Chủ Nhật, 24/11/2024 12:58 (GMT +7)

Những hiện vật ‘kể chuyện’ về ‘Ngày Độc lập 2 – 9’

Thứ 4, 02/09/2020 | 11:22:00 [GMT +7] A  A

Câu chuyện về cuộc khởi nghĩa giành chính quyền mùa Thu năm 1945, về ngày Lễ Độc lập đã được “kể” lại một cách trực quan, sinh động bằng các tài liệu, hiện vật tại Trưng bày “Ngày Độc lập 2-9”, đang diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

Bản Tuyên ngôn độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo và đọc tại Quảng trường Ba Đình. Ảnh: Lê Phú/Báo Tin tức

Với thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945, ngày 2/9/1945 – Ngày Độc lập, thời khắc thiêng liêng trên Quảng trường Ba Đình lịch sử được khắc họa từ hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Câu chuyện về cuộc khởi nghĩa giành chính quyền mùa Thu năm 1945, về ngày Lễ Độc lập đã được “kể” lại một cách trực quan, sinh động bằng các tài liệu, hiện vật tại Trưng bày “Ngày Độc lập 2-9”, đang diễn ra tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, số 25 Tông Đản, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Theo từng hiện vật, những câu chuyện lịch sử cách đây 75 năm lần lượt hiện về…

Chiếc micro Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản tuyên ngôn độc lập tại quảng trường Ba Đình lịch sử năm 1945.Ảnh: Lê Phú/Báo Tin tức

Những hiện kể chuyện

Những ngày tháng Tám lịch sử, nhiều lượt du khách đến tham quan Trưng bày “Ngày Độc lập 2-9”. Hầu hết mọi người đến đây đều muốn được tận mắt ngắm những tài liệu, hiện vật quý đã gắn bó và làm nên thắng lợi của cuộc cách mạng vĩ đại cách đây 75 năm, để có thêm hiểu biết về mốc son lịch sử Cách mạng tháng Tám 1945, về sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, giá trị của độc lập, tự do…

Nhiều khách tham quan đã rất xúc động khi đứng trước bộ quần áo kaki mà Bác Hồ đã mặc khi tham gia nhiều sự kiện quan trọng sau Cách mạng Tháng 8. Theo hồ sơ hiện vật của Bảo tàng Lịch sử quốc gia, bộ quần áo màu vàng nhạt được đặt may trong thời gian Bác ở ngôi nhà 48 Hàng Ngang. Bà Hoàng Thị Minh Hồ, vợ ông Trịnh Văn Bô kể lại, khi từ chiến khu về Hà Nội Bác chỉ mặc chiếc áo nâu, quần soóc và đeo chiếc túi dết bạc màu, nên chính bà đề nghị Bác và các vị chủ chốt cần có bộ quần áo trang trọng để ra mắt quốc dân đồng bào. Bộ quần áo kaki này do ông chủ hiệu may Phúc Hưng ở phố Hàng Trống may đo từ bộ quần áo có sẵn của ông Trịnh Văn Bô.

“Bộ quần áo cũ, bạc màu, trên cổ áo có chỗ bị sờn rách, sau đó được Người mặc ở nhiều sự kiện: chủ trì cuộc họp đầu tiên của Chính phủ lâm thời ngày 3/9/1945, đi nước ngoài, gặp Việt kiều tại Pháp. Bộ quần áo được đưa về bảo tàng năm 1958 và đến năm 2008 Bảo tàng Lịch sử quốc gia đã gặp bà Minh Hồ để bà xác minh rõ về bộ quần áo này”, chị Trần Thu Hà, Phó Trưởng phòng Trưng bày, Bảo tàng Lịch sử quốc gia kể.

Những vũ khí được nhân dân Việt Nam sử dụng trong cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng 8/1945.Ảnh: Lê Phú/Báo Tin tức

Sưu tập vũ khí gồm súng kíp, dao găm, mã tấu, gậy tầm vông, giáo mác… là những thứ được nhân dân sử dụng trong cuộc tổng khởi nghĩa giành chính quyền tháng Tám năm 1945 cũng đặc biệt thu hút sự quan tâm của công chúng. Đó là con dao ông Nguyễn Văn Tùng ở Vĩnh Yên dùng bảo vệ đồng chí Hoàng Văn Thụ năm 1941. Mã tấu thanh niên xã Bách Lộc (Phú Thọ) dùng tham gia bảo vệ chính quyền địa phương vào tháng 8/1945. Chiếc kèn gắn với sự kiện ông Bùi Hoành Chử, mục sư hội giáo Tin lành dùng để tham gia giành chính quyền ở Sơn Tây năm 1945…

Trưng bày còn giới thiệu bản viết tay “Nghị quyết của Hội nghị Trung ương Đảng lần thứ 8, quyết định thành lập Mặt trận Việt Nam độc lập đồng minh (gọi tắt là Mặt trận Việt Minh); Bản Chỉ thị “Nhật – Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta”; “Mệnh lệnh khởi nghĩa” của Ủy ban Chỉ huy Lâm thời Khu Giải phóng ngày 12/8/1945 do đồng chí Văn (tức Đại tướng Võ Nguyên Giáp) ký; Bản Tuyên ngôn Độc lập do Chủ tịch Hồ Chí Minh soạn thảo và đọc tại Quảng trường Ba Đình, Hà Nội, ngày 2/9/1945…

Bên cạnh đó, nhiều tư liệu, hiện vật quý khác được giới thiệu trong trưng bày như Tuyên bố của phái đoàn chính phủ lâm thời tiếp nhận sự thoái vị của vua Bảo Đại tại Huế ngày 30/8, chiếu thoái vị của vua Bảo Đại để chuẩn bị cho ngày khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, chiếc bàn Bác Hồ ngồi viết Bản Tuyên ngôn Độc lập; sưu tập những lá cờ cách mạng của Mặt trận Việt Minh như lá cờ Tổ quốc treo tại Đại hội Quốc dân Tân Trào trước tổng khởi nghĩa, cờ Đội Việt Nam Giải phóng quân dùng trong ngày tiến quân về đánh chiếm tỉnh lị Thái Nguyên ngày 20/8/1945, lá cờ Việt kiều Paris (Pháp) treo trong mít tinh mừng Việt Nam độc lập vào tháng 9…

Những hình ảnh, tài liệu về Lễ Độc lập ngày 2/9/1945 lịch sử cũng được giới thiệu khá đầy đủ, trong đó có lời kể của những nhân chứng lịch sử, những người trong cuộc như câu chuyện kể của ông Phạm Hồng Cư, sinh năm 1926 – Đội viên Trung đội Tự vệ chiến đấu Cứu quốc thành Hoàng Diệu trực tiếp tham gia bảo vệ Lễ Độc lập ngày 2/9/1945; bà Lê Thi, sinh năm 1926, người kéo cờ Tổ quốc trong Lễ Độc lập ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình…

Cũng tại trưng bày, lần đầu tiên Bảo tàng giới thiệu hai cuốn sổ tay ghi chép các công việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ ngày 2/9/1945 đến 17/10/1945. Bên cạnh đó, trưng bày cũng giới thiệu nhiều hiện vật về nước Việt Nam độc lập: Tem bưu chính: Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa sử dụng con tem do chính quyền thuộc địa Pháp ở Đông Dương phát hành bằng cách in đè lên con tem dòng chữ “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Độc lập Tự do Hạnh phúc. Bưu chính 30 xu, lưu hành năm 1945”; Chiếc hòm phiếu dùng trong ngày bầu cử đại biểu Quốc hội khóa I của nhân dân Quảng Bình; Bản viết tay bài Tiến quân ca – Quốc ca do chính nhạc sỹ Văn Cao viết và ký tặng Bảo tàng Cách mạng Việt Nam (nay là Bảo tàng Lịch sử Quốc gia)…

Bồi đắp tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ

Có thể nói, hơn 150 tài liệu, hiện vật, hình ảnh được giới thiệu trong trưng bày “Ngày Độc lập 2-9” đều là những hiện vật quý hiếm, trong đó có nhiều hiện vật là bản gốc đang được Bảo tàng lịch sử Quốc gia lưu giữ, bảo quản. Theo Tiến sỹ Nguyễn Văn Đoàn – Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia, Trưng bày được tổ chức nhằm góp phần giúp công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về mốc son lịch sử Cách mạng tháng Tám 1945, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, giá trị của độc lập, tự do… để từ đó bồi đắp tinh thần yêu nước cho mọi người dân Việt Nam, đặc biệt là thế hệ trẻ, để cộng đồng cùng chung tay, góp sức mình vào công cuộc xây dựng đất nước, bảo vệ nền độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Thông qua trưng bày, Bảo tàng Lịch sử quốc gia mong muốn góp phần giúp cho công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về mốc son lịch sử Cách mạng tháng Tám 1945, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc, giá trị của độc lập, tự do. Ảnh: Lê Phú/Báo Tin tức

Cùng gia đình đến tham quan trưng bày, chị Nguyễn Thu Nga (quận Long Biên, Hà Nội) chia sẻ, cảm nhận đầu tiên khi bước chân vào không gian trưng bày “Ngày Độc lập 2-9” tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia là sự xúc động và tự hào. Xúc động bởi chị tận mắt được nhìn thấy rất nhiều hiện vật, tài liệu đặc biệt, liên quan đến những mốc son lịch sử trọng đại của dân tộc, tự hào bởi truyền thống bất khuất, anh hùng của nhân dân Việt Nam trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc.

“Ngắm những hiện vật trưng bày tại đây, tôi phần nào hình dung được khí thế sục sôi của những ngày Cách mạng tháng Tám và Quốc khánh 2/9 cách đây 75 năm”, chị Nguyễn Thu Nga xúc động nói.

Còn với Phạm Văn Đạt, sinh viên Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội, thì các hiện vật trong trưng bày này đã giúp cho thế hệ trẻ hiểu rõ hơn về truyền thống lịch sử của dân tộc.

“Trước đây, chúng em chỉ biết về lịch sử thông qua sách, báo và các bài giảng của thầy, cô giáo. Nhưng đến với trưng bày “Ngày Độc lập 2-9”, được ngắm nhìn những hiện vật, tài liệu quý, chúng em hiểu rõ hơn về những khó khăn, gian khổ của những ngày khởi nghĩa giành chính quyền, thành lập nước Việt Nam, từ đây chúng em hiểu và trân trọng hơn lịch sử dân tộc, để rồi thấy yêu đất nước mình hơn, để sống tốt hơn và có những đóng góp có ích cho đất nước” – Phạm Văn Đạt bày tỏ.

Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Văn Trụ, Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam cho biết, là lớp người sinh ra cùng Cách mạng tháng Tám, lớn lên sau Cách mạng tháng Tám, lại học về lịch sử, nên ông đã được đọc nhiều, học nhiều về sự kiện Cách mạng tháng Tám. Nhưng khi được xem trưng bày về “Ngày Độc lập 2-9”, ông rất xúc động khi được tận mắt chứng kiến nhiều tài liệu, hiện vật gốc vô cùng quý hiếm trong sự kiện trọng đại của lịch sử cách đây 75 năm. Từ quá trình tiến tới Cách mạng tháng Tám như thế nào, ngày Quốc khánh ra sao, các hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ mới sau ngày thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa…

“Trăm nghe không bằng mắt thấy, khi đọc tài liệu, sự xúc cảm có mức độ thì khi được tận mắt nhìn thấy hình ảnh Bác Hồ gầy gò ốm yếu, những cái lán đơn sơ, nhìn sưu tập những vũ khí thô sơ… đều đọng lại cho người xem cảm xúc lớn”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Văn Trụ xúc động nói.

Theo Phó giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Văn Trụ, trưng bày mở cửa đón khách trong dịp kỷ niệm 75 năm Cách mạng tháng Tám thành công và Quốc khánh mùng 2/9 có ý nghĩa rất lớn, giúp công chúng một lần nữa được điểm lại các sự kiện, mốc quan trọng gắn với lịch sử đất nước, lịch sử dân tộc, từ đó nhận rõ giá trị của độc lập, của tự do.

“Công chúng tham quan trưng bày để hiểu thêm về những khó khăn của đất nước trong những ngày đầu thành lập và thấy được rằng, để có được một đất nước Việt Nam phát triển, hội nhập như hiện nay, Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam đã phải trải qua những giai đoạn khó khăn, gian khổ và nỗ lực rất lớn trong suốt 75 năm qua”, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đỗ Văn Trụ nhấn mạnh.

Phương Lan (TTXVN)
https://baotintuc.vn/van-hoa/nhung-hien-vat-ke-chuyen-ve-ngay-doc-lap2-9-20200902083442333.htm

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu