Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 28/11/2024 23:33 (GMT +7)
Nhiều bộ luật Việt Nam đã ‘đột phá’ để thu hút tiến trình mua bán và sáp nhập
Thứ 6, 11/08/2017 | 10:18:00 [GMT +7] A A
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết Chính phủ Việt Nam đã có sự đột phá về tư duy cũng như về cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư nước ngoài.
M&A để kinh tế phát triển mạnh hơn
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, năm 2017, dù phải đối phó với nhiều thách thức nội tại cũng như những biến đổi mạnh mẽ của kinh tế thế giới, kinh tế Việt Nam tiếp tục có chuyển biến tích cực. Kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát; các cân đối lớn về tài chính, tiền tệ, tín dụng cơ bản được bảo đảm, xuất khẩu, du lịch, dịch vụ và thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng cao…
Để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017, đồng thời đảm bảo tăng trưởng nhanh và bền vững trong những năm tới, Chính phủ Việt Nam đang đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, cải thiện môi trường đầu tư – kinh doanh, triển khai một loạt chính sách nhằm thu hút hiệu quả nguồn lực đầu tư từ khu vực kinh tế tư nhân trong nước và đầu tư nước ngoài.
Ngoài ra, Chính phủ Việt Nam hiện đang hoàn thiện các chương trình hành động; ban hành, sửa đổi cơ chế, chính sách về cơ cấu lại nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, xử lý nợ xấu… Đặc biệt, chương trình hành động để thực hiện 3 nghị quyết quan trọng của Đảng về phát triển thể chế kinh tế thị trường; cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và phát triển khu vực kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế.
Ngoài ra, trong quá trình đẩy mạnh thu hút các nguồn lực cho đầu tư phát triển, Chính phủ rất quan tâm tới việc thu hút các dòng đầu tư thông qua hình thức mua bán và sáp nhập (M&A), đặc biệt là kêu gọi các nhà đầu tư tham gia vào tiến trình cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước, thoái vốn nhà nước ra khỏi các ngành, lĩnh vực nhà nước không cần nắm giữ cổ phần, vốn góp chi phối, kể cả những doanh nghiệp đang kinh doanh có hiệu quả; thúc đẩy liên kết theo chuỗi giá trị giữa doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp tư nhân, giữa doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
“Trong bối cảnh như vậy, Diễn đàn M&A Việt Nam 2017 (diễn ra vào chiều 10/8 tại TP Hồ Chí Minh) với chủ đề “Tìm bước đột phá” sẽ là dịp để tất cả cơ quan ban ngành, doanh nghiệp cùng tư duy, suy nghĩ, thảo luận và tìm ra các yếu tố đột phá về cơ chế, chính sách, về dòng vốn đầu tư nước ngoài, cũng như nhận diện những lĩnh vực còn nhiều tiềm năng và dư địa cho hoạt động M&A. Có tư duy đột phá để có hành động đột phá và cuối cùng là kết quả đột phá”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng chia sẻ.
“Đột phá” các bộ luật để thu hút M&A
Cũng theo Bộ trưởng, để thu hút đầu tư cũng như tạo điều kiện cho M&A tại Việt Nam tăng trưởng, Chính phủ Việt Nam đã có sự đột phá trong tư duy và hành động, hiện đang diễn ra mạnh mẽ. Cụ thể, Chính phủ đang thực hiện 3 đột phá chiến lược: Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường; phát triển nguồn nhân lực, trọng tâm là giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ; xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ với một số công trình hiện đại, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn.
Trong đó, nhu cầu đầu tư, nhất là đầu tư phát triển hạ tầng là rất lớn, hiện đang gia tăng nhanh chóng. Cụ thể là đường bộ cao tốc, đường sắt cao tốc, sân bay, bến cảng… đều đang trong giai đoạn đầu phát triển. Theo đó, việc yêu cầu mở rộng và phát triển mạng lưới hạ tầng đang trở nên cấp bách để kết nối kinh tế Việt Nam với kinh tế khu vực và thế giới.
Ngoài vốn đầu tư nhà nước thì đối tác công tư (PPP) được xem là phương thức phổ biến để huy động vốn đầu tư phát triển hạ tầng. Đây là một lĩnh vực mà các nhà đầu tư nước ngoài sẽ có cơ hội đầu tư và cũng là mong muốn của Chính phủ Việt Nam đối với nhà đầu tư và đối tác phát triển nước ngoài.
Theo đó, nhiều bộ luật quan trọng mang tính đột phá đã được ban hành hoặc đang trong quá trình xây dựng, thông qua. Trong đó, phải nói đến Luật Hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa được Quốc hội thông qua tháng 6/2017 và sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2018; dự thảo Luật Quy hoạch, Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt dự kiến sẽ được trình Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp tháng 10/2017. Đây đều là những bộ luật điển hình của tư duy đột phá ở Việt Nam hiện nay.
Đối với Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa, các quy tắc thị trường được tôn trọng, theo đó việc hỗ trợ được thực hiện thông qua tạo cơ chế, chính sách, điều kiện thuận lợi để các tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ hỗ trợ trên nền tảng khung pháp lý khuyến khích, huy động các nguồn lực từ khu vực tư nhân, của các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tham gia hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Luật Đơn vị hành chính – kinh tế, đặc biệt sẽ tạo khuôn khổ pháp lý để hình thành ba đơn vị hành chính, kinh tế tại Vân Đồn (Quảng Ninh), Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) với những thể chế vượt trội, tiên tiến so với trong nước và cạnh tranh so với quốc tế; hình thành nên các khu vực tăng trưởng cao làm động lực và tạo sức lan tỏa góp phần vào sự phát triển của đất nước; tạo nên một sân chơi mới với các luật chơi mới thông thoáng, để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư thỏa sức sáng tạo, thỏa sức phát triển.
Luật quy hoạch tạo sự đổi mới toàn diện về công tác quy hoạch; góp phần thay đổi phương thức quản lý nhà nước hiện nay theo hướng nhà nước kiến tạo và phục vụ; tạo sự thống nhất trong chỉ đạo điều hành từ Trung ương đến địa phương; tăng cường liên kết vùng, phát huy tối đa tiềm năng và lợi thế của từng vùng, từng địa phương; phát huy hiệu quả trong khai thác và sử dụng nguồn lực của đất nước để thúc đẩy phát triển bền vững, góp phần bảo vệ môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu.
Những yếu tố nói trên sẽ mở ra nhiều cơ hội mới cho các doanh nghiệp, các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước sẽ là một sân chơi, mà ở đó nhiều hình thức đầu tư được thực hiện, trong đó hoạt động mua bán – sáp nhập, một hình thức được dự báo là sẽ nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư chiến lược.
Hải Yên/Báo Tin Tức
Ý kiến ()