Thứ Bảy, 30/11/2024 00:36 (GMT +7)

Người tiêu dùng sẽ chủ động lựa chọn nhà mạng

Thứ 2, 13/11/2017 | 11:13:00 [GMT +7] A  A

Với hơn 110 triệu thuê bao di động và việc quản lý ngày càng chặt chẽ hơn việc đăng ký thuê bao di động, thị trường viễn thông đang bước vào giai đoạn bão hòa. Với các chương trình khuyến mại gần đây có thế thấy cuộc chiến giữa các nhà cung cấp dịch vụ di động đang tập trung vào việc giữ chân thuê bao.

Người tiêu dùng sẽ ưu tiện chọn nhà mạng có nhiều dịch vụ tốt.

Tập trung các chương trình ưu đãi

Những động thái gần đây trên thị trường cho thấy cả ba nhà mạng nắm giữ 95% thị phần viễn thông gồm Viettel, MobiFone, VinaPhone liên tục đưa ra các chương trình chăm sóc khách hàng. Từ cuối tháng 5/2017, MobiFone đã đưa ra gói cước dành cho khách hàng dùng di động trả sau không tính cước thuê bao tháng mang tên MobiF. Gói MobiF gồm 4 gói cước: C69, C149, C101, C171, tương ứng với số tiền 69.000 đồng/tháng, 149.000 đồng/tháng, 101.000 đồng/tháng và 171.000 đồng/tháng. Tùy theo nhu cầu, khách hàng dùng gói C69 được miễn phí 700 phút gọi nội mạng MobiFone và đến các số cố định của mạng VNPT; hoặc sử dụng gói C171, được miễn phí 300 phút gọi tới 4 nhà mạng còn lại, được tặng kèm gói dữ liệu.

VinaPhone cũng đưa ra thị trường các gói cước ECO không cước thuê bao tháng: ECO69, ECO99, ECO149 và ECO169 với các số tiền tương ứng 69.000 đồng/tháng, 99.000 đồng/tháng, 149.000 đồng/tháng, 169.000 đồng/tháng. Các gói ECO của VinaPhone cũng có các quy định tương tự về phút gọi miễn phí nội mạng và đến các nhà mạng khác trong nước cũng như kèm tặng gói dữ liệu.

Mới đây, VinaPhone đưa ra chương trình Freedoo với đầu số 0886… với gói sản phẩm như sim, số, thẻ cào và các gói cước đặc thù tích hợp thoại, tin nhắn, data….; giá cước giảm đến 50% so với giá hiện hành. Việc hoà mạng, chọn số, chọn gói cước, thanh toán đa dạng qua các hình thức Internet Banking hay QR Pay… mang lại tiện ích cho người dùng.

Tại buổi ra mắt chương trình Freedoo, lãnh đạo VinaPhone cũng công khai ý định hướng tới khách hàng trẻ và tạo sản phẩm mới để giữ chân khách hàng lâu năm.

Điểm dễ nhận thấy như VinaPhone ưu tiên đưa ra thị trường các gói cước tích hợp các dịch vụ viễn thông – công nghệ thông tin; còn Viettel và MobiFone lại mạnh trong việc đưa ra các gói cước bán kèm thiết bị đầu cuối. Cả hai nhà cung cấp này đều hợp tác với Samsung Việt Nam để đưa ra thị trường gói cước bán kèm với máy, trợ giá tới 50-60% giá trị các dòng máy tầm trung và hơn 30% giá trị với dòng máy cao cấp. Điều kiện đi kèm là khách hàng phải cam kết mức cước theo quy định trả hằng tháng.

Cạnh tranh khốc liệt

Anh Nguyễn Hồng Lĩnh, một người am hiểu công nghệ thông tin chia sẻ, trước đây, người Việt thường chú trọng đến các chương trình khuyến mại. Tuy nhiên, với việc nhiều người dùng sử dụng smartphone (điện thoại thông minh) với các ứng dụng tiện ích thì chất lượng dịch vụ mới là yếu tố quyết định.

“Từ 1/1/2018, thời điểm áp dụng chính sách chuyển mạng giữ nguyên số thuê bao có hiệu lực sẽ là cơ hội để người dùng lựa chọn nhà mạng có nhiều dịch vụ tốt hơn. Nhiều số di động sử dụng lâu năm là phương tiện kinh doanh nên không muốn chuyển đổi sang dùng mạng khác. Tuy nhiên, từ năm 2018, tôi sẽ lựa chọn nhà mạng có dịch vụ tốt để sử dụng”, anh Nguyễn Hồng Lĩnh chia sẻ.

Đây cũng là tâm lý của nhiều người dùng điện thoại hiện nay. Do đó, các chuyên gia viễn thông cũng nhận định, từ năm 2018 sẽ là năm cạnh trạnh khốc liệt giữa các nhà mạng để giữ chân thuê bao với những gói cước có lợi hơn, đồng thời chăm sóc khách hàng tốt hơn, cung cấp dịch vụ chất lượng, đáp ứng được nhu cầu của khách hàng.

Việc cạnh trạnh khốc liệt giữa các nhà mạng cũng được thể hiện rõ tại báo cáo của chính các nhà mạng tại Hội nghị giao ban quản lý nhà nước Bộ TT&TT vào đầu tháng 11/2017. Theo đó, lãnh đạo hai Tập đoàn viễn thông lớn là VNPT và Viettel cho rằng việc các nhà mạng rơi vào tình cảnh doanh thu và thuê bao di động tăng trưởng chậm do thị trường cạnh tranh mạnh về giá cước. Theo lãnh đạo Tập đoàn VNPT, thị trường di động đang cạnh tranh rất mạnh về cước, cả cước thoại và data nên ảnh hưởng tới kế hoạch tăng trưởng doanh thu của VNPT. Còn lãnh đạo Tập đoàn Viettel, cho biết, doanh thu Viettel có tăng trưởng khoảng 9% so với cùng kỳ năm trước, riêng phát triển thuê bao mới chỉ hoàn thành khoảng 75-80% mục tiêu đặt ra. Nguyên nhân do thị trường cạnh tranh về cước rất mạnh, cước giảm ở mức rất thấp, cả cước thoại và cước data đều giảm.

Còn tại Hội thảo quốc tế về quản lý cạnh tranh và giá cước do Cục Viễn thông (Bộ TT&TT) tổ chức mới đây tại Hà Nội,Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thành Hưng cũng khẳng định:Thị trường viễn thông Việt Nam đang khó thu hút, phát triển thuê bao mới, dẫn tới cạnh tranh giữa các doanh nghiệp viễn thông nhằm tăng doanh thu và thị phần ngày càng khốc liệt, đặc biệt là cạnh tranh về giá cước dưới nhiều hình thức như cung cấp dịch vụ dưới giá thành, khuyến mại giảm giá liên tục.

Tính tới hết tháng 6/2017, mật độ thuê bao di động đạt 124 thuê bao/100 dân; mật độ thuê bao băng rộng di động là 50 thuê bao/100 dân.

XC/Báo Tin Tức

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu