Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Chủ Nhật, 24/11/2024 10:26 (GMT +7)
Nguồn vốn khuyến công hỗ trợ người trẻ khởi nghiệp
Thứ 2, 28/11/2022 | 10:47:54 [GMT +7] A A
Là kỹ sư chuyên ngành công nghệ sinh học, sau thời gian mày mò nghiên cứu, anh Lê Xuân Diệu - Giám đốc Công ty TNHH nông nghiệp Vaco, xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức đã khởi nghiệp thành công với sản phẩm đông trùng hạ thảo, giúp loại dược liệu quý này trở nên phổ biến để người tiêu dùng dễ tiếp cận và sử dụng.
Từng bước khắc phục khó khăn trong những ngày đầu khởi nghiệp, anh Lê Xuân Diệu cùng các cộng sự tạo ra được sản phẩm giá trị cao nhưng giá thành “bình dân”. Hiện nay, sản lượng đông trùng hạ thảo ở cả 2 trại nấm đạt khoảng 100 ngàn sản phẩm/tháng, gồm các loại tươi, sấy khô, cao, nghiền bột, chủ yếu là tiêu thụ nội địa và khoảng 5% được xuất khẩu đi Mỹ, Úc.
“Xuất phát từ ngành học của mình là ngành công nghệ sinh học, tôi biết đến loại nấm này rất tốt cho sức khỏe, giá thành rất cao, người tiêu dùng khó tiếp cận đối với thu nhập của người Việt Nam mình, từ đó tôi tham gia vào nghiên cứu, sản xuất thành công quy trình công nghiệp, đưa được quy trình sản xuất phù hợp với chi phí dễ tiếp cận hơn cho người tiêu dùng. Tương lai chúng tôi làm đông trùng hạ thảo sâm, kết hợp với sâm và các loại thảo dược ở Việt Nam mình chế biến ra loại viên nang hoặc nước uống dinh dưỡng” - Anh Lê Xuân Diệu chia sẻ.
Đông trùng hạ thảo được nuôi trồng trong môi trường khép kín, đảm bảo nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng và các điều kiện nghiêm ngặt từ khâu cấy chuyền, chọn giống đến cấy phôi để tạo ra sản phẩm chất lượng.
Chị Võ Thị Hân - nhân viên Công ty Vaco cho biết thêm: “Khi vô phòng nuôi mình phải đội nón lưới, mang bảo hộ áo blouse, có khẩu trang, khi sản xuất môi trường phải nhiệt độ lạnh từ 18 – 22 0C là nhiệt độ tối ưu để nó phát triển. Trước khi cấy phải qua khâu làm mát, mình phải hấp tiệt trùng xong rồi qua phòng mát để làm mát môi trường rồi mình cấy vô, nói chung là nấm đông trùng hạ thảo rất là nhạy cảm với nhiệt độ”
Nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, công ty Vaco quyết định đầu tư 2 máy sấy nông sản dạng thăng hoa, công suất 100 kg/mẻ trong 30 - 40 giờ, kinh phí hơn 1,4 tỷ đồng, trong đó chương trình khuyến công quốc gia hỗ trợ 300 triệu đồng, phần còn lại là vốn đối ứng từ doanh nghiệp.
“Ở đây chúng tôi dùng máy sấy thăng hoa, công nghệ Nhật Bản, máy sấy thăng hoa dùng quy trình hoạt động là cấp đông sợi nấm, cấp đông thành đá, quy trình áp suất cao, tạo ra chế độ thăng hoa, ở nhiệt độ cao nhất là 60 oC. Trước đây mình đi sấy ở ngoài, sấy lạnh, nó sẽ teo sợi nấm và mất đi một số thành phần dược chất trong sợi nấm” - Anh Nguyễn Văn Tùng - Công ty Vaco thông tin thêm.
Đây là dòng máy sấy hiện đại, năng suất tăng từ 30 - 40% so với thủ công. Máy tự hiệu chỉnh thời gian, nhiệt độ, độ ẩm, tiết kiệm gần 50% chi phí lao động. Sản phẩm sau khi sấy đồng đều, đạt tiêu chuẩn, đáp ứng yêu cầu của khách hàng. Ngoài ra, thiết bị cho hiệu quả sử dụng điện năng cao, tiết kiệm năng lượng, giảm ô nhiễm môi trường.
Ông Phan Thành Tâm - Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Đức, huyện Bến Lức nhận định: “Nhận được nguồn vốn hỗ trợ của Bộ Công thương với Sở Công thương, địa phương rất mừng đã hỗ trợ một phần nào đó cho công ty để phát triển thêm công nghệ, dây chuyền sản xuất. Sau này, địa phương mong muốn, Bộ Công thương, Sở Công thương hỗ trợ nhiều hơn nữa cho địa phương nhằm phát triển cho những doanh nghiệp trẻ”.
Được biết, Vaco là 1 trong 5 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được Trung tâm Khuyến công và Xúc tiến thương mại (Sở Công Thương) đề xuất Cục Công Thương địa phương triển khai đề án “Hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh Long An phát triển sản xuất các sản phẩm từ nông sản giai đoạn 2021 - 2023”./.
Thanh Thủy – Bảo Phúc
Ý kiến ()