Thứ Năm, 28/11/2024 06:38 (GMT +7)

NHNN ‘trần tình’ lãi suất vẫn cao hơn một số nước trong khu vực

Thứ 4, 17/05/2017 | 21:18:00 [GMT +7] A  A

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng, mặt bằng lãi suất ở Việt Nam hiện đã giảm mạnh, bằng 40% lãi suất cuối năm 2011. Tuy nhiên, mức lãi suất cho vay ở một số nước trong khu vực như: Nhật Bản, Trung Quốc vẫn thấp hơn vì lạm phát thấp, kinh tế vĩ mô ổn định, đặc biệt hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp không quá phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng.

Trong khi đó, Việt Nam là nước đang phát triển, nhu cầu vốn cho sản xuất kinh doanh và phát triển kinh tế xã hội của tất cả các khu vực kinh tế đều ở mức cao; kinh tế vĩ mô về cơ bản ổn định nhưng các cân đối lớn của nền kinh tế chưa thực sự bền vững, kỳ vọng lạm phát còn cao và dễ biến động, xử lý nợ xấu gặp nhiều khó khăn.

Thị trường chứng khoán và thị trường trái phiếu chưa phát triển đồng bộ dẫn tới nhu cầu vốn của doanh nghiệp cũng như vốn đầu tư cho phát triển kinh tế phụ thuộc lớn vào hệ thống ngân hàng,… Các yếu tố này đã ảnh hưởng đến mặt bằng lãi suất cho vay của tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, so sánh số liệu với một số nước trong khu vực như Myanmar, lãi suất cho vay ở mức 13%/năm, Indonesia là 11,9%/năm, Thái Lan là 6,3%/năm, Singapore là 5,4%/năm thì mặt bằng lãi suất cho vay bằng VND của Việt Nam hiện nay khoảng 6-11%/năm,lãi suất cho vay bằng ngoại tệ trong khoảng 3- 4% vẫn ở mức tương đối hợp lý với tương quan kinh tế vĩ mô.

“Tuy nhiên, so sánh số liệu với một số nước trong khu vực như Myanmar, lãi suất cho vay ở mức 13%/năm, Indonesia là 11,9%/năm, Thái Lan là 6,3%/năm, Singapore là 5,4%/năm thì mặt bằng lãi suất cho vay bằng VND của Việt Nam hiện nay khoảng 6-11%/năm, lãi suất cho vay bằng ngoại tệ trong khoảng 3- 4% vẫn ở mức tương đối hợp lý với tương quan kinh tế vĩ mô”, Thống đốc nói.

Thống đốc Lê Minh Hưng cũng cho hay, mặt bằng lãi suất huy động và cho vay diễn biến ổn định từ năm 2016 đến nay, đặc biệt từ cuối tháng 9/2016, một số tổ chức tín dụng đã giảm 0,3- 0,5%/năm lãi suất huy động, giảm 0,5- 1%/năm lãi suất cho vay đối với sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.

Người đứng đầu NHNN khẳng định từ năm 2016, trong bối cảnh kỳ vọng lạm phát có xu hướng tăng, cầu vốn tín dụng và phát hành trái phiếu Chính phủ tiếp tục ở mức cao, tiến độ giải ngân vốn đầu tư còn thấp tạo áp lực đến cầu vốn tín dụng, Ngân hàng Nhà nước kiên trì điều hành các giải pháp phù hợp để giữ ổn định mặt bằng lãi suất huy động, giảm lãi suất cho vay, qua đó hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp nhưng đồng thời vẫn đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát, ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối.

Tại Nghị quyết số 24/2016/QH14 của Quốc hội ngày 8/11/2016 đã chỉ đạo giao ngành ngân hàng phấn đấu đến năm 2020 giảm lãi suất cho vay trung bình trong nước có tính cạnh tranh so với mức lãi suất cho vay trung bình trong nhóm ASEAN-4. Thời gian tới, NHNN sẽ tiếp tục bám sát diễn biến kinh tế vĩ mô, tiền tệ để điều hành lãi suất ổn định, phù hợp với mục tiêu kiểm soát lạm phát.

Cùng với đó, tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh để có điều kiện giảm lãi suất cho vay; đặc biệt quan tâm đến lãi suất ưu đãi đối với các doanh nghiệp thuộc lĩnh vực ưu tiên, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ cao, doanh nghiệp hoạt động hiệu quả, có sản phẩm cạnh tranh được trên thị trường quốc tế.

Minh Phương/Báo Tin Tức

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu