Thứ Ba, 26/11/2024 04:21 (GMT +7)

Người dân nợ nần vị hạn, mặn

Thứ 5, 07/04/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Bao đời nay, đông xuân là vụ lúa “ăn chắc” của người dân thì năm nay, hạn và xâm nhập mặn đã làm mọi thứ hoàn toàn đảo ngược. Không những không thu được lãi mà người dân còn phải nợ tiền phân bón, thuốc bảo vệ thực vật.

Phơi lúa giờ đây đối với anh Võ Ngọc Đằng, thị trấn Thủ Thừa chỉ còn trong quá khứ bởi thường anh được thương lái đặt mua lúa tươi tại ruộng. Nhưng năm nay có năn nỉ thì thương lái cũng không mải mai ngó ngàng đến. Vậy là anh đành phải chở lúa về nhà phơi khô, đợi bán cho người ta xay làm cám hoặc làm thức ăn cho vịt. Mọi năm, với 1,5 hecta lúa anh thu hoạch trên 10 tấn, năm nay, chỉ còn chưa đến 3 tấn. Đã vậy, chất lượng lúa còn sụt giảm nghiêm trọng. Kết quả, không những không kiếm được đồng lời mà còn lỗ vốn. Đó là chưa kể anh còn nợ đại lý hơn 10 triệu đồng tiền phân bón và thuốc bảo vệ thực vật đang phải chịu lãi hàng ngày……. Hậu quả của tình trạng hạn và xâm nhập mặn chưa từng có trong 10 năm qua khiến nông dân chật vật.

Anh Đằng còn vớt vát được vài tấn lúa trong khi ông Nguyễn Văn Dũng, thị trấn Thủ Thừa xem như mất trắng 2,4 hecta lúa ngay lần đầu tiên thuê đất để canh tác. Gần 25 triệu tiền thuê đất; gần chục triệu tiền cày xới, mua giống; thêm hơn 20 triệu tiền nợ phân, thuốc…. Nghe những con số liệt kê và nhìn cảnh lúa chết trắng đồng mà không khỏi xót xa…. ảnh hưởng nước xâm nhập mặn giờ nghe có vị “đắng” trong từng câu chuyện thất bát, nợ nần của người dân.

ttxvn_luachetkhohan Đồng lúa khô cháy vì hạn, mặn. Ảnh minh họa

Do ảnh hưởng của EL Nino gây hiện tượng khô hạn kết hợp xâm nhập mặn sớm và sâu vào nội đồng nên trong vụ lúa đông xuân 2015-2016 đã có gần 6.500 hecta lúa bị thiệt hại. Trong đó, Cần Giuộc là địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất do nằm gần biển Đông, chịu ảnh hưởng của thủy triều nên nguồn nước các sông bị nhiễm mặn cao. Hiện 2.600 hecta lúa mùa và lúa đông xuân bị thiết hại chiếm hơn 40% tổng diện tích gieo cấy toàn huyện.

Thường thì người ta đốt đồng là đốt rơm rạ nhưng năm nay có hàng trăm người dân phải “ngậm ngùi” đốt lúa – những bông lúa chỉ có vỏ chứ không có hạt gạo nào bên trong. Thế nhưng khi được hỏi về vụ hè thu sắp tới, người dân lại nuôi hy vọng có thể gỡ gạc được đồng nào hay đồng ấy.

Theo lịch thời vụ, giữa tháng 4 này, người dân sẽ bước vào đợt gieo sạ đầu tiên của vụ lúa Hè Thu trong khi tình hình hạn và xâm nhập mặn đang diễn biến ngày một khắc nghiệt hơn và ngành nông nghiệp dự đoán sẽ có khoảng 5.400 hecta lúa hè thu sớm bị thiệt hại từ 30 – 50% và 20.000 hecta có khả năng sẽ bị thiếu nước tại các huyện Đồng Tháp Mười và ven sông Vàm Cỏ Đông trong tháng 4 này.

Với diễn biến tình hình hiện tại, không biết vụ lúa Hè Thu 2016 có được mùa, được giá như mong đợi và kỳ vọng của người dân hay tất cả vốn liếng lại cũng sẽ tiếp tục “bốc hơi” theo những đồng ruộng khô cháy và mặn chát./.

Duy Huệ – Đức Cảnh

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu