Thứ Tư, 27/11/2024 05:28 (GMT +7)

Người đặt nền móng ngành Tin học Việt Nam.

Thứ 6, 25/12/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Là một trong bốn nhà khoa học đầu tiên được Nhà nước phong học hàm PGS của ngành Tin học, PGS.TS Nguyễn Văn Ba, giảng viên bộ môn Toán tính, Khoa Toán – Lý, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội được biết đến là một trong những người tiên phong đặt nền móng cho việc ra đời ngành Tin học sau này ở Việt Nam.

Sau gần 40 năm hình thành và phát triển, hiện nay, Việt Nam được đánh giá là một trong những nước có tốc độ phát triển ngành Tin học nói riêng và ngành Công nghệ Thông tin (CNTT) nói chung vào nhóm các nước nhanh nhất, hội nhập quốc tế sớm nhất, sâu rộng nhất.

Ngày nay, trong bối cảnh mà sự thay đổi về kiểu dáng và tính năng của những chiếc máy tính đang diễn ra một cách chóng mặt, thì chúng tôi lại tình cờ được nghe câu chuyện ít ai biết đến về cái thời mà những chiếc máy tính được sử dụng ở Việt Nam có kích thước khủng bằng cả một bức tường nhà. Đó là câu chuyện về PGS.TS Nguyễn Văn Ba và chiếc máy tính MINSK 22, chiếc máy tính đầu tiên của miền Bắc Việt Nam.

Ngồi cạnh chiếc máy tính bàn hiện đại do người con trai (đồng thời cũng là đồng nghiệp sau này của ông) mua tặng, PGS.TS Nguyễn Văn Ba đã kể cho chúng tôi về thời kỳ đầu xây dựng ngành Tin học của Trường đại học Bách Khoa Hà Nội, đồng thời cũng là đầu tiên ở Việt Nam.

Đó là năm 1972, sau khi làm nghiên cứu sinh ở Ba Lan về nước, với mong muốn tạo ra phương pháp giảng dạy mới và hiệu quả hơn cho sinh viên của khoa Toán – Lý, PGS.TS Nguyễn Văn Ba đã cùng các đồng nghiệp đi học cách lập trình máy tính MINSK 22 để đưa vào giảng dạy trong khuôn khổ đào tạo các kỹ sư Toán Công trình. Lúc bấy giờ, đây là chiếc máy tính đầu tiên ở Hà Nội và do Liên Xô tài trợ.


GS Nguyễn Văn Ba một trong những người đi đầu trong lĩnh vực Công nghệ thông tin ở Việt Nam.
Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông – ĐH Bách khoa Hà Nội
tổ chức mừng sinh nhật lần thứ 75 của GS Nguyễn Văn Ba. Ảnh: Tư liệu
Vì là chiếc máy tính đầu tiên và duy nhất của toàn miền Bắc nên nó được ưu tiên cho việc tính toán để phục vụ sản xuất hơn là trong công tác đào tạo. Cho nên chiếc máy tính được đặt ở một tầng hầm chuyên biệt của Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật trên phố Trần Hưng Đạo. “Ngày đó, mỗi lần muốn được sử dụng chiếc máy ấy, tôi và các sinh viên phải chờ đến buổi đêm. Vì thế, chuyện thầy và trò phải ngủ qua đêm ở hàng lang phòng máy tính là chuyện thường xuyên.”, PGS.TS Nguyễn Văn Ba kể lại.Chiếc máy tính MINSK 22 ngày đó có kích thước to đúng bằng một bức tường nhà, cộng thêm khí hậu nhiệt đới nóng ẩm ở Việt Nam khiến việc chăm sóc, bảo dưỡng chiếc máy tính đó còn khó hơn cả việc vận hành. Bởi vậy, ông và các đồng nghiệp trong Trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã phải chăm sóc nó như cách PGS Nguyễn Văn Ba ví von là hơn “chăm con mọn”. “Tuy cơ sở vật chất khó khăn và lạc hậu là vậy nhưng mọi người ai cũng hào hứng và cùng chung một niềm tin lớn là sẽ xây dựng cho Trường Đại học Bách khoa Hà Nội một ngành Tin học vững mạnh, phát triển”, PGS Nguyễn Văn Ba xúc động nhớ lại.Nhận thấy những tác dụng ưu việt của máy tính, Bộ Đại học và Trung học Chuyên nghiệp lúc bấy giờ đã đưa ra vấn đề là phải có một hệ thống đào tạo hoàn chỉnh về Tin học. Thế nhưng lúc đó ngoài những môn về lập trình cơ bản như: lập trình trên ngôn ngữ máy MINSK 22, lập trình trên các ngôn ngữ cấp cao như FORTRAN, ALGOL, COBOL, PL/1… thì trong nước chưa có một hình mẫu nào để tham khảo, còn tài liệu nước ngoài thời đó cũng rất khó để tiếp cận. Bởi vậy chưa đủ điều kiện để cho ra đời một hệ thống các bộ môn đào tạo về tin học.

Nhận thấy sự khó khăn đó, PGS Nguyễn Văn Ba đã cùng các đồng nghiệp tỏa đi khắp các thư viện ở Hà Nội để tìm nguồn tài liệu. Có nhiều lúc, ông đã thấy vô cùng mệt mỏi và buồn phiền vì tìm mọi nguồn tài liệu mà không thu được gì. Thế nhưng trong một lần tìm tài liệu ở Thư viện Khoa học Kỹ thuật Trung ương, ông đã may mắn tìm được tài liệu mang tên “Curriculum 68” trên cuốn tạp chí ACM của Mỹ. Đây là một bộ chương trình đào tạo về Computer Science ở cấp đại học và sau đại học được biên soạn rất công phu bởi một tập thể hơn 70 chuyên gia có tiếng của Mỹ. Tìm được nguồn tài liệu này, PGS Nguyễn Văn Ba đã vô cùng vui sướng bởi đây chính là chìa khóa giúp ông và các đồng nghiệp xây dựng nên những bộ giáo trình có hệ thống về Tin học, khởi đầu cho ngành Tin học ở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Đến năm 1987, Khoa Tin học được chính thức tách khỏi Khoa Toán và trở thành khoa Tin học đầu tiên của miền Bắc.

Đến những năm 1989 – 1990, khi dòng máy tính PC tràn vào Việt Nam thì cũng là lúc chiếc máy MINSK 22 kết thúc “sứ mệnh”, nhường chỗ cho một thế hệ máy tính mới ưu việt hơn. Đây cũng là thời điểm, PGS.TS Nguyễn Văn Ba về nghỉ hưu, như cách ông nói là nhường chỗ cho một thế hệ “máy tính mới”.
Cái thời khó nhọc ấy rồi cũng đã qua đi, thế nhưng dấu ấn của những người mở đường đầy nghị lực và giàu niềm tin như PGS Nguyễn Văn Ba thì dường như vẫn còn in đậm trong lịch sử ngành Tin học của Việt Nam. Bởi nhờ có những người mở đường dũng cảm ấy mà ngày nay Việt Nam mới có được một ngành Tin học phát triển xứng tầm khu vực và thế giới.

GS Nguyễn Văn Ba tham gia hội đồng chấm luận án Tiến sĩ ngành Công nghệ Thông tin của Việt Nam.
Ảnh: Tư liệu

GS Nguyễn Văn Ba dự buổi họp giao ban về chuyên môn với các giảng viên

Dù tuổi đã cao nhưng niềm đam mê nghiên cứu vẫn còn cháy bỏng trong trái tim GS Nguyễn Văn Ba. Ảnh: Tất Sơn
Tuy đã nghỉ hưu nhưng ông vẫn tìm thấy niềm vui khi được làm việc với các đồng nghiệp trẻ.

Ảnh: Tất Sơn

Bài: Thảo Vy – Ảnh: Nguyễn Tất Sơn & Tư lieu- TTXVN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu