Theo ông Lê An Hải, quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Hàn Quốc tăng đáng kể trong hơn hai thập kỷ qua, cụ thể tăng từ 0,5 tỷ USD năm 1992 lên 28,8 tỷ USD năm 2014. Đồng thời, đến năm 2014 Hàn Quốc đã trở thành đối tác thương mại lớn thứ 3 trong các quốc gia và vùng lãnh thổ có quan hệ xuất nhập khẩu với Việt Nam. Đồng thời, hiện nay Việt Nam là thị trường xuất khẩu lớn thứ 6 của Hàn Quốc.
Tuy nhiên, bà Bùi Thị Thanh An, Phó cục trường Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, cho rằng, mặc dù kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Hàn Quốc đạt tốc độ tăng trưởng vượt bậc trong những năm gần đây, nhưng cán cân thương mại giữa hai nước vẫn còn chênh lệch; trong đó Việt Nam đang nhập siêu từ Hàn Quốc. Đơn cử, tính 8 tháng năm 2015, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam-Hàn Quốc đạt gần 24 tỷ USD (tăng 31% so với cùng kỳ năm trước); trong đó Việt Nam nhập khẩu từ Hàn Quốc là 18,6 tỷ USD (tăng 33,8%).
Đánh giá về năng lực của doanh nghiệp Việt Nam đối với thị trường Hàn Quốc, các chuyên gia nhấn mạnh, trong thời gian qua, doanh nghiệp Việt Nam vẫn chưa tận dụng hiệu quả các cơ hội đầu tư, kinh doanh, tại thị trường Hàn Quốc. Vì vậy, Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc sẽ giúp doanh nghiệp có điều kiện thuận lợi nhận diện thị trường và mở ra nhiều cơ hội về xuất nhập khẩu cũng như hợp tác đầu tư. Song song đó, Hiệp định này còn là tiền đề quan trọng để giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực khai thác các thị trường xuất khẩu trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần giảm tình trạng nhập siêu của Việt Nam.
Theo Bộ Công Thương, doanh nghiệp Việt Nam nên chú trọng vào một số ngành nghề, lĩnh vực có tiềm năng tăng cường xuất khẩu vào thị trường Hàn Quốc thông qua Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-Hàn Quốc. Trong đó, có thể kể đến các nhóm ngành như dệt may và giày dép; nông sản thực phẩm tươi sống và chế biến; hàng gia dụng; ngũ cốc chế biến…/.
Ý kiến ()