Chủ Nhật, 24/11/2024 12:48 (GMT +7)

Nhiều cuộc biểu tình bạo lực tại Pháp trong ngày Quốc tế Lao động

Thứ 3, 02/05/2023 | 15:33:50 [GMT +7] A  A

Hơn 300 vụ bạo động đã diễn ra trên khắp nước Pháp, đặc biệt ở Paris, Nantes và Angers. Tổng cộng 291 vụ bắt giữ đã được thực hiện, trong đó có 90 vụ ở Paris.

Người dân biểu tình quy mô lớn phản đối dự luật cải cách hưu trí của chính phủ tại Toulouse, Pháp ngày 14/4. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, ngày Quốc tế Lao động 1/5, ngày biểu dương lực lượng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động ở Pháp đã nhanh chóng bị phá hoại bởi bạo lực ở nhiều thành phố lớn do làn sóng phản đối cải cách hưu trí của chính phủ.

Có ít nhất 291 phần tử quá khích bị bắt giữ, 108 cảnh sát bị thương trong đó có một sỹ quan bị bỏng nặng.

Hơn 782.000 người tuần hành, trong đó 112.000 người tại Paris, đó là con số thống kê của Bộ Nội vụ. Còn theo thông báo từ Tổng liên đoàn lao động CGT, 2,3 triệu người đã tham gia biểu tình trên toàn nước Pháp trong ngày 1/5 nhân kỷ niệm ngày Quốc tế lao động.

Tuy nhiên, đây cũng là ngày thứ 13 diễn ra chiến dịch phản đối do các công đoàn vận động để chống lại cải cách lương hưu của chính phủ nên các cuộc diễu hành ôn hòa đã nhanh chóng biến thành bạo động khi căng thẳng bùng phát tại các khu vực trung tâm.

Tại Paris, Lyon, Nantes, đám đông diễu hành đã nhanh chóng đụng độ với cảnh sát. Nantes là một trong những điểm nóng hàng đầu với 17.500 người tham gia biểu tình. Những phần tử quá khích ngay lập tức tìm cách gây chiến với cảnh sát, đốt cháy một số phương tiện sang trọng trên các tuyến đường công cộng.

Trước tòa thị chính thành phố và trụ sở Hội đồng tỉnh Loire-Atlantique, vô số viên đá đã được ném vào các tòa nhà và về phía cảnh sát buộc lực lượng này phải sử dụng hơi cay, lựu đạn gây choáng và bắn đạn mềm. Những người biểu tình đã sử dụng ô dù để tránh sự đáp trả từ phía cảnh sát.

Tại Paris, 5.000 cảnh sát và hiến binh đã được huy động. Ngay cả hơi cay dày đặc cũng không đủ để ngăn chặn làn sóng biểu tình cực đoan, sẵn sàng ném đá vào lực lượng an ninh và các cửa kính, đập phá và đốt cháy tài sản nơi công cộng.

Tòa án hành chính Paris thậm chí đã cho phép sử dụng máy bay không người lái để giám sát biểu tình ở thủ đô.

Theo thông báo cuối ngày 1/5 của Bộ Nội vụ, hơn 300 vụ bạo động đã diễn ra trên khắp nước Pháp, đặc biệt ở Paris, Nantes và Angers. Tổng cộng 291 vụ bắt giữ đã được thực hiện, trong đó có 90 vụ ở Paris. Hơn 2.000 cá nhân cực đoan cũng đã được phát hiện.

"108 sĩ quan cảnh sát và hiến binh bị thương ở Pháp và một cảnh sát bị bỏng nặng, do bị ném cocktail Molotov," đó là thông báo mà Bộ trưởng Bộ Nội vụ Gérald Darmanin đã viết lên trang Twitter.

Thủ tướng Elisabeth Borne cho rằng “những vụ bạo lực” bên lề cuộc biểu tình ngày 1/5 là “không thể chấp nhận được.”

Cũng trong ngày 1/5, giao thông hàng không đã bị gián đoạn nặng nề: một phần tư số chuyến bay đã bị hủy tại sân bay Roissy-Charles-de-Gaulle và một phần ba tại Orly, theo Tổng cục Hàng không Dân dụng (DGAC).

Điều tương tự cũng đã xảy ra ở nhiều sân bay trong nước Pháp như Marseille, Lyon, Bordeaux, Nantes và Toulouse, trong khi 25% các chuyến bay đã bị hủy ở Nice và Beauvais. Rất may là không có sự xáo trộn nào trên hệ thống đường sắt Pháp.

Năm 2022, số người tham gia biểu tình ngày 1/5 chỉ bằng một phần bảy của năm nay, tương đương 116.000 người, trong đó có 24.000 người ở Paris và bạo động cũng không xảy ra ở mức độ nghiêm trọng như năm nay.

Ngày 15/4, Tổng thống Emmanuel Macron đã ký ban hành luật hưu trí sửa đổi, theo đó tăng tuổi nghỉ hưu ở nước này thêm 2 năm so với mức hiện tại.

Việc ký ban hành luật được thực hiện sau khi Hội đồng Hiến pháp của Pháp ngày 14/4 chính thức thông qua các phần chính trong dự luật cải cách hưu trí gây tranh cãi được Tổng thống Emmanuel Macron đề xuất, trong khi bác bỏ một số phần khác.

Cụ thể, hội đồng đã thông qua phần quan trọng nhất của dự luật là tăng tuổi nghỉ hưu của công dân Pháp từ 62 lên 64, đánh giá việc tăng tuổi này phù hợp với luật pháp hiện hành tại Pháp.

Hội đồng cũng bác bỏ 6 biện pháp không được coi là cơ bản đối với bản chất của cải cách, bao gồm nỗ lực buộc các công ty lớn công bố dữ liệu về số lượng người trên 55 tuổi mà họ tuyển dụng và một ý tưởng nhằm tạo ra một hợp đồng đặc biệt cho những người lao động lớn tuổi.

Hội đồng đồng thời bác bỏ yêu cầu của phe cánh tả nhằm tổ chức trưng cầu dân ý về luật hưu trí thay thế, theo đó giữ nguyên độ tuổi nghỉ hưu ở tuổi 62.

Quyết định trên được xem là một chiến thắng cho ông Macron, song các nhà phân tích cho rằng Tổng thống 45 tuổi này cũng phải trả giá đắt về mức tín nhiệm, khi gây đình trệ ở Pháp trong nhiều tháng với các cuộc biểu tình bạo lực.

TTXVN

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu