Thứ Năm, 28/11/2024 09:45 (GMT +7)

Những “đồng đội” đặc biệt của lính biên phòng

Thứ 5, 01/03/2018 | 09:32:00 [GMT +7] A  A

VOV.VN -Với người lính biên phòng, chó nghiệp vụ là những đồng đội, chia sẻ gian lao, hiểm nguy, giúp các anh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Chiều biên giới, khi mặt trời ngả xuống cánh rừng xa, Trung úy Nguyễn Tuấn Nhật, Tiểu đoàn Huấn luyện – cơ động (xã Krông Na, huyện Buôn Đôn, Đắk Lắk), cùng với người đồng đội đặc biệt của mình, chú chó Vô Kin, kết thúc một vòng tuần tra. Cả người và chó quấn quýt như đôi bạn thân.

nhung dong doi dac biet cua linh bien phong hinh 1
Những chú chó nghiệp vụ nghiêm túc thực hiện các hiệu lệnh luyện tập.

Trung úy Nguyễn Tuấn Nhật cho biết, dù trông rất hung dữ và sẵn sàng tấn công khi có lệnh, nhưng Vô Kin, cũng như nhiều chó nghiệp vụ khác ở đây, rất hiền lành và thân thiết với người huấn luyện của mình. Đôi khi chúng giống đứa trẻ, nũng nịu và thích được vuốt ve.

Anh Nhật và Vô Kin đã là “đồng đội” được hơn 5 năm, từ khi anh còn công tác tại Trường Trung cấp 24 Biên phòng (Hà Nội).

Theo anh Nhật, để chó và người thành “một đội”, huấn luyện viên cần thể hiện sự thân thiết, coi chó như người bạn thực sự, luôn thể hiện sự quan tâm, yêu thương.

Tuy khẩu lệnh của các huấn luyện viên đều giống nhau nhưng mỗi chú chó chỉ nhận lệnh từ một người nhờ sự huấn luyện “giao cảm”.

nhung dong doi dac biet cua linh bien phong hinh 2
Hùng dũng lao qua vòng lửa.

Trung úy Nguyễn Tuấn Nhật chia sẻ: “Để con chó nghe lời, huấn luyện viên đồng thời phải là người bạn thân thiết, chăm sóc từ lúc ăn uống đến lúc chó ốm đau, tạo được mối quan hệ giữa huấn luyện viên với chó”.

Thượng úy Nông Hữu Hà, Đội trưởng đội chó chiến đấu, Tiểu đoàn Huấn luyện – cơ động cho biết, để huấn luyện được chó nghiệp vụ đòi hỏi rất nhiều thời gian và công sức. Chó được tuyển chọn từ khi còn rất nhỏ và phải đảm bảo các yêu cầu về chiều cao, cân nặng, thể lực, màu sắc lông và sức khỏe, thần kinh ổn định.

Mỗi chú chó sẽ được giao cho một huấn luyện viên và sau khóa học, cả 2 sẽ cùng tốt nghiệp và nhận nhiệm vụ ở một đơn vị mới.

nhung dong doi dac biet cua linh bien phong hinh 3
Quyết liệt tấn công đối tượng.

Phải mất chừng 12 tháng để chó nghiệp vụ thuần thục các mệnh lệnh của chỉ huy và các khoa mục như tính kỷ luật, xác định nguồn hơi, cắn bắt đối tượng, phục kích, truy vết, tuần tra, cứu hộ cứu nạn …

Ngoài ra, chó nghiệp vụ còn phải rèn luyện quen với tiếng súng, tiếng lựu đạn nổ, luyện tập với vòng lửa, hàng rào thép gai, khả năng chịu đòn; nhận biết, phòng tránh và tấn công để đoạt các loại vũ khí từ tay đối phương như súng, dao, gậy gộc… Đồng thời các kỹ năng phải được ôn luyện thường xuyên để đảm bảo chó nghiệp vụ luôn khỏe mạnh, dẻo dai và sẵn sàng khi có nhiệm vụ đột xuất. Do đó, công tác huấn luyện thường xuyên được coi trọng hàng đầu.

Thượng úy Nông Hữu Hà cho biết: “Huấn luyện chó nghiệp vụ, đặc thù là trong thời gian huấn luyện đội khuyển triển khai kế hoạch tháng, tuần. Về huấn luyện chó nghiệp vụ bảo vệ biên giới các huấn luyện viên và chó chiến đấu phải trải qua các khoa mục huấn luyện. Đến các ngày lễ, Tết thì có lệnh Bộ chỉ huy, lệnh của cấp trên thì đội sẵn sàng nhận nhiệm vụ tăng cường cho các đơn vị ở biên giới”.

nhung dong doi dac biet cua linh bien phong hinh 4
Đùa nghịch cùng huấn luyện viên của mình trong những giờ phút giải lao.

Đại úy Nguyễn Thành Luyện, Phó tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Huấn luyện – cơ động cho biết, đội chó nghiệp vụ của đơn vị được thành lập từ tháng 8 năm 2013. Từ đó đến nay, đội đã lập được nhiều chiến công lớn, góp phần cùng các chiến sĩ biên phòng và lực lượng chức năng phá nhiều vụ án.

nhung dong doi dac biet cua linh bien phong hinh 5
Đôi khi chúng giống những đứa trẻ, nũng nịu và thích được vuốt ve (Chó Vô Kin và Huấn luyện viên Nguyễn Tuấn Nhật).

“Trong thời gian qua đội cảnh khuyển đã tăng cường cho các tuyến đồn trong nhiệm vụ tuần tra truy quét tội phạm bảo vệ an ninh biên giới. Và đặc biệt trên địa bàn đội cảnh khuyển cũng thường xuyên bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, đặc biệt trong các dịp lễ lớn, các ngày kỷ niệm trọng đại của đất nước”.

Những chú chó nghiệp vụ được huấn luyện bài bản đã trở thành những “chiến sĩ”, thường xuyên được tăng cường cho các đồn biên phòng ở Đắk Lắk, là những “đồng đội” đặc biệt sát cánh cùng người lính biên phòng trên những cung đường tuần tra, bảo vệ an ninh biên giới./.

H Xíu/VOV – Tây Nguyên

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu