Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 23/11/2024 10:05 (GMT +7)
Người nông dân sáng chế máy cấy không động cơ
Thứ 3, 24/05/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Dù chưa được học qua trường lớp về kỹ thuật cơ khí, nhưng nhờ sự say mê nghiên cứu khoa học kỹ thuật, ông Vũ Văn Dung, 54 tuổi, xã Yên Mạc, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình, đã sáng chế chiếc máy cấy không động cơ, sử dụng được trên nhiều địa hình đồng đất và đạt năng suất cấy cao, giúp ích việc đồng áng cho bà con nông dân.
Sinh ra và lớn lên trên vùng đất thuần nông, thấu hiểu nỗi vất vả nhọc nhằn của người nông dân nên ông Dung luôn ấp ủ sáng chế được một số loại máy móc giúp giảm sự vất vả của người nông dân trên đồng ruộng. Từ niềm đam mê với sáng chế khoa học kỹ thuật cộng với kinh nghiệm tích lũy trong 20 năm làm nghề sửa chữa xe máy, ông Dung đã mày mò tự vẽ bản thiết kế sáng chế chiếc máy cấy không động cơ.
Ông Nguyễn Văn Dung hướng dẫn sử dụng máy cấy. |
Đầu năm 2015, sau khi đã hoàn thành bản vẽ, ông Dung tận dụng vật liệu từ những chiếc xe máy, xe đạp cũ, hỏng và bắt tay vào gia công, lắp ráp chiếc máy cấy. Tuy nhiên, suy nghĩ ra bản vẽ sáng chế máy cấy đã khó, đến khi bắt tay vào thực hiện mới thấy khó khăn hơn nhiều. “Từ chọn vật liệu, đo đạc đến hàn ghép các chi tiết, tất cả đều phải được làm chuẩn thì máy mới hoạt động hiệu quả được”, ông Dung chia sẻ.
Để hoàn thiện chiếc máy cấy, ông Dung phải làm đi làm lại nhiều lần. Cứ mỗi lần hoàn thành chiếc máy đưa vào sử dụng thử thấy chưa phù hợp, ông Dung lại tháo ra nghiên cứu và làm lại. Toàn bộ chi phí nghiên cứu, sản xuất ra đời chiếc máy cấy đều do ông Dung tự bỏ ra với hàng chục triệu đồng. Nhưng dường như khó khăn không làm ông Dung nản chí, mà càng thôi thúc ông say mê hoàn thành tâm nguyện. Tháng 10/2015, chiếc máy cấy không động cơ hoàn thiện và đưa vào sử dụng thành công.
Ông Dung cho biết, máy cấy không động cơ có cấu tạo 3 phần gồm khay để mạ, tay kéo và khung gắp mạ. Khay mạ được làm bằng tôn chống rỉ, khung bằng thép U loại nhỏ, thiết kế nghiêng 45 độ để mạ có thể tự động chảy xuống khung gắp mạ. Khi mạ chảy xuống đến đâu, tay kéo hoạt động gắp mạ đến đó. Cứ lần lượt 4 cây mạ một gắp sẽ được đưa vào đúng vị trí và khung dập sẽ làm nhiệm vụ như bàn tay người cắm mạ xuống đất.
Ưu điểm của máy cấy không động cơ là không tốn nhiên liệu, mạ cấy thẳng hàng, khoảng cách giữa các gốc mạ được cố định là 18 cm. Máy chỉ nặng 25 – 30 kg nên dễ vận chuyển, sửa chữa, sử dụng được trên nhiều loại đồng đất với năng suất cấy một sào cho mỗi giờ làm việc.
Ông Nguyễn Văn Tuấn, xã Yên Mạc, huyện Yên Mô chia sẻ, gia đình tôi có 5 sào lúa, để cấy được 5 sào phải mất nhiều ngày mới xong. Vào mùa vụ, thời gian cấy kéo dài khiến cho lúa phát triển không đồng đều và không thuận lợi cho việc chăm bón. Từ khi sử dụng máy cấy không động cơ, với diện tích 5 sào lúa chỉ cần 1 người cấy và với thời gian 1 ngày là xong. Máy rất dễ sử dụng giúp ích rất nhiều cho bà con nông dân.
Thấy chiếc máy của ông Dung hiệu quả, bà con quanh vùng đến xem và nhiều người đã đặt hàng. Tiếng lành đồn xa, sản phẩm máy cấy không động cơ của ông Dung được bán ra nhiều tỉnh thành khác như Hà Nam, Nam Định, Hà Tây,… Đến nay, ông Dung đã sản xuất và tiêu thụ được hơn 50 máy cấy cho thị trường, trung bình mỗi chiếc có giá bán từ 4 – 5 triệu đồng/chiếc.
Để đáp ứng được số lượng đơn đặt hàng, ông Dung phải tạm nghỉ việc sửa xe máy để chuyên tâm vào sản xuất máy cấy không động cơ. Hiện ngoài việc chế tạo thành công máy cấy lúa không động cơ, ông Dung còn sử dụng các động cơ xe máy cũ để chế tạo, làm ra nhiều loại máy móc khác như máy bơm nước, máy thái chuối… và được nhiều người dân tin tưởng, đặt hàng.
Ý kiến ()