Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Bảy, 30/11/2024 05:33 (GMT +7)
Nhiều giải pháp phát triển đảng trong các doanh nghiệp tư nhân hiện nay
Thứ 4, 06/12/2017 | 09:25:00 [GMT +7] A A
Phát triển đảng trong các doanh nghiệp (DN) tư nhân là một nhiệm vụ quan trọng nhằm xây dựng, củng cố tổ chức Đảng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong các DN này thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, thực tế việc này gặp không ít những khó khăn. Thời gian tới cần có những giải pháp đồng bộ để công tác phát triển đảng trong các DN tư nhân đạt kết quả như mong muốn.
Phóng viên báo Tin tức đã có cuộc trao đổi với đồng chí Hà Ban, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương về vấn đề này.
Xin ông cho biết, tình hình phát triển đảng trong DN tư nhân hiện nay như thế nào?
Thực hiện Kết luận số 80-KL/TW, ngày 29/7/2010 của Ban Bí thư (khóa X) về tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Chỉ thị số 07-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa VIII), Đảng và Nhà nước ta đã ban hành hệ thống văn bản khá đồng bộ, tạo hành lang pháp lý thuận lợi để xây dựng, củng cố tổ chức đảng trong các DN ngoài khu vực nhà nước, trong đó có DN tư nhân.
Tính đến 30/6/2015, cả nước có 134.036 đảng viên trong các DN ngoài khu vực nhà nước, tăng 104.577 đảng viên so với thời điểm 31/12/2008. Có 13.465 DN tư nhân có chi bộ đảng (số liệu đến 31/12/2015), chiếm 3,47% trong tổng số DN (388.232 DN tư nhân). Trong đó, tại các Công ty cổ phần, công ty TNHH có vốn nhà nước dưới 50% có 9.032 chi bộ (có 1.907 chi bộ cơ sở và 7.125 chi bộ trực thuộc); tại các DN tư nhân có 4.433 chi bộ (có 1.613 chi bộ cơ sở và 2.820 chi bộ trực thuộc).
Nhiều tỉnh ủy, thành ủy đã chú trọng công tác xây dựng tổ chức đảng và phát triển đảng viên trong DN tư nhân, điển hình như Hà Nội trong 5 năm đã thành lập 748 tổ chức đảng mới, kết nạp 4.880 đảng viên; Lào Cai thành lập 16 tổ chức đảng mới, kết nạp 238 đảng viên; Thái Bình thành lập 127 tổ chức đảng mới, kết nạp 1.300 đảng viên…
Hầu hết các tỉnh ủy, thành ủy đã thành lập đảng bộ khối DN trực thuộc tỉnh, thành ủy. Những địa phương có nhiều khu công nghiệp, khu chế xuất tập trung như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai, Hải Phòng… đã thành lập đảng bộ các KCN, khu chế xuất trực thuộc tỉnh ủy, thành phố, một số quận, huyện thành lập đảng bộ cơ sở khối DN ngoài khu vực nhà nước trực thuộc quận, huyện ủy…
Số lượng đảng viên làm kinh tế tư nhân đã tăng đáng kể. Trước ngày 28/8/2006, trên phạm vi toàn quốc có 35.235 đảng viên làm kinh tế tư nhân, chiếm 1,09% tổng số đảng viên. Đến 28/8/2016, số đảng viên làm kinh tế tư nhân cả nước là 125.675 đảng viên, tăng 90.440 đồng chí (tăng 3,57 lần so với năm 2006), chiếm tỷ lệ 2,72% so với tổng số đảng viên toàn Đảng.
Công tác phát triển đảng viên trong DN tư nhân có những thuận lợi, khó khăn gì, thưa ông?
Nhìn chung, tổ chức đảng trong các loại hình DN tư nhân đã phát huy chức năng, nhiệm vụ theo Quy định của Ban Bí thư Trung ương Đảng, phát huy được vai trò trong giáo dục tư tưởng chính trị cho đảng viên, động viên công nhân, người lao động thực hiện nội quy, quy chế làm việc, kế hoạch sản xuất – kinh doanh của DN.
Tuy nhiên, công tác phát triển đảng trong các DN tư nhân còn nhiều tồn tại, hạn chế. Số DN có tổ chức đảng còn rất ít. Chất lượng hoạt động của nhiều tổ chức đảng chưa cao, vai trò lãnh đạo của tổ chức đảng còn mờ nhạt. Các tổ chức đảng trong các DN tư nhân thường có ít đảng viên, nề nếp sinh hoạt chi bộ không đều, chất lượng sinh hoạt thấp; chưa chú ý tạo nguồn kết nạp đảng viên; kinh phí hoạt động của tổ chức đảng còn hạn hẹp và phụ thuộc vào sự hỗ trợ của chủ DN.
Cùng với đó, sự lãnh đạo, hướng dẫn của cấp ủy cấp trên đối với hoạt động của tổ chức đảng trong các DN chưa đáp ứng được yêu cầu; nhiều nơi chưa ban hành các văn bản hướng dẫn cụ thể về sinh hoạt đảng, nghiệp vụ công tác đảng cho phù hợp với điều kiện đặc thù của DN.
Việc thí điểm kết nạp chủ DN tư nhân đủ tiêu chuẩn vào Đảng ở một số nơi chưa được quan tâm đúng mức. Một số DN chỉ coi trọng nhiệm vụ sản xuất – kinh doanh, ít chú ý đến công tác phát triển đảng viên. Phần lớn công nhân, người lao động trong DN chỉ quan tâm đến việc làm, thu nhập mà không thiết tha phấn đấu trở thành đảng viên. Bên cạnh đó, sự biến động thường xuyên về nguồn lao động của các DN cũng là trở ngại lớn cho công tác kết nạp đảng viên và phát triển tổ chức đảng.
Thưa ông, những yêu cầu và nhiệm vụ đặt ra cho công tác xây dựng, củng cố tổ chức đảng, phát triển đảng viên trong các DN tư nhân hiện nay là gì?
Trước hết, cần thực hiện nghiêm túc, có kết quả Thông báo Kết luận số 22-TB/KL, ngày 11/4/2017 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Kết luận số 80-KL/TW, ngày 29/7/2010 của Ban Bí thư khóa X. Nghiên cứu hoàn thiện mô hình tổ chức đảng, các đoàn thể, bảo đảm vai trò lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với các đoàn thể trong DN. Các cấp uỷ, đoàn thể cần rà soát, nắm chắc tình hình, thực trạng các tổ chức đảng, đoàn thể trong các DN tư nhân để đề ra nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, củng cố cho phù hợp.
Một mặt, tích cực tạo nguồn phát triển đảng viên, thành lập mới tổ chức đảng trong các DN ngoài khu vực nhà nước, trong đó có DN tư nhân. Đồng thời, tập trung củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của các đảng bộ, chi bộ trong DN; chú trọng nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ gắn với nâng cao hiệu quả sản xuất – kinh doanh của DN, chú trọng việc phân công nhiệm vụ cho đảng viên.
Tiếp tục làm tốt công tác củng cố, phát triển và nâng cao chất lượng hoạt động của các đoàn thể nhân dân trong doanh nghiệp. Phải chăm lo xây dựng và nâng cao chất lượng cán bộ làm công tác đảng, đoàn thể trong DN tư nhân, nhất là đội ngũ bí thư đảng ủy, chi bộ, chủ tịch công đoàn, chủ tịch hội phụ nữ, bí thư đoàn thanh niên trong DN…
Phát triển Đảng trong doanh nghiệp góp phần thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Ảnh: Quốc Việt /TTXVN |
Thưa ông, thời gian tới để đẩy mạnh phát triển đảng viên trong các DN tư nhân cần những giải pháp nào?
Ban cán sự đảng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành TƯ tập trung thực hiện Nghị quyết số 35/NQ-CP, ngày 16/5/2016 về hỗ trợ phát triển DN đến năm 2020, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho DN phát triển. Đây sẽ là điều kiện tiền đề để thành lập và phát triển tổ chức đảng trong DN ngoài khu vực nhà nước, trong đó có DN tư nhân.
Đổi mới công tác tuyên truyền, thường xuyên kiện toàn ban chỉ đạo xây dựng đảng và các tổ chức chính trị – xã hội trong các DN. Tiến hành khảo sát toàn diện, nắm chắc số lượng đảng viên hoạt động trong DN tư nhân, đánh giá thực chất vai trò của tổ chức đảng, chất lượng đảng viên trong các DN tư nhân, xây dựng, ban hành nghị quyết, chương trình, kế hoạch giai đoạn 2017 – 2021 và kế hoạch hằng năm làm cơ sở để chỉ đạo, kiểm tra thực hiện.
Các cấp ủy địa phương ban hành các hướng dẫn cụ thể về thành lập tổ chức đảng, sinh hoạt đảng trong các DN tư nhân phù hợp với quy định của Ban Bí thư Trung ương Đảng và điều kiện địa phương. Hướng dẫn các tổ chức đảng nâng cao chất lượng đảng viên và bồi dưỡng lớp đảng viên mới kết nạp. Tổng kết chủ trương thí điểm kết nạp những người là chủ DN tư nhân đủ điều kiện vào Đảng, nghiên cứu bổ sung sửa đổi, hoàn thiện quy trình phát triển đảng viên, vừa đảm bảo nghiên túc, không gây phiền hà nhưng không buông lỏng quản lý.
Trên cơ sở tổng kết việc thực hiện Quy định số 15-QĐ/TW, ngày 28/8/2006 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X về đảng viên làm kinh tế tư nhân, Ban Tổ chức Trung ương sẽ tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư có chủ trương, giải pháp phù hợp để xây dựng, củng cố tổ chức đảng, phát triển đảng viên trong DN ngoài khu vực nhà nước nói chung, trong đó có DN tư nhân. Rà soát, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung các quy định về chức năng, nhiệm vụ của tổ chức cơ sở đảng trong các loại hình DN cho phù hợp yêu cầu, nhiệm vụ và điều kiện hoạt động hiện nay.
Ban cán sự đảng Chính phủ chỉ đạo Bộ Tài chính hướng dẫn các khoản chi hỗ trợ cho tổ chức đảng, các tổ chức chính trị – xã hội trong DN ngoài khu vực nhà nước để phục vụ hoạt động được tính là chi phí khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập theo quy định tại khoản 2, điều 6 Nghị định số 98/2014/NĐ-CP, ngày 24/10/2014 của Chính phủ.
Tiếp tục nghiên cứu để xây dựng quy định về phụ cấp chi ủy viên, kinh phí thẩm tra, kết nạp đảng, chi phí đào tạo, bồi dưỡng cấp ủy, đảng viên mới kết nạp trong các DN từ nguồn kinh phí của Đảng cho phù hợp với yêu cầu phát triển đảng viên trong DN ngoài khu vực nhà nước hiện nay.
Xin trân trọng cảm ơn ông!
Ý kiến ()