Thứ Sáu, 29/11/2024 01:31 (GMT +7)

Những đột phá mới về kinh tế ở Bình Dương

Thứ 2, 30/12/2019 | 09:57:00 [GMT +7] A  A

Năm 2019, Bình Dương tăng cường chỉ đạo, điều hành, triển khai nhiệm vụ, giải pháp của Chính phủ, bộ ngành cùng với sự nỗ lực của các cấp, ngành, doanh nghiệp và người dân, nhờ đó kinh tế – xã hội Bình Dương tiếp tục phát triển và chuyển biến tích cực, nhất là phát triển kinh tế công nghiệp đứng hàng đầu cả nước.

Dây chuyền sản xuất giày của Công ty cổ phần Công nghiệp Đông Hưng (KCN Tân Đông Hiệp A, thị xã Dĩ An, tỉnh Bình Dương). Ảnh: Quách Lắm/TTXVN

Điểm nhấn thu hút đầu tư

Bình Dương có lợi thế về vị trí địa lý khi nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam thuận lợi cho phát triển công nghiệp đô thị, dịch vụ. Địa điểm nằm trên các trục giao thông quan trọng của quốc gia và là đầu mối giao lưu thương mại quan trọng giữa các tỉnh Tây Nguyên, miền Trung với Tp. Hồ Chí Minh.

Bình Dương có cơ sở hạ tầng khá tốt, đặc biệt lãnh đạo tỉnh luôn chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, ưu tiên phát triển mạnh mạng lưới giao thông, tạo kết nối thuận lợi với các tỉnh thành xung quang nhằm tận dụng lợi thế về vị trí địa lý. Nhiều tuyến giao thông quan trọng đã được đầu tư, đưa vào sử dụng như Đại lộ Bình Dương và đặc biệt là đường Mỹ Phước – Tân Vạn.

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Trần Thanh Liêm, sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, bước vào thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Đến nay, tỉnh Bình Dương đã cơ bản trở thành một tỉnh phát triển công nghiệp, có vị trí quan trọng trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, với nhiều thành tựu nổi bậc về đổi mới và hội nhập quốc tế. Với những nỗ lực, quyết tâm nhằm cải thiện môi trường đầu tư thông thoáng, nên chỉ số năng lực cạnh tranh năm 2018 (PCI năm 2018) của tỉnh Bình Dương đạt được vị trí thứ 6 tại Việt Nam và vị trí thứ I trong vùng Đông Nam Bộ.

Đến cuối năm 2019, tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng 9,5%; GRDP bình quân đầu người đạt 146,9 triệu đồng; cơ cấu kinh tế công nghiệp- dịch vụ -nông nghiệp-thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm với tỉ trọng tương ứng là chiếm tỷ trọng 66,8% – 22,4%-2,6%-8,2%.

Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương, Trần Thanh Liêm, để thu hút đầu tư từ năm 2016, Bình Dương đã triển khai chương trình đổi mới thu hút đầu tư với mục tiêu đẩy mạnh thu hút đầu tư nằm huy động nguồn lực đáp ứng nhu cầu tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2016-2020. Theo đó, tỉnh tập trung thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư nước ngoài, chú trọng nguồn vốn từ doanh nghiệp trong nước. Bình Dương cũng tập trung mọi nguồn lực để hình thành và phát triển các khu, cụm công nghiệp để mời gọi các nhà đầu tư nước ngoài đến đầu tư.

Hiện Bình Dương có 29 khu công nghiệp với diện tích 12.743 ha và 12 cụm công nghiệp với diện tích 790 ha (có 9 cụm đã đi vào hoạt động). Tỉnh hoàn thiện cơ chế, chính sách hỗ trợ các nhà đầu tư; coi cải cách hành chính là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, tạo môi trường kinh doanh thuận lợi hỗ trợ các nhà đầu tư. Đồng thời, thường xuyên tổ chức các buổi đối thoại doanh nghiệp nước ngoài và nhiều chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhằm lắng nghe nguyện vọng, tháo gỡ các vướng mắc của các nhà đầu tư.

Tính đến hết năm 2019, Bình Dương đứng thứ 3 cả nước, sau Hà Nội và Tp. Hồ Chí Minh về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần trên toàn tỉnh đạt hơn 3,073 tỷ USD, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2018, vượt 119,57% so với chỉ tiêu năm 2019.

Lũy kế tính đến nay, Bình Dương đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau Tp. Hồ Chí Minh về thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Bình Dương hiện còn 3.755 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký là 34,23 tỷ USD; trong đó, quy mô trung bình dự án khoảng 9,11 triệu USD.

Hiện có 65 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký đầu tư tại Bình Dương; trong đó, 7 quốc gia và vùng lãnh thổ là Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Samoa, Hàn Quốc, B.V.I và Hong Kong (Trung Quốc) có tổng vốn đầu tư chiếm hơn 75% tổng vốn đầu tư của tỉnh. Nhật Bản đứng đầu 314 dự án, tổng vốn đăng ký 5,61 tỷ USD, chiếm 16,4% tổng vốn đầu tư. Đài Loan (Trung Quốc) đứng thứ 2 với 837 dự án, tổng vốn đăng ký 5,42 tỷ USD, chiếm 15,9% tổng vốn đầu tư. Singapore đứng thứ 3 với 241 dự án, tổng vốn đăng ký đạt 4,14 tỷ USD, chiếm 12,1% tổng vốn đầu tư.

Tạo ra lợi thế để phát triển

Thời gian tới, Bình Dương tiếp tục ưu tiên thu hút đầu tư các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ phục vụ sản xuất, lắp ráp ô tô, xe máy, thân thiện với môi trường, ít thâm dụng lao động, tạo ra giá trị gia tăng cao; dịch vụ tài chính, logistics và các dịch vụ hỗ trợ công nghiệp; nông nghiệp công nghệ cao và đặc biệt là các ngành nghề mới trên nền tảng công nghiệp mới. Tỉnh tiếp tục thu hút các dự án sản xuất công nghiệp vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp đã được quy hoạch. Bình Dương từng bước chọn lọc các dự án đăng ký đầu tư trên cơ sở phù hợp với quy hoạch tổng thể và đáp ứng yêu cầu về bảo vệ môi trường. Việc cân nhắc, lựa chọn các dự án đầu tư nhằm thực hiện chủ trương nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về thu hút đầu tư góp phần phát triển bền vững.

Mới đây khi nhận xét về Bình Dương tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Horasis 2019, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, Bình Dương đã biết tạo ra nhiều cơ hội tốt để quảng bá hình ảnh của địa phương đến bạn bè quốc tế. Thông qua các dịp này các doanh nghiệp tìm hiểu và lựa chọn Bình Dương.

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tin tưởng rằng, những hoạt động quảng bá hình ảnh của địa phương đến bạn bè quốc tế sẽ tiếp tục tạo những đột phá mới về kinh tế – xã hội trong thời gian tới cho tỉnh Bình Dương. Phát triển nhanh và bền vững là yêu cầu hàng đầu đối với mỗi quyết định, mỗi hành động của Bình Dương. Song song với quá trình phát triển kinh tế – xã hội, Bình Dương quyết tâm xây dựng một môi trường sống hiện đại hơn. Đồng thời, chú trọng gìn giữ, bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên, giải quyết các vấn đề môi trường, hướng đến công cuộc xây dựng và phát triển bền vững cho đô thị thông minh của mình. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ bày tỏ kỳ vọng vào sự trỗi dậy của Bình Dương trong tương lai gần sẽ góp phần vào sự phồn thịnh chung của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và của cả nước.

Nói về sự năng động mới của Bình Dương trong thời gian gần đây nhất, ông Frank-Jürgen Richter, Chủ tịch Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á Horasis đánh giá, Bình Dương rất thành công trong việc tổ chức sự kiện Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á- Horasis -2019. Sự kiện này cũng đã tạo nên nhịp cầu kết nối các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp đang tìm kiếm những cơ hội đầu tư tại Việt Nam; trong đó, có Bình Dương. Thông qua cơ chế, chính sách cởi mở, Bình Dương đã tạo ra nhiều điều kiện thuận lợi, có nhiều hợp đồng ký kết tại Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á- Horasis.

Theo ông Trần Đình Thiên, Thành viên của Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam, Bình Dương gần Tp. Hồ Chí Minh có thể là một lợi thế mà cũng có thể là bất lợi. Theo một quy luật là địa phương chung quanh thường bị hút về trung tâm của Tp. Hồ Chí Minh nhưng Bình Dương đã, đang biết tạo ra lợi thế để phát triển.

Nguyễn Văn Việt (TTXVN)
https://baotintuc.vn/kinh-te/nhung-dot-pha-moi-ve-kinh-te-o-binh-duong-20191229205813403.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu