Chủ Nhật, 24/11/2024 14:23 (GMT +7)

Nguồn nước không phải tác nhân gây ung thư tại Bình Thuận

Thứ 4, 13/04/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A  A

 

Ảnh minh họa – TTXVN

Ngày 13/4, ông Lê Bé, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mê Pu (huyện Đức Linh, Bình Thuận) cho biết, xã đã nhận được thông báo của Viện Pasteur Nha Trang kết luận nguồn nước tại xã Mê Pu không phải là tác nhân gây ra bệnh ung thư tại đây. Sau khi có kết luận này, xã đã tổ chức thông báo rộng rãi đến các tổ chức, đoàn thể và người dân nhằm tránh thông tin sai lệch, gây hoang mang cho người dân.

Mê Pu là xã miền núi huyện Đức Linh, hiện có 14.600 người, phân bố ở 9 thôn. Theo thống kê của Ủy ban nhân dân xã, từ năm 2003 đến nay, toàn xã đã có 125 trường hợp tử vong do các bệnh ung thư như: hầu, thực quản, dạ dày, đại tràng… Người bệnh tập trung chủ yếu ở khu vực thôn 5 và thôn 8. Hầu hết người dân trong vùng đều sử dụng nguồn nước giếng để sinh hoạt. Do trong thời kháng chiến chống Mỹ, khu vực núi Tà Pứa (giáp ranh xã Mê Pu) gần căn cứ Đồi huyện ủy Đức Linh từng bị rải chất độc hóa học. Do vậy, người dân Mê Pu nghi ngờ nguồn nước từ thượng nguồn đổ về có thể là nguyên nhân chính gây ra bệnh ung thư cho dân làng. Thông tin xã Mê Pu là “làng ung thư” đã khiến người dân trong vùng hết sức hoang mang, lo lắng.

Trước tình hình đó, Viện Pasteur Nha Trang đã phối hợp với Trung tâm y tế dự phòng tỉnh tiến hành điều tra, khảo sát điều kiện địa lý, địa chất, tình hình sản xuất nông nghiệp, sử dụng hóa chất bảo vệ thực vật, các nguồn nước thải, rác thải sinh hoạt, làng nghề và các yếu tố ảnh hưởng khác tại đây. Đồng thời, Viện Pasteur Nha Trang đã lấy 5 mẫu nước giếng tại 9 hộ có bệnh nhân ung thư để phân tích các chỉ tiêu theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống (QCVN 01:2009/BYT).

Theo kết luận của Viện Pasteur Nha Trang, dù tính trung bình trong 12 năm, tính trung bình trong 6 năm cuối (2009-2014) hoặc tính riêng cho năm có số ca chết do ung thư cao nhất thì tỷ suất chết do mắc ung thư trên 100.000 dân trong một năm tại xã Mê Pu, huyện Đức Linh (Bình Thuận) đều thấp hơn so với con số trung bình trên toàn cầu hoặc toàn quốc. Trong số 9 bệnh nhân mắc ung thư thì có 8 bệnh nhân làm nghề nông. Quá trình canh tác của họ đều có sử dụng thuốc trừ sâu, diệt cỏ nên việc tiếp xúc là điều không thể tránh. Riêng về nguồn nước, kết quả xét nghiệm cho thấy nguồn nước dùng cho ăn uống sinh hoạt chủ yếu ở đây là giếng đào, nhiễm phèn nhẹ, có nước quanh năm. Nồng độ của các hóa chất bảo vệ thực vật tồn lưu, các kim loại nguy hại trong 5 mẫu xét nghiệm đại diện cho khu vực đều nằm trong giới hạn cho phép. Có 2 mẫu có hàm lượng Sắt và Mangan cao, cần phải xử lý trước khi sử dụng. Điều kiện môi trường sống tại Mê Pu tương đối tốt, không có nguồn gây ô nhiễm không khí, đất, nước nào đáng kể.

Ông Lê Bé, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Mê Pu cho biết: Kết luận của Viện Pasteur Nha Trang đã giải tỏa được tâm lý lo lắng, hoang mang, giúp người dân trong xã yên tâm, ổn định cuộc sống. Tuy nhiên hiện nay nguồn nước giếng tại đây vẫn còn bị nhiễm phèn. Thời gian qua địa phương đã phối hợp với tổ chức Thiện Chí hỗ trợ bà con 54 bể chứa, 2 ống bi đặt dưới lòng giếng để lọc phèn. Đồng thời, phòng khám đa khoa khu vực Mê Pu đã phối hợp với Tổ y tế dự phòng tổ chức hướng dẫn cho người dân cách bảo vệ, vệ sinh giếng nước và cách lấy nước hợp vệ sinh, xử lý nước đơn giản tại nhà. Trong thời gian tới, nhân dân và chính quyền xã Mê Pu mong muốn tỉnh và các ngành chức năng quan tâm hỗ trợ địa phương xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch cho người dân.

Hồng Hiếu (TTXVN)

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu