Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Ba, 26/11/2024 13:26 (GMT +7)
Nguyên liệu cá làm nước mắm trước nguy cơ cạn kiệt
Thứ 5, 16/12/2021 | 10:06:00 [GMT +7] A A
Đây là yêu cầu của ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại hội thảo “Bảo vệ nguồn cá để phát triển bền vững ngành sản xuất nước mắm ở Việt Nam” vào sáng nay (15/12), tại Hà Nội. Hội thảo do Hiệp hội Nước mắm Việt Nam phối hợp với Hội Nghề cá Việt Nam, Viện Nghiên cứu Hải sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) tổ chức.
Hiện nay nguồn lợi hải sản biển Việt Nam có trữ lượng khoảng 3,95 triệu tấn; trong đó, cá nổi nhỏ khoảng 2,45 triệu tấn; cá nổi lớn khoảng 940.000 tấn; cá đáy khoảng 408.000 tấn… Nguyên liệu chính để sản xuất nước mắm là nguồn cá nổi hiện có trữ lượng khoảng 2,45 triệu tấn được phân bố chủ yếu tại Vịnh Bắc Bộ, Trung bộ, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ.
Theo thống kê, hiện nay Việt Nam có 783 cơ sở sản xuất nước mắm; 1.500 hộ nông dân tham gia sản xuất nước mắm và 35 cơ sở sản xuất nước mắm xuất khẩu.
Tuy nhiên, nguồn lợi hải sản biển Việt Nam hiện đang bị khai thác quá mức và đang trong tình trạng suy giảm. Do đó, để bảo vệ và phát triển bền vững nguồn lợi hải sản, cần sử dụng các loài cá có giá trị dinh dưỡng khác để làm nguyên liệu sản xuất nước mắm thay thế cho nguồn lợi cá cơm đang dần suy giảm.
Một số ý kiến cho rằng, cần điều tra nguồn lợi, đánh giá cường lực và sản lượng khai thác thường niên để có kế hoạch bảo vệ nguồn lợi và phát triển nghề cá bền vững. Đồng thời, nghiên cứu đặc điểm sinh học của các loài hải sản, xác định vị trí các bãi đẻ, bãi giống hải sản, xác định mùa sinh sản để làm cơ sở khoa học cho việc bảo vệ nguồn lợi (cấm hoặc hạn chế khai thác có thời hạn).
Yêu cầu về áp dụng nhật ký khai thác, truy xuất nguồn gốc điện tử trong khai thác, bảo quản và sản xuất cá. Đặc biệt, cấm nghề và ngư cụ khai thác mang tính hủy diệt, hỗ trợ chuyển đổi sang nghề khác phù hợp với điều kiện tự nhiên và kinh tế của địa phương. Thường xuyên tổ chức các hoạt động thả giống tái tạo nguồn lợi, bù lại nguồn lợi đã bị mất trong quá trình khai thác.
Ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn yêu cầu, Hiệp hội Nước mắm Việt Nam, Hội Nghề cá Việt Nam, Viện Nghiên cứu Hải sản, cùng các chuyên gia, các nhà nghiên cứu và đại diện các doanh nghiệp đánh giá kỹ nguồn lợi và các biện pháp bảo vệ, phát triển bền vững nguồn nguyên liệu cá làm nước mắm ở Việt Nam.
“Nguồn lợi thủy sản Việt Nam, trong đó có nguồn cá làm nước mắm đang có dấu hiệu suy giảm, vì vậy việc bảo vệ và phát triển bền vững nguồn nguyên liệu cá làm nước mắm ở Việt Nam là rất cấp thiết. Chúng ta phải nêu được những khó khăn, vướng mắc và đề xuất các giải pháp, chính sách cụ thể, khả thi để cùng nhau phối hợp chặt chẽ, thực hiện hiệu quả nhằm khai thác bền vững, nguồn lợi hải sản, cho chuỗi sản phẩm nước mắm Việt Nam, đóng góp nhiều hơn cho nền kinh tế” – ông Phùng Đức Tiến, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nói.
Bên cạnh việc tổ chức sản xuất, đảm bảo yêu cầu về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, các sản phẩm nước mắm được xuất khẩu vào châu Âu, Mỹ… theo các hiệp định thương mại đã ký kết đều phải đảm bảo yêu cầu về truy xuất nguồn gốc nguyên liệu. Do đó, ngành nước mắm cần hành động cụ thể, liên kết chặt chẽ từ đánh bắt, nuôi trồng đến sản xuất đảm bảo những quy trình tiêu chuẩn để ra nhập sân chơi chung – thương mại toàn cầu./.
Ý kiến ()