
Người dân được bán rác thải, nhưng cũng phải trả phí cho lượng rác mình thải ra
Thứ 4, 12/08/2020 | 14:57:00 [GMT +7] A A
Sáng 12/8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, Phiên họp thứ 47 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi).
Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Phan Xuân Dũng phát biểu tại Phiên họp. Ảnh: Trọng Đức/TTXV
Tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, các đại biểu đã xem xét, cho ý kiến về Dự thảo Luật Bảo vệ môi trường sửa đổi.
Ông Phan Xuân Dũng, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường (KH,CN&MT) của Quốc hội cho biết: Qua nghiên cứu tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) về đề nghị bổ sung cụm từ “cộng đồng dân cư” vào Điều 1 và Điều 2, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT nhận thấy cộng đồng dân cư có vai trò quan trọng trong bảo vệ môi trường (BVMT), việc bổ sung cụm từ “cộng đồng dân cư” trong hoạt động BVMT là cần thiết, nhằm phát huy hơn nữa vị trí, vai trò quan trọng của cộng đồng dân cư đối với công tác BVMT. Đồng thời, Dự thảo Luật cũng đã quy định cụ thể về quyền và trách nhiệm của cộng đồng dân cư như tại Điều 165.
Một số ý kiến đề nghị cân nhắc nguyên tắc tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng thành phần môi trường, được hưởng lợi từ môi trường có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho BVMT. Nguyên tắc “người gây ô nhiễm phải trả chi phí để xử lý, khắc phục hậu quả, cải tạo và phục hồi môi trường” và “người được hưởng lợi từ tài nguyên, môi trường phải có nghĩa vụ đóng góp để đầu tư trở lại cho quản lý tài nguyên và BVMT” là hai nguyên tắc cơ bản trong công tác BVMT được xác định tại Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Đảng và đã được thể chế hóa quy định trong Luật BVMT 2014.
Vì thế, Thường trực Ủy ban KH,CN&MT đề nghị cần tiếp tục quy định nguyên tắc như Luật hiện hành tại khoản 8 Điều 4 của Dự thảo Luật: “Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng thành phần môi trường, được hưởng lợi từ môi trường có nghĩa vụ đóng góp tài chính cho bảo vệ môi trường”.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân hoan nghênh dự thảo luật quan tâm đến việc quản lý xử lý chất thải, chất thải rắn. Chủ tịch Quốc hội lưu ý: Sau này Luật được thông qua cần có chiến dịch truyền thông rộng rãi để luật đi vào cuộc sống, dần dần thay đổi ý thức hành động của người dân và toàn xã hội.
“Phân loại tại nguồn từng hộ, từng nhà, phải tạo nếp quen này đi. Đâu phải đợi tới nhà máy mới phân loại. Nhưng muốn làm cái này phải có điều kiện, yêu cầu các nhà sản xuất thùng rác làm thùng 3 ngăn, in chữ. Nhà ít thì mua thùng nhỏ, sâu, không chiếm diện tích”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân gợi ý.
Theo dự thảo Luật, chất thải rắn sinh hoạt được phân thành 3 loại cơ bản: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. Căn cứ điều kiện kinh tế xã hội từng địa phương, UBND tỉnh quyết định phân loại cụ thể chất thải rắn sinh hoạt khác. Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn kỹ thuật về phân loại chất thải rắn sinh hoạt; hướng dẫn hình thức thu giá dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt theo khối lượng, chủng loại phát sinh.
Chủ nhiệm Uỷ ban KH,CN&MT Phan Xuân Dũng cho rằng: Hộ gia đình, cá nhân phát sinh chất thải rắn sinh hoạt có trách nhiệm chi trả một phần kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý, phần kinh phí còn lại được ngân sách nhà nước hỗ trợ theo quy định của Chính phủ. Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế được phân loại theo quy định không phải chi trả kinh phí thu gom, vận chuyển và xử lý. Về lộ trình thực hiện, theo dự thảo luật, UBND cấp tỉnh quy định giá tối đa đối với dịch vụ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt; quy định cụ thể hình thức và mức kinh phí hộ gia đình, cá nhân phải chi trả cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt dựa trên lượng, chủng loại chất thải phát sinh trước ngày 1/1/2025.
Ông Phan Xuân Dũng cho biết, đây là nội dung bắt buộc phải làm của một quốc gia tiên tiến, văn minh, để thực hiện quy định này phải thay đổi thói quen, tập quán lạc hậu, cần sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị nên cần có quyết tâm chính trị cao. Do đó, Ủy ban KH,CN&MT xin Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến chỉ đạo.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: Trọng Đức/TTXVN
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho rằng, phải để cho người dân tự bán rác thải thì mới có động lực để phân loại. “Nếu tôi bán rác, có tiền, không đáng bao nhiêu nhưng dù sao cũng hiệu quả hơn nhưng khi đó tôi mới phân loại. Đơn vị đi mua, trả tiền tôi, còn nhà máy tái chế đi mua lại từ “ông” vận chuyển. Nhà nước có thể hỗ trợ cho “ông” sản phẩm thông qua thuế sẽ hợp lý hơn. Còn nếu người dân không được bán mà lại phải trả tiền thu gom xử lý rác thì rất dễ dẫn đến tình trang vứt bừa bãi, không chịu phân loại”, Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc phân tích.
Cho rằng quy định về quản lý chất thải sinh hoạt là nội dung mới rất tiến bộ, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đồng ý phải có quy định khuyến khích, tạo điều kiện thu gom, phân loại rác sinh hoạt và cho phép người dân được bán rác thải sinh hoạt. Tuy nhiên, ông Uông Chu Lưu cũng đồng ý quan điểm thải ra nhiều phải trả nhiều tiền cho việc đi thu gom, xử lý rác. Còn nếu không trả phí sẽ vô tình khuyến khích người ta xả rác nhiều.
“Anh có thể bán nhưng xả nhiều thì phải trả tiền nhiều”, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh.
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình cũng ủng hộ phân làm 3 loại rác tại nguồn. Ông Phan Thanh Bình cũng đồng ý nguyên tắc giao cho UBND cấp tỉnh quy định và lộ trình tới năm 2025 sẽ thực hiện.
Trưởng ban Công tác đại biểu Quốc hội Trần Văn Túy cho rằng lộ trình 5 năm, tới 2025 mới thực hiện phân loại và thu phí rác thải theo khối lượng, chủng loại, là quá dài. Nếu có quy định bắt buộc và lộ trình rõ ràng hơn trong 1 – 2 năm thì sẽ tạo được thói quen, tập quán.
“Địa phương tôi trước đây thí điểm ở phường thì dân hưởng ứng. Nhưng khi thu gom thì tất cả đổ lên một xe thành ra rất lãng phí. Quan trọng là có nhận thức đồng bộ. Tôi đề nghị nghiên cứu lộ trình ngắn hơn. Nếu không quyết tâm thì rất lãng phí và mất thêm 5 năm”, ông Trần Văn Túy nói.
Theo Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thi Kim Ngân, Bộ Tài nguyên và Môi trường phải gặp nhà sản xuất hàng tiêu dùng đặt vấn đề này để tạo thành phong trào, từng khu phố, huyện tỉnh phải đăng ký phong trào giống như xây dựng nông thôn mới. Nếu nhà nhà có thùng rác 3 ngăn thì tốt.
https://baotintuc.vn/thoi-su/nguoi-dan-duoc-ban-rac-thai-nhung-cung-phai-tra-phi-cho-luong-rac-minh-thai-ra-20200812123302883.htm
Ý kiến ()