Nhật báo Mainichi số ra ngày 30/10 dẫn nguồn tin từ Lực lượng phòng vệ trên biển Nhật Bản (MSDF) ngày 29/10 cho biết sẽ triển khai thêm các tàu hộ vệ tham gia cuộc diễn tập chung với Hải quân Mỹ ở phía nam Biển Đông.
MSDF cho hay các tàu hộ vệ của Nhật Bản sẽ tham gia vào cuộc diễn tập kéo dài vài ngày, trong đó chủ yếu tập trung vào thao diễn thông tin liên lạc với các tàu chiến của Mỹ.
Cuộc diễn tập này đã bắt đầu từ ngày 28/10 ở phía bắc đảo Borneo trên Biển Đông cùng với sự tham gia của tàu khu trục Fuyuzuki của MSDF và đội tàu chiến Mỹ, dẫn đầu là tàu sân bay USS Theodore Roosevelt.
Ngoài ra, cơ quan này cũng khẳng định cuộc diễn tập nói trên nằm trong kế hoạch phối hợp hoạt động chung giữa quân đội hai nước Nhật-Mỹ đã có từ trước và không liên quan đến những động thái gần đây của Hải quân Mỹ ở Biển Đông.
Trước đó đội tàu Mỹ và Nhật Bản sau khi tham dự tập trận chung Malabar 2015 với Ấn Độ đã cập cảng thuộc Căn cứ Hải quân Changi của Singapore từ ngày 24/10.
Theo kế hoạch, các tàu chiến Nhật Bản sẽ trở về sau khi các cuộc tập trận kết thúc dự kiến vào khoảng 10/11 tới.
Trong tuyên bố ủng hộ việc Mỹ cử tàu chiến đi vào khu vực 12 hải lý gần đảo nhân tạo do Trung Quốc bồi đắp trái phép hôm 27/10 tại thủ đô Astana của Kazakhstan khi đang ở thăm quốc gia Trung Á này, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhấn mạnh với báo giới rằng hành động của Chính phủ Mỹ là dựa trên luật pháp quốc tế.
Ngoài ra, ông Abe cũng bày tỏ quan điểm của Tokyo rằng các hành động đơn phương của Bắc Kinh nhằm thay đổi nguyên trạng và làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông là mối quan ngại chung của cộng đồng quốc tế.
Đồng thời, ông Abe khẳng định: “Nhật Bản sẽ hợp tác với cộng đồng quốc tế, trong đó có đồng minh Mỹ, để bảo vệ các đại dương rộng mở, tự do và hòa bình.”
Theo các chuyên gia nhận định, việc MSDF điều thêm các tàu hộ vệ tập trận chung với hải quân Mỹ ở Biển Đông trong bối cảnh Bắc Kinh ngày càng gia tăng các hoạt động bồi đắp trái phép ở quần đảo Trường Sa được xem như là động thái biểu dương sức mạnh của liên minh Nhật-Mỹ, đồng thời cũng là hành động thử phản ứng của Trung Quốc./.
Ý kiến ()