Chủ Nhật, 24/11/2024 06:48 (GMT +7)

Nối nghiệp gia đình, giữ vị Tết quê qua chiếc lạp xưởng

Chủ nhật, 22/01/2023 | 10:51:39 [GMT +7] A  A

Vào những ngày giáp Tết, hoạt động tại các cơ sở sản xuất lạp xưởng trở nên nhộn nhịp hơn hẳn. Không chỉ có tiếng ở các huyện như: Cần Giuộc, Cần Đước, Tân Trụ, Châu Thành mà ngay tại thành phố Tân An, nghề làm lạp xưởng của cơ sở Ba Đầm 2 cũng được duy trì và phát triển hơn 10 năm qua.

Được người quen giới thiệu, anh Huỳnh Duy Phương mua về dùng thử rồi dần dà, từ khách hàng thân thiết, anh trở thành “khách sỉ” của cơ sở lạp xưởng Ba Đầm 2, ở xã Bình Tâm. Ngoài làm quà tặng, anh còn kinh doanh khá ổn định từ sản phẩm này.            

“Nói chung ở đây đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, vui lòng khách đến vừa lòng khách đi. Mình thấy hợp khẩu vị, năm nào mình cũng lấy ở đây và thấy rất ngon”, anh Huỳnh Duy Phương - Phường 4, thành phố Tân An chia sẻ.

Mẻ làm xưởng vừa được sấy xong của cơ sở Ba Đầm 2

Nhờ nguồn khách sỉ lớn, lạp xưởng của cơ sở có mặt ở khắp các tỉnh, thành trên cả nước. Bình thường, cơ sở sản xuất khoảng 5 tấn sản phẩm/tháng, còn vào đợt Tết, sản lượng tăng lên 40 - 50 tấn, chủ yếu là 3 loại: lạp xưởng thịt, lạp xưởng trứng muối và nem nướng.

Đợt Tết, sản lượng lạp xưởng tăng cao so với ngày thường

Anh Trần Tùng Lâm - Phường 3, thành phố Tân An cho biết: “Mình lấy ở đây cũng gần chục năm rồi, mấy đợt Tết như thế này là ngày lấy 600 - 700 kg. Mình bỏ sỉ khắp cả nước luôn, từ Điện Biên cho đến miền Trung đều có hết, nói chung chất lượng khỏi phải bàn nên khách sỉ lấy đều đều, nhất là dịp Tết này”.         

12 năm nối nghiệp mẹ, chị Nguyễn Thị Thanh Vân đang dần khẳng định thương hiệu Lạp xưởng Ba Đầm 2 trên thị trường nhờ hương vị đậm đà, không dùng phẩm màu hay chất bảo quản.

Chị Nguyễn Thị Thanh Vân (bìa phải) mong muốn duy trì và phát triển nghề truyền thống của gia đình

Chị Nguyễn Thị Thanh Vân - Chủ cơ sở lạp xưởng Ba Đầm 2 (xã Bình Tâm, thành phố Tân An) cho biết thêm: “Lạp xưởng nhà mình khác lạ với những lạp xưởng khác là rượu gia truyền, tự nhà ngâm chứ không phải Mai quế lộ. Cơ sở có rất nhiều máy, ví dụ máy xay để xay thịt, xong rồi qua giai đoạn trộn phải có máy trộn, máy dồn, rồi cột, hút chân không, nói chung toàn dùng máy móc chứ không có như thủ công hồi xưa nữa, vì giờ mình làm số lượng quá nhiều. Mình muốn các sỉ và bạn hàng gần xa ngày càng bán nhiều để cho mình càng ngày càng phát triển thêm thêm nữa”.

Để đáp ứng quy mô sản xuất lớn, cơ sở đầu tư thêm máy sấy và máy hút chân không nhằm bảo đảm chất lượng, tăng thời hạn sử dụng cho sản phẩm, nhất là đối với khách hàng có nhu cầu vận chuyển đi xa.

Sản phẩm được hút chân không để bảo quản lâu hơn

Chị Nguyễn Thị Thanh Vi - Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Bình Tâm, thành phố Tân An thông tin thêm: “Ngoài việc làm lạp xưởng thì chị Vân cũng đóng góp cho phong trào của Hội như vào các dịp lễ, Tết. Cũng mong là thời gian tới, chị cùng gia đình làm ăn khấm khá để phát triển cơ sở, giúp đỡ nhiều hội viên hơn, góp phần thực hiện an sinh xã hội tại địa phương”.         

Lạp xưởng là món ăn quen thuộc trong các gia đình Việt, được bán theo kiểu “thực phẩm nhà làm”. Và khi thấy lạp xưởng được sản xuất, bày bán nhiều hơn ngày thường, nghĩa là Tết đã về!

Thanh Thủy – Đức Cảnh

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu