Thứ Tư, 27/11/2024 17:47 (GMT +7)

Nhiều hãng bia ngoại ‘dòm ngó’ doanh nghiệp bia trong nước

Thứ 4, 05/04/2017 | 10:21:00 [GMT +7] A  A

San Miguel, hãng bia lớn nhất Philippines, đang cân nhắc và có thể sẽ chào mua cổ phần Tổng công ty Rượu – Bia – Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).

Sabeco – công ty bia lớn nhất Việt Nam với thị phần khoảng 40%, đã thuê tư vấn cho kế hoạch bán cổ phần nhà nước trong năm nay. Trong số 7 công ty nước ngoài đã đăng ký chào mua cổ phần Sabeco có Heineken, Anheuser-Busch InBev và Asahi.

Một dây chuyền sản xuất bia tại Việt Nam.

Ngoài ra, theo tiết lộ với báo giới vào cuối tháng 3 vừa qua, ông Ramon Ang – Chủ tịch San Miguel, cho rằng Việt Nam có thể là một thị trường quan trọng để giúp San Miguel thúc đẩy tăng trưởng ở mảng đồ uống, bởi lượng tiêu thụ bia ở Việt Nam hiện đang gia tăng với tốc độ ít nhất 10% mỗi năm, cao gấp 5 lần tốc độ tăng của thị trường bia Philippines.

Theo đó, dự định mua cổ phần Sabeco nằm trong kế hoạch đầu tư trị giá 34 tỷ USD của San Miguel, bao gồm một nhà máy lọc dầu, một tổ hợp sản xuất thép và một nhà điện năng lượng thủy triều.

Ông Ang cho biết thêm, lợi nhuận của San Miguel sẽ tăng trưởng ít nhất 20% trong năm nay, đạt khoảng 60 tỷ Peso Philippines, tương đương khoảng 1,2 tỷ USD. Hiện nay, cứ 10 đơn vị sản phẩm bia được bán ra ở Philippines, thì có 9 đơn vị sản phẩm là của San Miguel – công ty bắt đầu sản xuất bia cách đây hơn 1 thế kỷ.

Thực tế, đây không phải là lần đầu tiên các nhà đầu tư nước ngoài nhòm ngó thị trường bia tại Việt Nam. Trước đó, hai “ông lớn” ngành bia là Sabeco và Habeco khi dự tính sẽ lên sàn chứng khoán, cụ thể Sabeco sẽ niêm yết trên sàn TP Hồ Chí Minh (HoSE) còn Habeco sẽ giao dịch trên sàn Upcom, đã có nhiều hãng bia nước ngoài ngỏ ý muốn tham gia mua lại cổ phần.

Theo hãng tin Wall Street Journal, Thai Beverage và Singha của Thái Lan, Kirin và Asahi của Nhật Bản, Heineken của Hà Lan, Anheuser-Busch InBev của Mỹ, SABMiller của Anh đã bày tỏ ý định này.

Nhiều chuyên gia nhận định, khả năng công ty nội trở thành đối tác chiến lược của Sabeco được khó xảy ra. Bởi căn cứ mức giá cổ phiếu Sabeco đang giao dịch trên sàn HoSE, để nắm giữ hơn 53% cổ phần của Sabeco, nhà đầu tư phải chi ra tối thiểu hơn 2 tỷ USD. Đây là số tiền rất lớn so với năng lực tài chính của các công ty trong nước. Hiện ứng cử viên sáng giá nhất trong cuộc chạy đua đặt chân vào Sabeco đang thuộc về Heineken. Hiện tại, Heineken đã nắm giữ khoảng 5% cổ phần và có ý định trở thành cổ đông chiến lược của Sabeco.

Heineken đã và đang chạy đua cạnh tranh trên thị trường bia Việt Nam. Năm 2015, Heineken lần đầu tiên vượt qua Habeco để vươn lên vị trí thứ 2 về sản lượng ngành bia trong khi Sabeco gần như không có sự tăng trưởng về sản lượng.

Về mặt thương hiệu, dù năm ngoái Sabeco đã chi ra số tiền cho quảng cáo, tiếp thị lên gần 1.300 tỷ đồng, cao gấp 3 lần so với chi phí marketing của 3 năm trước nhưng thống kê của trang Buzzmetrics chỉ ra, thương hiệu Bia Sài Gòn của Sabeco vẫn xếp sau 3 thương hiệu Tiger, Heineken và Budweiser.

Đặc biệt, Heineken gần như không có đối thủ ở phân khúc cao cấp. Điều này đã lý giải phần nào vì sao Heineken thường bỏ xa Sabeco về mặt lợi nhuận dù thị phần thua kém. Và cũng lý giải vì sao Heineken lại xem Việt Nam là thị trường quan trọng thứ 2, chỉ sau Mexico.

Để củng cố vị thế trong phân khúc dòng bia phổ thông, Heineken có thể chi đậm để sở hữu ở Sabeco. Nhưng không chỉ Heineken, ThaiBev- hãng bia nổi tiếng của Thái Lan cũng tỏ ra quyết tâm sở hữu một phần Sabeco. Tháng 11/2014, ThaiBev đã ngỏ ý muốn sở hữu 53% cổ phần ở Sabeco và định giá Sabeco khoảng 2 tỷ USD.

Đến tháng 2/2015, ThaiBev lại lên tiếng muốn mua 40% cổ phần của Sabeco với giá trị 1 tỷ USD. ThaiBev cho thấy họ sẵn sàng trả giá cao để mua cổ phần Sabeco như bước đệm để tiến bước nhanh nhất vào thị trường Việt Nam.

Riêng Carlsberg – hãng bia lớn thứ 3 thế giới và đang nắm giữ 10% thị phần bia ở Việt Nam lại hướng chú ý đến Habeco. Đầu tháng 9 vừa qua, Carlsberg đã bán nhà máy tại Bà Rịa – Vũng Tàu như một cách dồn lực tập trung vào thị trường phía Bắc.

Carlsberg đặt mục tiêu nâng tỷ lệ sở hữu tại Habeco từ 17% lên mức 30%. Ngoài sở hữu cổ phần ở Habeco, Carlsberg còn nắm 100% cổ phần của bia Huế (Huda Beer), 60% cổ phần liên doanh Nhà máy Bia Đông Nam Á (Halida) cùng một số công ty nhỏ khác.

Sự quyết tâm của ThaiBev hay sự tích cực chạy đua của những tên tuổi lâu năm như Heineken, Carlberg trong giành quyền sở hữu ở Sabeco, Habeco cho thấy, thị trường bia Việt Nam rất hấp dẫn. Đáng nói là mức tiêu thụ bia của Việt Nam vẫn tiếp tục tăng mạnh bất chấp thuế tiêu thụ đặc biệt được áp dụng cho bia kể từ đầu năm nay.

Tin ảnh: Hải Yên/Báo Tin Tức

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu