Thứ Sáu, 22/11/2024 13:20 (GMT +7)

Người phát ngôn Chính phủ nói về con số 45.000 tỷ đồng để phân bổ

Thứ 6, 30/10/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

Tại họp báo Chính phủ chiều 29/10, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên và Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai giải đáp các vấn đề liên quan đến tài chính – ngân sách.

Liên quan đến lo ngại, Chính phủ chỉ còn 45.000 tỷ đồng để phân bổ, Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên giải thích rõ hơn: Về dự toán chi đầu tư phát triển (ĐTPT) nguồn NSNN: năm 2016 là 255,75 nghìn tỷ đồng, cao hơn mức bội chi NSNN (254 nghìn tỷ đồng). Tính cả chi đầu tư từ nguồn Trái phiếu Chính phủ 60 nghìn tỷ đồng; từ nguồn thu Xổ số kiến thiết 26 nghìn tỷ đồng thì tổng chi ĐTPT năm 2016 là 341,75 nghìn tỷ đồng, chiếm 25,1% tổng chi NSNN. “Con số mà Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề cập là vốn ngân sách Trung ương trong nước và chỉ là một phần trong tổng chi ĐTPT nêu trên” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên nói.

nguoi phat ngon chinh phu noi ve con so 45.000 ty dong de phan bo hinh 0
Bộ trưởng Nguyễn Văn Nên
Làm rõ hơn về vấn đề thu chi ngân sách, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết, năm 2015, tổng thu ngân sách vượt 16.400 tỷ đồng, tuy nhiên trong cơ cấu thu thì thu ngân sách địa phương vượt 47.000 tỷ đồng, thu ngân sách trung ương hụt hơn 31.000 tỷ đồng. Một trong những nguyên nhân chính khiến ngân sách hụt thu là do giá dầu thô giảm mạnh, ước tính làm giảm thu 63.000 tỷ đồng. Dự kiến đến hết ngày 31/12/2015, mức nợ công sẽ tương đương 61,3% GDP%, nằm dưới ngưỡng 65% GDP mà Quốc hội cho phép. Ngoài ra, dự kiến còn sử dụng nguồn bán một phần vốn nhà nước tại một số doanh nghiệp để thực hiện chương trình Mục tiêu quốc gia về Xây dựng nông thôn mới, đầu tư một số bệnh viện trung ương, tuyến cuối, bố trí vốn đối ứng các dự án ODA và đầu tư cho Chương trình chống ngập lụt tại TP Hồ Chí Minh.

Để bù đắp số hụt thu, Chính phủ đã đề nghị bán nốt phần vốn ở một số doanh nghiệp nhà nước (DNNN), trong đó có 10.000 tỷ đồng sẽ được dùng để bù đắp hụt thu. Với số còn lại, từ nay đến cuối năm, Chính phủ đã chỉ đạo hết sức quyết liệt để phấn đấu tăng thu, rà soát các DN, các cơ sở nộp thuế lớn như các tập đoàn, tổng công ty, Liên doanh dầu khí Vietsopetro, những đối tượng nộp thuế lớn… để kiên quyết đôn đốc thu nợ, đảm bảo mức thu được đạt cao nhất, khoảng 34.000 tỷ đồng.

Một giải pháp nữa được Thứ trưởng Vũ Thị Mai cho biết là, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ việc sử dụng số dự phòng chưa sử dụng là 3.500 tỷ đồng và số tiết kiệm chi thường xuyên 10% của các bộ ngành, tổng cộng khoảng 4.150 tỷ đồng để bù vào số hụt thu của ngân sách trung ương. Với một loạt các giải pháp như vậy, Thứ trưởng Vũ Thị Mai khẳng định: Sẽ cố gắng phấn đấu giảm ít nhất việc sử dụng số 10.000 tỷ đồng từ phần bán vốn của DNNN”. Đồng thời, trong quá trình điều hành, Chính phủ, Bộ Tài chính sẽ kiểm soát chặt chẽ hơn nữa để đảm bảo tiết kiệm chi. Đến 31/12/2015, nếu đơn vị nào, bộ ngành nào chưa dùng hết dự toán cũng sẽ trình Thủ tướng không cho phép chuyển nguồn sang năm sau, trừ một số trường hợp đặc biệt theo quy định.

Thứ trưởng Vũ Thị Mai

Về cơ cấu ngân sách, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết mặc dù kinh tế khó khăn, nhưng các cấp, các ngành đã nỗ lực phấn đấu, từ đó cơ cấu thu ngân sách được cải thiện theo chiều hướng ngày càng tích cực. Cụ thể, trong giai đoạn 2006 – 2010, cơ cấu thu ngân sách từ nội địa chiếm tỷ trọng hơn 62%, thì đến hết năm 2015, tỷ trọng thu nội địa đã tăng lên và chiếm tỷ trọng tới 74%.

“Đây là sự chuyển đổi cơ cấu hết sức tích cực. Trong khi thu từ dầu thô, thu từ thuế xuất khẩu, nhập khẩu ngày càng giảm theo xu thế hội nhập thì thu nội địa ngày càng tăng, cho thấy cơ cấu ngân sách ngày càng vững chắc hơn. Đặc biệt là thu từ các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, từ DNNN, DN FDI chiếm tỷ trọng ngày càng lớn”, Thứ trưởng Bộ Tài chính cho biết.

Về thu ngân sách nhà nước (NSNN), Chính phủ đã báo cáo Quốc hội dự kiến tổng thu năm 2016 là 1.014 nghìn tỷ đồng, tăng 103 nghìn tỷ đồng so với dự toán năm 2015./.

Vũ Hạnh/VOV.VN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu