VOV.VN – Dù đợt hạn mặn lịch sử đã qua hơn 2 tháng nhưng hiện nay các nhà vườn ở tỉnh Bến Tre vẫn chưa đủ nguồn lực để khôi phục vườn cây đặc sản.
Ông Lê Văn Xi cũng như nhiều nhà vườn khác ở ấp Định Lễ, xã Phú Đức, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre đành bỏ phế 2.000 m2 đất trồng cây sầu riêng và chôm chôm chết khô sau hạn mặn vì chưa có khả năng trồng lại vườn cây. Ông Xi cho biết, gia đình chưa có kinh phí để thuê cơ giới cải tạo lại vườn, mua cây giống trồng thay thế các cây đã chết.
“Vườn nhà tôi, chôm chôm và sầu riêng chết, tôi đã mé nhánh. Bây giờ chắc bứng chuối trồng vô rồi mua dừa trồng lại. Sầu riêng, chôm chôm không dám trồng nữa, nước mặn chết hết. Dừa thì không chết nên vẫn trồng. Tôi nghe Đài báo, tháng 11 này nhiễm mặn nữa nên không dám trồng. Cây chết, chính quyền hỗ trợ thì đỡ, không có thì đành chịu”, ông Xi nói.
Nhà vườn đốn bỏ vườn cây mà không biết nên trồng lại cây gì.
Tại thời điểm này, việc khôi phục vườn cây đối với người dân huyện Châu Thành gặp nhiều khó khăn, nhất là thuê cơ giới rất khó, giá công lao động, cây giống tăng vọt. Trong khi đó, việc chi hỗ trợ nông dân bị thiệt hại do thiên tai đến nay vẫn chưa triển khai thực hiện được. Nhà vườn hiện nay dường như mất định hướng, không biết phải trồng cây gì vừa “né” hạn mặn vừa đảm bảo yếu tố thị trường.
Ở các xã Phú Đức, Phú Túc, Tân Phú, Tiên Long của huyện Châu Thành, số vườn cây đã cải tạo trồng mới chưa đến 50% diện tích vườn cây bị thiệt hại do hạn mặn. Không ít nhà vườn chỉ còn biết trồng cây chuối, cây dừa hay chanh xen vào vườn cây.
Ông Nguyễn Văn Cư, nhà vườn xã Phú Túc, có 9.000 m2 đất vườn chôm chôm và sầu riêng bị chết chia sẻ: “Hiện giờ tôi không có điều kiện về tài chính, tiền bạc để đầu tư làm lại cống bọng, phân bón, cây giống… Chắc sẽ phải tính toán trồng lại cây nào chống mặn như: dừa, bưởi, cam. Tiền công lao động rất đắt, 280.000 đồng/ngày, đầu ra nông sản rất bấp bênh”.
Một số nhà vườn thiếu vốn nên chỉ cải tạo đất trồng cây chuối sau hạn mặn
Xã Tân Phú, huyện Châu Thành có diện tích vườn cây ăn trái là 900 ha, trong đó có hơn 70% bị thiệt hại do hạn mặn.
Ông Trần Hoàng Liêm, Chủ tịch UBND xã Tân Phú cho biết, đến nay chỉ có gần 50% vườn cây đã được khôi phục. Địa phương cũng chưa có chính sách hỗ trợ cho nhà vườn ngoài việc chuyển giao kỹ thuật sản xuất.
“Do hạn mặn gây thiệt hại như vậy nên bà con bây giờ không còn tiền để khôi phục, trồng lại cây mới. Chúng tôi chỉ liên hệ ngành chuyên môn để hỗ trợ bà con cách rửa mặn. Đến thời điểm này mới chỉ có thống kê thôi chứ chưa hỗ trợ cho bà con, kinh phí thì đợi ở trên chứ xã không có kinh phí”, ông Trần Hoàng Liêm cho hay.
Nông dân xã Tân Phú, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre đốn bỏ vườn sầu riêng mà chưa biết trồng lại cây gì.
Ông Nguyễn Anh Quốc – Phó trưởng phòng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn huyện Châu Thành cho biết, sau đợt hạn mặn lịch sử vừa qua, toàn huyện đã có hơn 5.000 ha vườn cây bị thiệt hại, trong đó chôm chôm chết trắng hơn 20%, sầu riêng hơn 10%. Đến thời điểm này, huyện đã lập xong danh sách và chuyển về tỉnh chờ xem xét và có quyết định chi hỗ trợ cho nhà vườn.
Việc khôi phục vườn cây ăn trái trở lại như ban đầu rất khó khăn nhất là phải có thời gian dài, nguồn kinh phí đầu tư. Nhà vườn huyện Châu Thành cũng như ở tỉnh Bến Tre đang cần sự tiếp sức của các cấp chính quyền và ngành chuyên môn để vượt qua khó khăn./.
Nhật Trường/VOV-ĐBSCL
https://vov.vn/kinh-te/nong-dan-ben-tre-chua-the-khoi-phuc-vuon-cay-an-trai-sau-han-man-1088077.vov
Ý kiến ()