Chủ Nhật, 24/11/2024 03:46 (GMT +7)

Nhớ tiếng đờn Vạn Phước!

Thứ 6, 18/02/2022 | 10:22:00 [GMT +7] A  A

Trong những ngày giữa tháng 2/2022, nhiều người về lại đình Vạn Phước, xã Mỹ Lệ nơi đặt linh vị nghệ nhân – nhạc sư Nguyễn Quang Đại và cũng là địa điểm tổ chức Liên hoan Đờn ca tài tử Nam bộ tỉnh Long An hàng năm để tưởng nhớ người có công khai sáng nhạc Lễ nhạc Tài tử Nam bộ với sự tham dự của rất nhiều nghệ nhân, tài tử và những tấm lòng tri ân về đây thắp nén hương tưởng nhớ tiền nhân.

Đình vạn Phước xã Mỹ Lệ được công nhận di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh

Ông Nguyễn Văn Vui- Ban hội hương đình cho biết: Thực hiện theo sự chỉ đạo của chính quyền, Ban Hội hương đình không tổ chức lễ hội như mọi năm mà chỉ thực hiện nghi thức cúng Cầu an và dâng hương cho Đức nghệ nhân, thể hiện lòng tôn kính với bậc tiền nhân đã dày công tạo dựng vùng quê và “khai sinh” tiếng đờn tài tử. Dù biết rằng việc tạm dừng tổ chức Lễ hội và liên hoan đờn ca tài tử là điều cần thiết, phải làm nhưng trong sâu thẳm trong tâm hồn người dân địa phương vẫn cảm thấy trống vắng, thiếu cung bậc bổng trầm thấm đẫm tình quê.

Nhìn khung cảnh đình Vạn Phước vửa được trùng tu tôn tạo khang trang và được công nhân là di tích lịch sử văn hóa của tỉnh, khách tham quan chợt nhớ bài thơ Tháng Giêng của Nguyễn Xuân Trường – một người con Cần Đước, viết về Lễ húy kỵ Đức nghệ nhân – nhạc sư Nguyễn Quang Đại và Liên hoan Đờn ca tài tử Nam bộ tỉnh Long An được tổ chức tại đình Vạn Phước trong những năm đầu tiên:

Tháng Giêng rồi mai là lễ kỵ cơm

Con về đây nghe tiếng đàn quê ngoại

Tiếng nhạc cung đình thuở chàng trai Ba Đợi

Mang hạt giống kinh đô gieo xuống chốn bưng biền…

Không chỉ có nhà thơ trẻ Xuân Trường mà nhiều người khi nhắc đến làng quê Mỹ Lệ thường nhớ đến hương gạo Nàng Thơm Chợ Đào và tiếng đờn tài tử ngọt ngào. Chính mảnh đất Chợ Đào, Mỹ Lệ là nơi nhạc sư Nguyễn Quang Đại – một nhạc quan triều đình Huế, theo tiếng gọi Cần Vương của vua Hàm Nghi đã rời cung đình, xuôi Nam mang theo hệ thống bài bản nhạc cung đình, dừng chân ở vùng đất này để truyền dạy nhạc cho người dân địa phương. Từ đó, nhiều thế hệ học trò của ông đã thành danh và góp phần hệ thống bài bản, hình thành nên phong cách chơi nhạc tài tử phát triển đến ngày hôm nay.

Người dân địa phương thắp hương tưởng nhớ Nghệ nhân

Được người đời tôn vinh là Tổ nghiệp của dòng nhạc lễ, nhạc tài tử Nam bộ, năm 1996, theo nguyện vọng của người dân địa phương và sự thống nhất của Sở Văn hóa Thông tin TP.HCM và Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Long An lúc bấy giờ, linh vị của ông được đưa về thờ tại đình Vạn Phước. Hơn 20 năm qua, cứ sau những ngày Tết Cổ truyền, người dân Mỹ Lệ lại nô nức chuẩn bị cho Lễ Cầu an và Lễ húy kỵ Đức nghệ nhân vào các ngày 16, 17 và 18 tháng Giêng.

Cũng từ ngày linh vị Đức nghệ nhân được đưa về thờ tại đình Vạn Phước, thể theo nguyện vọng của đông đảo nghệ nhân, tài tử đờn ca Sở Văn hóa – Thể thao và Du lịch tỉnh Long An tổ chức Liên hoan Đờn ca tài tử Nam bộ tỉnh hàng năm. Những năm trước đây, vào ngày 16.17.18 tháng giêng, hàng trăm nghệ nhân, nghệ sỹ, những người mộ điều đờn ca tài tử lại hội tụ về Vạn Phước, cùng nhau thắp nén hương lòng dâng lên Đức nghệ nhân, cùng trao đổi tiếng đờn, lời ca, chung tay, góp sức vun bồi cho một di sản văn hóa phi vật thể độc đáo của nhân loại.

Chính vì tấm lòng đối với nhạc sư và tâm huyết gìn giữ di sản văn hóa nên dù có những năm, thời tiết không thuận lợi, những cơn mưa trái mùa rất to vẫn không ngăn được bước chân của những người mộ điệu đờn ca tài tử. Trong khói hương nghi ngút và hương lúa Nàng Thơm vừa gặt, tất cả hòa cùng lời vọng từ ngàn xưa của giai điệu ngũ cung. Trong không gian đầm ấm, thân thương với tiếng đàn tranh réo rắt, tiếng đàn bầu nỉ non, những cung thương, cung oán bổng trầm, lòng người càng gần nhau hơn trong tiếng gọi tri âm, lòng hẹn lòng năm sau lại về. Thế mới biết, vì sao những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc, nhân loại mãi trường tồn với thời gian./.

Kim Khánh

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu