Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 21/11/2024 18:33 (GMT +7)
Người tiên phong làm kinh tế rừng ở Mường Lát
Thứ 5, 05/11/2015 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Từ một huyện vùng cao nghèo thuộc diện 30a xa xôi và khó khăn nhất của tỉnh Thanh Hóa, Mường Lát đang từng ngày vươn lên bằng những mô hình kinh tế phát triển bền vững.
Nếu như vài năm trước đây đồng bào dân tộc ở Mường Lát chỉ trông chờ, ỷ lại vào trợ cấp của Nhà nước với số gạo hỗ trợ, cứu đói lên tới hàng trăm tấn mỗi năm, thì ngày nay rất nhiều hộ đã có “của ăn, của để” dựa trên chính tiềm năng của một huyện miền núi là trồng rừng, dựa vào rừng để phát triển kinh tế. Người có công tiên phong trong việc phát triển kinh tế rừng ở huyện Mường Lát là ông Lương Văn So, người dân tộc Thái ở bản Poong, xã Quang Chiểu. Đến nay gia đình ông mỗi năm thu nhập trên 250 triệu đồng từ mô hình vườn – ao – chuồng – rừng.
Ông So chăm sóc rừng xoan. |
Khi chúng tôi đến thăm cơ ngơi của ông So ở bản Poong, gia đình ông đang có 8 ha xoan và lát chuẩn bị thu hoạch, dự kiến nguồn thu mỗi ha lên đến 80 triệu đồng. Bên cạnh số tài sản từ rừng kể trên, gia đình ông So còn có trang trại nuôi gà, vịt với số lượng gần 300 con, 1.500 m2 ao cá, hàng chục con dê, trâu, bò…
Trò chuyện với chúng tôi, ông So cho biết sau nhiều năm chiến đấu bảo vệ cầu Hàm Rồng, hòa bình lập lại, ông trở về quê ở miền tây xứ Thanh ở bản Poong, xã Quang Chiểu. Với bản chất người lính cụ Hồ không cam chịu nghèo đói, ông quyết định khai hoang rừng nghèo kiệt để trồng xoan và lát – hai loại cây thích hợp với với vùng đất khắc nghiệt này. Và ông trở thành người tiên phong trồng rừng kinh tế bằng 2 loại cây xoan và lát ở xã Quang Chiểu.
Ông So chăm sóc ao cá. |
Năm 2009, Đoàn Kinh tế quốc phòng 5 (Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh Thanh Hóa) đã về xã Quang Chiểu vận động bà con dân bản trồng xoan, lát để xóa đói, giảm nghèo. Những năm đầu, người dân chưa mặn mà vì cho rằng trồng cây xoan, cây lát phải mất đến 8-10 năm mới cho thu hoạch, trong khoảng thời gian đó lấy gì mà ăn. Hơn nữa bà con nơi đây vẫn còn tâm lý trông chờ, ỷ lại vào trợ cấp gạo hàng tháng của Nhà nước nên không chịu làm. Riêng ông So thì xem đây là cơ hội để gia đình thoát nghèo và vươn lên làm giàu. Nghĩ vậy, ông đã mạnh dạn đăng ký trồng 2 ha xoan.
Không quản gian khó, ông cùng vợ và 3 người con đã làm việc cật lực “từ khi con chim rừng rời tổ đến lúc trời tối mịt”. Được Đoàn Kinh tế quốc phòng 5 hỗ trợ giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây xoan. Cây xoan lại rất thích hợp với điều kiện thời tiết, khí hậu khắc nghiệt cũng như chất đất khô cằn ở vùng miền núi Mường Lát nên phát triển khá nhanh. Từ thành công ban đầu, ông tiếp tục đầu tư giống, phân bón trồng thêm 6 ha xoan và lát. Đến năm 2015, gia đình ông So trồng thêm 2,5 ha, nâng tổng số diện tích rừng trồng của gia đình ông lên 10,5 ha. Gia đình ông So đã trở thành một trong những hộ có diện tích trồng xoan, lát lớn nhất huyện Mường Lát.
Đến nay những cây xoan, lát trồng lứa đầu đã có đường kính 15 cm. Sắp tới diện tích xoan của gia đình ông cho thu hoạch với giá trị lên đến 80 triệu đồng/ha. Từ thành công của mô hình trồng xoan, lát trên đất rừng nghèo kiệt ở sườn núi, nhiều đoàn công tác của huyện Mường Lát và tỉnh Thanh Hóa đã về tham quan, học tập kinh nghiệm trồng rừng của ông So.
Để có được thành công như ngày hôm nay, ông So đã cùng gia đình đã vượt qua rất nhiều khó khăn, gian khổ từ khai hoang đất rừng, tự học tập, tìm tòi kỹ thuật trồng, chăm sóc cây xoan, cây lát và nghiên cứu. Đặc biệt, bài toán “lấy ngắn nuôi dài” trong quá trình chờ những cây lấy gỗ cho thu hoạch cũng được ông So tính toán kỹ bằng việc ông khai hoang đất đồi làm ruộng bậc thang để có nguồn lương thực tại chỗ. Với diện tích 0,5 ha để trồng lúa, vào thời điểm đó, ông So cũng là người tiên phong đưa máy cày về làm ruộng trong khi dân bản còn rất xa lạ với việc canh tác ruộng nương bằng máy cơ giới. Nhiều người còn sợ làm đất bằng máy có mùi xăng dầu lúa sẽ không tốt được. Nhưng thực tế lúa của gia đình ông So phát triển tốt, cho năng suất, hiệu quả hơn hẳn.
Từ thành công này, nhiều gia đình đã thuê ông sử dụng máy cày để làm đất. Đến nay nhiều hộ dân trong bản đã mua máy cày, góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả trong sản xuất nông nghiệp, giải phóng sức lao động cho bà con. Ông cũng vay vốn của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để xây dựng trang trại nuôi gia súc, gia cầm. Cũng có năm ông mạnh dạn trồng dưa hấu cho thu nhập 200 triệu đồng/năm.
Ông Cao Văn Cường, Chủ tịch UBND huyện Mường Lát cho biết, từ thành công của mô hình trồng rừng của gia đình ông So, huyện Mường Lát đã cho nhân rộng ra toàn huyện. Tính đến thời điểm hiện tại, huyện Mường Lát đã trồng được 15.000 ha rừng xoan và lát. Ông Vi Văn Lượng, Trưởng bản Poong cho biết thêm, từ mô hình của gia đình ông So, nhiều bà con dân bản đã thay đổi tư duy, nếp nghĩ để noi gương ông So, không còn trông chờ ỷ lại vào trợ cấp của Nhà nước. Đến nay bà con trong bản đã trồng được 160 ha cây xoan, lát trên đất rừng nghèo kiệt ở bản Poong, góp phần xóa đói, giảm nghèo.
Ý kiến ()