Thứ Ba, 26/11/2024 16:36 (GMT +7)

Người không tiêm vaccine có nguy cơ tái nhiễm COVID-19 nhiều lần

Thứ 4, 20/10/2021 | 16:34:00 [GMT +7] A  A

Trong bối cảnh số ca COVID-19 tăng vọt ở Anh, nhiều báo cáo cho rằng nhiều người sẽ có nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2 lần thứ hai, thậm chí thứ ba.

Lối vào một điểm tiêm chủng ở London, Anh. Ảnh: EPA

Theo trang The Guardian (Anh), một nghiên cứu mới ở Anh cho rằng những người chưa tiêm vaccine COVID-19 có nguy cơ tái nhiễm trung bình 16 tháng một lần. Khi mùa đông đang đến gần, các nhà khoa học cảnh báo rằng những ca tái nhiễm này có thể gia tăng gánh nặng cho hệ thống y tế quốc gia. Họ kêu gọi chính phủ cần thúc đẩy chương trình tiêm chủng cho tất cả học sinh, bao gồm cả 2 liều cho thanh thiếu niên.

Ông Stephen Griffin, Phó Giáo sư về virus học tại Đại học Leeds, cho biết: “Nếu tỷ lệ mắc COVID-19 ở mức độ cao và bạn thường xuyên tiếp xúc với virus như ở trường học, sẽ ngày càng có nhiều người bị tái nhiễm dù đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine”.

Vào thời điểm này năm ngoái, các ca tái nhiễm đã xảy ra nhưng tương đối hiếm, với chỉ khoảng 20 ca được ghi nhận trên toàn thế giới. Giờ đây, khả năng miễn dịch tự nhiên với virus SARS-CoV-2 đang giảm dần theo thời gian. Một nghiên cứu của Đan Mạch chỉ ra rằng những người dưới 65 tuổi chỉ được bảo vệ khoảng 80% trong ít nhất 6 tháng, trong khi những người trên 65 tuổi chỉ được bảo vệ 47%.

Cùng với đó, sự xuất hiện của biến thể Delta đã khiến tình hình thêm phức tạp. Ông Danny Altmann, Giáo sư miễn dịch học tại Đại học Hoàng gia London cho biết: “Trong số các nhân viên y tế tham gia nghiên cứu, có nhiều người có mức kháng thể vừa phải, một số trường hợp trước đó đã mắc COVID-19 và được tiêm 2 liều vaccine, nhưng vẫn mắc bệnh. Tôi nghĩ rằng những trường hợp này đã phổ biến hơn so với trước đây”.

Dữ liệu của ONS được công bố hôm 6/10 cho biết trong số 20.262 người Anh có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 trong khoảng thời gian từ tháng 7/2020-9/2021, có 296 trường hợp tái nhiễm. Các trường hợp tái nhiễm được định nghĩa là những người có kết quả xét nghiệm dương tính mới từ 120 ngày trở lên sau lần xét nghiệm dương tính đầu tiên, thời gian trung bình giữa các lần xét nghiệm dương tính thường là 203 ngày.

Chuyển bệnh nhân nhiễm COVID-19 tới bệnh viện ở London, Anh. Ảnh: AFP/TTXVN

Các chuyên gia cũng nhận thấy rằng các ca tái nhiễm dường như đã cao hơn kể từ tháng 5/2021, khi Delta trở thành biến thể “thống trị” toàn cầu. Dữ liệu theo dõi và báo cáo về tỷ lệ tái nhiễm từ các bang ở Mỹ cũng đã củng cố giả thuyết cho rằng nguy cơ tái nhiễm biến thể Delta cao hơn đáng kể các chủng thông thường.

Bang Oklahoma, nơi có dân số khoảng 3,9 triệu người, đã ghi nhận 5.229 ca tái nhiễm trong tháng 9 (tương đương với tỷ lệ tái nhiễm là 1.152/100.000 ca), số ca tái nhiễm đã tăng 350% kể từ tháng 5.
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ định nghĩa tái nhiễm là trường hợp mắc COVID-19 sau 90 ngày hoặc hơn sau lần xét nghiệm dương tính đầu tiên.

Tiến sĩ Nisreen Alwan, Phó Giáo sư sức khỏe cộng đồng tại Đại học Southampton, nhận định: “Với mức độ gia tăng các ca mắc COVID-19 ở Anh, trẻ em và người lớn càng dễ có nguy cơ tái nhiễm, đôi khi sau thời gian tương đối ngắn kể từ lần nhiễm virus đầu tiên. Chúng tôi vẫn chưa nghiên cứu rõ về các yếu tố tái nhiễm, nhưng khi tất cả những người trẻ mắc COVID-19, kịch bản đại dịch sẽ kết thúc ngày càng trở nên khó xảy ra.”

Cụ ông John Mason, 82 tuổi, tiêm vaccine COVID-19 tại Blackburn, Anh. Ảnh: Reuters

Giáo sư Jeffrey Townsend và các đồng nghiệp tại Trường Y Đại học Yale đã phân tích dữ liệu tái nhiễm và miễn dịch từ các loại virus Corona khác, bao gồm cả những loại gây ra dịch SARS, MERS và cảm cúm thông thường. Bằng cách kết hợp dữ liệu này với kháng thể và dữ liệu miễn dịch học khác từ những người đã khỏi bệnh sau khi mắc COVID-19, họ có thể mô hình hóa nguy cơ tái nhiễm theo thời gian.

Nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet Microbe cho thấy tình trạng tái nhiễm sẽ ngày càng trở nên phổ biến khi khả năng miễn dịch suy giảm, đặc biệt là khi số lượng ca nhiễm cao.

“Nếu chúng ta không thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh, không đeo khẩu trang hoặc giãn cách xã hội, không tiêm vaccine, chúng ta có thể tái nhiễm trong khoảng thời gian từ 3 tháng đến 5 năm. Điều này có nghĩa là trung bình một người có thể tái mắc COVID-19 3 tháng đến 5 năm một lần”, ông Townsend nói.

Mặc dù vaccine đang ngăn chặn mức độ lây nhiễm hiệu quả, song Anh vẫn ghi nhận 49.156 ca COVID-19 hôm 18/10, con số cao nhất kể từ giữa tháng 7. Tỷ lệ lây nhiễm được ghi nhận cao nhất ở học sinh trung học, với ước tính 8,1% trong nhóm này đã mắc COVID-19 trong tuần đầu tháng 10.

“Điều này cho thấy rằng nếu chưa tiêm phòng, bạn nên tiêm phòng. Nếu đã từng mắc COVID-19, bạn vẫn nên tiếp tục tiêm vaccine vì nó sẽ kéo dài thời gian bảo vệ bạn. Nếu không kiểm soát các ca lây nhiễm ở học sinh, chúng ta cũng có nguy cơ mắc bệnh và tái nhiễm. Virus sẽ lây lan sang các bậc phụ huynh, nghiêm trọng hơn là lây lan cho người cao tuổi và những người dễ bị tổn thương”, Phó Giáo sư Griffin nói.

Hải Vân/Báo Tin tức
https://baotintuc.vn/the-gioi/nguoi-khong-tiem-vaccine-co-nguy-co-tai-nhiem-covid19-nhieu-lan-20211020103612336.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu