Đã lăn lộn ở ĐBSCL gần 30 năm, đi qua nhiều địa phương, nhưng chưa bao giờ chúng tôi cảm nhận sự thiếu vắng các lao động sản xuất nông nghiệp ở nhiều nơi trong vùng châu thổ Cửu Long như những tháng ngày vừa qua. Hạn mặn đang để lại những di chứng nặng nề, đánh mạnh vào những âu lo về sinh kế của người dân nơi đây. Và những cuộc di dân của người miền Tây Nam bộ lên TP HCM và các tỉnh miền Đông để kiếm sống mỗi ngày một tăng. Nỗi buồn hạn mặn đang phủ bóng lên nhiều vùng quê miệt vườn sông nước.
Di chứng di dân
Các con số thống kê cho thấy, ở tỉnh Kiên Giang và Sóc Trăng hiện có khoảng 40.000 lao động hiện đã bỏ quê đi nơi khác làm ăn; riêng huyện An Biên( Kiên Giang) do ảnh hưởng của hạn mặn, từ đầu năm đến nay con số này là hơn 10.000 lao động; ở nhiều địa phương khác trong vùng con số này cũng tăng lên đáng kể. Có thể nói, hiếm khi nào về một số vùng quê miền Tây Nam bộ mà chỉ thấy đa số là người già và trẻ em; còn nhóm thanh niên cao lớn, vạm vỡ miền sông nước thì ngày càng thưa vắng…
Câu chuyện người miền Tây bỏ quê lên miền Đông Nam bộ làm ăn đã diễn ra từ nhiều năm qua. Đó cũng là quy luật của dịch chuyển lao động. Song từ cuối năm ngoái đến nay, khi hạn mặn bủa vây tứ phía thì thực trạng “tha phương cầu thực” ở nhiều vùng quê miền sông nước này như một làn sóng, lớp sau dữ dội hơn lớp trước.
Rõ ràng, hạn mặn với nguyên nhân của thiên tai và “nhân tai” đang làm đảo lộn các giá trị sống quen thuộc của người dân châu thổ Cửu Long. Những con đập được giăng lên ở các nước thượng nguồn mà có một thời gian dài chúng ta im lặng, không phản đối, giờ đây đang bóp nghẹt vùng đất Cửu Long bằng một thứ vũ khí lợi hại. Đó là thiếu nước ngọt. Trong gian khó, có thể sẽ “ló” thêm sáng tạo là “làm giàu từ mặn”, song đây chỉ là số ít nông hộ làm được; còn số đông nông hộ trong vùng vẫn không thể chấp nhận để mặn xâm nhập.
Điều muốn nói thêm ở đây là hạn mặn cũng để lại nỗi buồn, sự cay đắng cho nhiều người khi luôn tự hào miền Tây Nam bộ là vùng đất phù sa màu mỡ, thời tiết thuận hòa với hai mùa mưa nắng, cây trái ngọt lành, cá tôm đầy sông rạch. Niềm tự hào ấy một thời cũng góp phần làm nên thương hiệu, một điểm dừng chân lý tưởng cho du khách trong và ngoài nước tìm đến châu thổ Cửu Long.
Và đây cũng là một phần của nguyên nhân dẫn đến sự chủ quan, thậm chí là lơ là trong việc phòng chống hạn mặn và biến đổi khí hậu của các cấp chính quyền từ trung ương đến địa phương và đến cả một bộ phận hộ dân. Hậu quả là nhiều công trình thủy lợi dang dở, ngăn mặn cũng chưa đủ mà giữ ngọt thì lại càng khó; ở các địa phương như Sóc Trăng, Bạc Liêu đã từng xảy ra tranh chấp mặn ngọt, người muốn có nước mặn để nuôi tôm, hộ lại muốn có nước ngọt để trồng lúa.
2 tỉnh vùng tứ giác Long Xuyên là Kiên Giang và An Giang hiện đang xảy ra mâu thuẫn trong vụ hè thu sắp tới. An Giang đầu nguồn tích nước thì Kiên Giang cuối nguồn không thể xuống giống vì thiếu nước. Với người dân, do mưa nắng thuận hòa nên nhiều hộ đã bỏ mất thói quen truyền thống mang tính kỹ năng: dùng lu, bể tích nước vào mưa; đào ao, kênh nội đồng trữ nước ngọt để bơm tưới khi khô hạn. Đó là chưa kể hiện tượng “lũ mặn” ở ĐBSCL mà mới đây biểu hiện là xâm nhập mặn đã được các nhà khoa học cảnh báo từ khá lâu song ít được mọi người quan tâm, chú ý để phòng tránh.
Định vị và giải pháp tương thích
Từ hạn mặn khốc liệt và những di chứng đang để lại nặng nề cho vùng ĐBSCL đặt ra yêu cầu Đảng, Nhà nước cần định vị rõ ràng vai trò, chức năng, nhiệm vụ của vùng đối với cả nước. Từ đó có sự đầu tư thỏa đáng cho yêu cầu phát triển nơi đây, gắn với chống biến đổi khí hậu; bởi thực tế so với cả nước, ĐBSCL hiện vẫn được xem là “vùng trũng” về giáo dục, y tế; vùng khó khăn, yếu kém về cơ sở hạ tầng. Do vậy trong một hai năm tới cần có ngay một quy hoạch thủy lợi toàn vùng, đồng bộ, được vận hành khoa học, nhịp nhàng. Tính liên kết vùng rồi giải pháp trong phòng chống hạn mặn, biến đổi khí hậu phải được triển khai ngay trên thực địa; tránh bệnh hình thức, chỉ là văn bản, chỉ thị trên giấy.
Đồng thời, có các chính sách khuyến khích để đưa các nhà máy, xí nghiệp chế biến nông thủy sản về các vùng quê để thu hút lao động. Còn trước mắt là thực hiện ngay giải pháp hỗ trợ kinh phí mua cây giống, con giống; hướng dẫn người dân” trồng cây gì, nuôi con gì?”. Giải pháp này phải được triển khai ngay khi mùa mưa năm nay bắt đầu bởi hiện nay đầu ra của các mặt hàng như gạo, cá, tôm, trái cây… ở thị trường trong và ngoài nước đều có tín hiệu tốt. Điều này sẽ giúp nông hộ bù đắp lại những thiệt hại do hạn mặn gây ra cho họ trong suốt thời gian qua.
Hạn mặn, biến đổi khí hậu cộng với việc ngăn dòng Mê Kông để làm thủy điện của các nước thượng nguồn đang để lại những hậu quả nặng nề cho ĐBSCL. Qua đây cũng giúp cho chúng ta nhận diện rõ hơn những bất cập và khó khăn, thách thức mà ĐBSCL sẽ phải đối mặt trong nay mai. Từ đó buộc các cấp, các ngành từ trung ương đến địa phương phải chung tay hành động để giúp người dân nơi đây thay đổi và tương thích trong bối cảnh mới. Có như vậy mới mong vực dậy một vùng đất được mệnh danh là trù phú, màu mỡ bậc nhất Việt Nam mà các thế hệ cha ông đã” Nam tiến” khai phá để lại cho chúng ta thụ hưởng hôm nay./.
Ý kiến ()