Uỷ ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam cam kết phối hợp với các Uỷ viên thực hiện tốt các chương trình hành động, nhằm tạo điều kiện để người khuyết tật phát huy được quyền của mình.
Người khuyết tật sẽ được tiếp cận về giao thông, thông tin, nhà ở để họ có thể đi lại, phát huy khả năng…
Uỷ ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam cam kết phối hợp với các Uỷ viên thực hiện tốt các chương trình hành động, nhằm tạo điều kiện để người khuyết tật phát huy được quyền của mình.
Hình minh họa
Sau khi Luật Người khuyết tật được ban hành, đến nay, hệ thống Luật pháp chính sách về người khuyết tật tương đối đầy đủ, thống nhất và toàn diện. Việc tổ chức thực hiện chính sách pháp luật về người khuyết tật đã tạo ra những chuyển biến tích cực đối với cuộc sống của người khuyết tật.
Sự thay đổi về nhận thức xã hội giúp người khuyết tật tự tin hơn, các rào cản xã hội từng bước giảm dần, quyền của người khuyết tật ngày càng được đảm bảo tốt hơn, giúp cho người khuyết tật hoà nhập vào đời sống xã hội thuận lợi. Bên cạnh đó, Nhà nước luôn quan tâm ban hành nhiều chính sách, ưu tiên nguồn lực cho việc thực hiện chính sách, chương trình, đề án trợ giúp người khuyết tật. Đồng thời, hoạt động trợ giúp người khuyết tật cũng nhận được nhiều sự quan tâm, phát huy trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức, cá nhân và cộng đồng dân cư.
Thứ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Phó Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam Nguyễn Trọng Đàm cho rằng, mọi người dân cần nâng cao nhận thức và xóa bỏ những rào cản, kỳ thị xã hội đối với người khuyết tật, có cái nhìn đúng hơn, phù hợp hơn và cởi mở hơn, để người khuyết tật có thể tự tin tham gia vào mọi lĩnh vực xã hội và đặc biệt trao cho họ quyền tự quyết định cuộc sống của họ:
“Việc ưu tiên số một là chúng ta phải rà soát và điều chỉnh lại hệ thống chính sách cho tương thích với công ước xem còn luật pháp, chính sách nào liên quan đến người khuyết tật nằm ở các văn bản khác nhau, còn chỗ nào cần phải điều chỉnh. Đồng thời, ưu tiên đầu tiên là giải quyết vấn đề tiếp cận cho người khuyết tật, tiếp cận về giao thông, thông tin, nhà ở phải tập trung giải quyết sớm để tạo cơ hội cho người khuyết tật có thể đi lại, hội nhập được. Tiếp theo là thúc đẩy mạnh chương trình hỗ trợ về học chữ và học nghề, tìm kiếm việc làm cho người khuyết tật”- Thứ trưởng Nguyễn Trọng Đàm nhấn mạnh.
Theo báo cáo của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, hiện cả nước có khoảng 7,2 triệu người khuyết tật từ 5 tuổi trở lên, chiếm 7,8% dân số. Trong đó, có hơn 796.500 người khuyết tật đặc biệt nặng và nặng được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng. Cả nước đã hình thành, phát triển được 67 cơ sở trợ giúp người khuyết tật, cung cấp dịch vụ, phục hồi chức năng, hướng nghiệp dạy nghề và công tác xã hội đối với những người khuyết tật có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Người khuyết tật sống trong các Trung tâm Bảo trợ xã hội đều được các địa phương nâng mức trợ cấp, mức tiền ăn lên gấp từ 1,5 đến 2 lần chính sách chung của nhà nước./.
Ý kiến ()