Năm 2015-2016, hoạt động mua bán sáp nhập diễn ra rất sôi động cả về số lượng và chất lượng, với nhiều thương vụ đình đám. Theo Hội đồng bình chọn từ Diễn đàn M&A Việt Nam, giá trị 50 thương vụ hàng đầu lên tới 5,3 tỷ USD, với quy mô trung bình 100 triệu USD/thương vụ.
Người Thái vượt lên dẫn đầu
Vẫn không có nhiều thay đổi khi mà hầu hết các thương vụ giá trị lớn đều được thực hiện bởi các nhà đầu tư nước ngoài. Với vai trò là bên mua, khối ngoại đã thực hiện thâu tóm thành công tại 9/10 thương vụ lớn nhất.
Điểm đáng chú ý, các nhà đầu tư Thái Lan nổi lên với ba thương vụ M&A có giá trị lớn nhất, đó là Central Group mua lại Big C Việt Nam, Singha đầu tư vào Masan Consumer, Masan Brewery và TCC Holding hoàn tất mua Metro.
Bên cạnh đó, nhà đầu tư Singapore hướng dòng vốn vào lĩnh vực bất động sản bằng các thương vụ thâu tóm Keppel Land, Mapletree và Capita Land.
Hành động của các nhà đầu tư Nhật Bản lại cho thấy một tầm nhìn khác, khi họ quyết định đầu tư chiến lược vào các “đại” doanh nghiệp Nhà nước như Vietnam Airlines, Petrolimex.
Giới đầu tư trong nước cũng bắt đầu xuất hiện trong top 50 thương vụ lớn nhất, nổi bật là hoạt động “thu mua” doanh nghiệp của “ông lớn” Masan và Vingroup, kế đến là các thương vụ khác như Mobifone, Vinamilk, BRG, Thành Thành Công, Coteccons.
Mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm
Nếu như trước đây các nhà đầu tư Nhật Bản đã tạo nên một làn sóng đầu tư tại Việt Nam thì nay người Thái đang chủ động tạo ra làn sóng mới gối đầu khác.
Về điều này, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Đặng Huy Đông cho rằng, đối với nền kinh tế Thái, các kênh đầu tư đang trở nên bão hòa, đặc biệt là thị trường tiêu thụ sản phẩm. Quy mô dân số của Thái Lan nhỏ song quy mô kinh tế của lại lớn, trong khi Việt Nam thì ngược lại.
Thứ trưởng phân tích, Việt Nam có thị trường 90 triệu dân gần gấp hai lần Thái Lan (50 triệu dân). Điều đáng nói ngoài việc gần gũi về địa lý, người dân hai nước có nhiều nét văn hóa và vốn sống khá tương đồng. Với sự hiểu biết sâu sắc đó, doanh nghiệp Thái Lan đã xem Việt Nam như điểm đến của một thị trường đầy hấp dẫn.
Thêm vào đó với việc cộng đồng kinh tế ASEAN ra đời, ông Đông nhấn mạnh, nếu nhìn sang xung quanh khu vực thì việc chiếm lĩnh các thị trường như Singapore, Indonesia… đối với Thái Lan quả không dễ dàng, nên người Thái lựa chọn Việt Nam làm thị trường mở rộng không gian tiêu thụ sản phẩm là có cơ sở.
Lý giải về “sự đổi ngôi” giữa người Nhật và người Thái, ông Masataka Yoshida, Giám đốc điều hành cao cấp, RECOF chỉ ra, thị trường M&A của Việt Nam đã có sự trưởng thành. Bên cạnh đó, thị trường Thái và Nhật Bản cùng có dấu hiệu của sự bão hòa, do đó các doanh nghiệp của hai nền kinh tế này này có xu hướng nhắm vào thị trường Việt Nam.
“Họ cùng cạnh tranh với nhau khi vào thị trường vn. Nhưng tại sao doanh nghiệp Thái có thể đạt được các thương vụ M&A tại Việt Nam nhanh hơn và nhiều hơn, là bởi doanh nghiệp Nhật thường là rất thận trọng nên đưa ra các quyết định rất chậm, trong khi doanh nghiệp Thái thường nhanh hơn rất nhiều,” ông Yoshida thừa nhận.
Đồng tình với quan điểm trên, luật sư Đặng Dương Anh, Công ty Luật VILAF nhìn nhận, hiện thị trường tiêu dùng của Thái lan bắt đầu bão hòa và dòng vốn của các nhà đầu tư Thái Lan là rất lớn. Nhu cầu chuyển vốn đầu tư ra nước ngoài của các nhà đầu tư Thái tương tự như các nhà đầu tư Nhật ở những năm 2007-2008.
Bên cạnh đó, thời điểm này các nhà đầu tư Nhật Bản cũng đang gặp nhiều vấn đề về kinh tế ngay trong đất nước của họ và phần nào đang bị cạnh tranh quyết liệt ở Việt Nam. Hơn thế nữa, văn hóa của doanh nghiệp và văn hóa tiêu dùng của người Thái và Việt Nam rất tương đồng.
“Lâu nay, người Việt Nam rất chuộng hàng hóa xuất xứ Thái Lan từ lâu nay, trong khi Nhật Bản và Việt Nam có nhiều khoảng cách lớn… như môi trường pháp lý của họ là hoàn hảo gần như hàng đầu thế giới và đòi hỏi rất cao. Trong khi đó, sự đòi hỏi ở các nhà đầu tư Thái Lan có phần thấp hơn, phù hợp với khả năng và sự đáp ứng từ các nhà đầu tư Việt Nam,” ông Dương nói./
Ý kiến ()