Ngày 11/5, tại cơ sở 75 Trần Nhân Tôn, P9, Q5, TPHCM, Khoa Báo chí & Truyền thông – Trường Cao đẳng Phát thanh – Truyền hình II (VOV College) tổ chức cuộc giao lưu cho sinh viên và giảng viên với nhiếp ảnh gia, nhà báo Nick Ut – tác giả bức ảnh nổi tiếng “Em bé Napalm” đoạt giải Pulitzer năm 1973.
Tại buổi giao lưu, sinh viên đã được nghe phóng viên ảnh Nick Ut chia sẻ những kinh nghiệm tác nghiệp hơn nửa thế kỷ qua với nhiều kỷ niệm đáng nhớ. Trong đó, câu chuyện về khoảnh khắc em bé Phan Thị Kim Phúc không một mảnh vải trên người hốt hoảng vừa khóc vừa chạy khỏi ngôi làng bị quân đội Mỹ dội bom ở Trảng Bàng, Tây Ninh năm 1972 đã tạo cho các sinh viên sự xúc động mạnh mẽ.
Nhà báo Nick Ut cũng đã trao đổi về những vấn đề nghiệp vụ báo ảnh mà sinh viên đặt ra như nên hay không nên sử dụng photoshop trong ảnh báo chí; khó khăn của phóng viên ảnh chiến trường và phóng viên ảnh trong thời đại công nghệ thông tin hiện nay; tiêu chuẩn và kỹ năng cần thiết nào cần có để trở thành phóng viên nhiếp ảnh cho các hãng thông tấn lớn…
Nhà báo Nick Ut nhấn mạnh đến vấn đề đạo đức nghề nghiệp trong tác nghiệp ảnh báo chí. “Nếu không cứu được cô bé Kim Phúc sau khi hoàn thành bức ảnh ngày đó, chắc bây giờ tôi cũng sẽ rơi vào trạng thái bị ám ảnh như tác giả bức “Kền kền chờ đợi”, nhà báo Nick Út chia sẻ.
Phóng viên ảnh chiến trường cho hãng tin AP tại Việt Nam những năm 60 của thế kỷ trước với bức ảnh làm thay đổi lịch sử “Em bé Napalm” chia sẻ quá trình tác nghiệp của mình bằng những thước phim và ảnh tư liệu quý giá về sự tàn khốc của chiến tranh, về những vụ động đất, hỏa hoạn, những vụ xử án, sự kiện thể thao, tin về hoạt động của chính trị gia, ngôi sao điện ảnh Hollywood …
Sinh viên Nguyễn Thùy Dương, lớp 15CĐBC3 cho biết: “Lần đầu tiên, tôi được giao lưu với một nhà báo quốc tế. Và khi xem ảnh của phóng viên Nick Ut, tôi hiểu hơn về lịch sử và quý trọng cuộc sống hòa bình”.
Gặp gỡ, giao lưu với các phóng viên, nhà báo nổi tiếng là một trong những hoạt động nghiệp vụ mà Khoa Báo chí & Truyền thông thường xuyên tổ chức nhằm tạo cơ hội cho sinh viên báo chí được học hỏi kinh nghiệm từ những người đi trước. Đây cũng là hoạt động nhằm đổi mới phương pháp đào tạo gắn lý thuyết và thực hành theo phương châm “Học là trải nghiệm với thực tiễn” của Trường Cao đẳng Phát thanh – Truyền hình II.
Tại cuộc giao lưu, TS Kim Ngọc Anh, Hiệu trưởng nhà trường khẳng định, tới đây Trường sẽ tăng cường những hoạt động nghiệp vụ như thế và mong muốn được đón nhiều nhà báo có uy tín khác tới tham gia vào quy trình đào tạo của trường.
Tham dự buổi giao lưu còn có nhà báo Giản Thanh Sơn – tác giả cuốn “Phóng viên ảnh Nick Út – huyền thoại giản dị”, nhiếp ảnh gia Vũ Hải Sơn và đại diện hãng truyền hình NHK Nhật Bản tại Việt Nam./.
Ý kiến ()