Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Ba, 26/11/2024 16:51 (GMT +7)
Nỗ lực vì nguồn nước sông Mekong.
Chủ nhật, 01/05/2016 | 00:00:00 [GMT +7] A A
Trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang diễn ra khốc liệt khiến cho nguồn nước ngày càng trở nên khan hiếm, đặc biệt là đối với các nước ở hạ nguồn sông Mekong, việc ra đời cơ chế Hợp tác Mekong-Lan Thương (MLC) được kỳ vọng sẽ giúp các nước ở tiểu vùng này quản lý và khai thác hiệu quả, bền vững nguồn nước sông Mekong.
Theo đánh giá của Liên hợp quốc, Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu. Những năm gần đây, Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa, vựa cá và cũng là vựa nông sản lớn nhất của Việt Nam đang phải gồng mình gánh chịu nạn hạn hán và xâm nhập mặn.
Ngay trong những tháng đầu năm 2016, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, cộng với sự thiếu hụt trầm trọng nguồn nước từ sông Mekong đổ về như mọi năm, Đồng bằng sông Cửu Long đã phải đối mặt với đợt hạn hán khắc nghiệt nhất trong vòng 100 năm qua, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến hệ sinh thái và đời sống của hàng triệu người dân.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh và lãnh đạo các nước lưu vực sông Mekong-Lan Thương thực hiện nghi thức khởi động Hợp tác Mekong-Lan Thương. Ảnh: Yến Kiên/TTXVN
|
Hợp tác Mekong-Lan Thương là cơ chế hợp tác giữa 6 quốc gia ven sông Mekong (Trung Quốc gọi là sông Lan Thương) gồm Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam.
Đáng chú ý, Đồng bằng sông Cửu Long là vùng hạ lưu sông Mekong, là vùng nhạy cảm và sẽ chịu biến đổi lớn bởi những tác động của con người trên lưu vực sông Mekong.
Trong bối cảnh ấy, cuối tháng 3 vừa qua, lần đầu tiên cả 6 nước thuộc lưu vực tiểu vùng sông Mekong đã cùng tham dự Hội nghị cấp cao hợp tác Mekong-Lan Thương (MLC) lần thứ nhất tại Hải Nam (Trung Quốc) để trao đổi về phương hướng, biện pháp phát triển bền vững tiểu vùng sông Mekong, trong đó có vấn đề quản lý và khai thác hiệu quả, bền vững nguồn nước sông Mekong.
Sự ra đời của Hợp tác Mekong-Lan Thương khẳng định cam kết của 6 nước ven sông Mekong cùng hợp tác vì hòa bình, ổn định và phát triển bền vững của tiểu vùng Mekong và khu vực. Đây là lần đầu tiên 6 nước ven sông Mekong đạt được nhất trí về ưu tiên hợp tác quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong.
Phát biểu tại Hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh nhấn mạnh, hợp tác Mekong-Lan Thương cần phát huy vai trò quan trọng trong việc phối hợp nỗ lực của các nước thành viên cùng nhau quản lý, sử dụng một cách khoa học và bền vững nguồn nước sông Mekong. Vì vậy, Việt Nam ủng hộ hợp tác nguồn nước là trọng tâm hàng đầu trong 5 lĩnh vực ưu tiên của Hợp tác Mekong-Lan Thương.
Với chủ đề “Vì một cộng đồng chung tương lai hòa bình và thịnh vượng giữa các nước Mekong-Lan Thương”, tại Hội nghị, lãnh đạo 6 nước đã thống nhất các nguyên tắc chính của hợp tác Mekong-Lan Thương là đồng thuận, bình đẳng, phối hợp và tham vấn lẫn nhau, tự nguyện, cùng đóng góp và chia sẻ lợi ích, tôn trọng Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế.
Về phương hướng hợp tác thời gian tới, các nhà lãnh đạo đã nhất trí thúc đẩy hợp tác trên ba trụ cột là chính trị-an ninh, kinh tế và phát triển bền vững cùng văn hóa, xã hội và giao lưu nhân dân.
Trong thời gian trước mắt, hợp tác Mekong-Lan Thương sẽ tập trung vào 5 lĩnh vực ưu tiên chính là quản lý tài nguyên nước, kết nối, năng lực sản xuất, hợp tác kinh tế qua biên giới, nông nghiệp và xóa đói giảm nghèo.
Để góp phần thúc đẩy hợp tác Mekong-Lan Thương đi vào thực chất, Việt Nam đã đề xuất 3 dự án trong Danh sách dự án thu hoạch sớm để triển khai giai đoạn đầu của hợp tác Mekong-Lan Thương. Cả 3 dự án này đều có lợi ích thiết thực, phù hợp với ưu tiên của hợp tác Mekong-Lan Thương, nhất là dự án tăng cường phối hợp quản lý lũ lụt và hạn hán trong lưu vực sông Mekong-Lan Thương và dự án hài hòa hóa tiêu chuẩn, thủ tục giữa các nước trong tiểu vùng.
Nhờ nguồn nước từ sông Mekong mà sông Tiền và sông Hậu cùng hàng ngàn con kênh rạch khác đã tạo nên nét đặc trưng riêng của vùng sông nước Đồng bằng sông Cửu Long. Trong ảnh: Sông Hậu chảy trên địa bàn hai tỉnh An Giang và Đồng Tháp. Ảnh: Duy Khương/TTXVN Đồng bằng sông Cửu Long mùa nước nổi. Ảnh: Kim Sơn
|
Tại Hội nghị cấp cao lần này, Việt Nam nhất trí phối hợp với Trung Quốc xây dựng dự án chung về thành lập Trung tâm hợp tác nguồn nước Mekong-Lan Thương nhằm chia sẻ thông tin, nâng cao năng lực về quản lý bền vững tài nguyên nước sông Mekong, trong đó Việt Nam sẵn sàng đóng góp tài chính và chuyên gia làm việc tại Trung tâm này./.
Thực hiện: TTXVN/Báo ảnh Việt Nam
Ý kiến ()