Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Chủ Nhật, 24/11/2024 18:44 (GMT +7)
Nông dân giàu là gốc để phát triển nông thôn mới bền vững
Thứ 7, 14/10/2017 | 10:01:00 [GMT +7] A A
Ngành Nông nghiệp Việt Nam đang đóng vai trò ngày càng quan trọng, được coi là trụ đỡ của nền kinh tế quốc gia. Phát triển bền vững ngành nông nghiệp, góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của đất nước giai đoạn hiện nay.
Nhân dịp kỷ niệm 87 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (14/10/1930 – 14/10/2017), phóng viên TTXVN đã phỏng vấn Chủ tịch Trung ương Hội Nông dân Việt Nam Lại Xuân Môn, về vai trò của Hội trong việc hỗ trợ hội viên tích cực sáng tạo sản xuất nông nghiệp, góp phần vào sự phát triển chung của nông nghiệp, nông thôn và nông dân.
Cánh đồng lúa của nhân dân xã Ninh Thành, huyện Ninh Giang, Hải Dương. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN |
Thưa ông, thời gian qua, nhiều gương nông dân tiêu biểu đã và đang thành công trong sáng tạo các sản phẩm nông nghiệp, góp phần vào sự phát triển chung vì nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Ông nhận định như thế nào về điều này?
Qua 30 năm đổi mới, dù có những khó khăn và thuận lợi nhưng nông dân Việt Nam rất giỏi và sáng tạo. Từ một đất nước có nhiều khó khăn, thiếu đói, Việt Nam đã vượt qua khó khăn, từng bước tạo ra đột phá trong kinh tế nông nghiệp. Hiện nay, sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam đã được xuất khẩu đi khắp thế giới, người nông dân luôn trăn trở, tìm tòi hướng sản xuất kinh doanh để làm giàu cho bản thân, gia đình và xã hội.
Nhiều nông dân tự mày mò nghiên cứu ra các loại giống cây, giống con mà các nhà khoa học chưa nghiên cứu ra. Bên cạnh đó, nhiều nông dân tự chế tạo các loại máy móc, thiết bị để giảm sức lao động, tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp có giá trị cao như máy bơm nước, máy phun thuốc trừ sâu, máy cày đa năng, máy cắt tỉa cành cây… Tính đến đầu năm 2017, cả nước có hơn 3 triệu nông dân đạt danh hiệu nông dân sản xuất kinh doanh giỏi các cấp (chiếm 57,2% số hộ đăng ký). Số hộ nông dân có thu nhập trên 1 tỷ đồng/năm tăng 5 lần so với giai đoạn 2007-2012.
Nhiều ý tưởng, giải pháp sáng tạo kỹ thuật của nông dân đã được ứng dụng rộng rãi rất hiệu quả, thiết thực. Xin ông đánh giá về vai trò của Hội Nông dân Việt Nam trong công tác này?
Vừa qua, Hội Nông dân Việt Nam đã khơi dậy ý tưởng sáng tạo của nông dân và nhân rộng các ý tưởng đó ở khắp mọi miền của Tổ quốc. Hội Nông dân đã tổ chức các Hội thi Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, cuộc thi Nhà nông đua tài. Tới đây, Hội sẽ tổ chức Chương trình Tự hào Nông dân Việt Nam – 30 năm đổi mới, nhằm tôn vinh sự sáng tạo của nông dân trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp; sáng chế, sáng tạo giải pháp kỹ thuật và xây dựng nông thôn mới.
Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã ký kết với Tập đoàn Alphabet giúp 30.000 nông dân Việt Nam sử dụng các điện thoại thông minh ứng dụng vào sản xuất nông nghiệp; ký kết với Tập đoàn Công nghệ thông tin của Hàn Quốc đưa điện thoại thông minh vào sản xuất nông nghiệp.
Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Bộ Khoa học và Công nghệ hỗ trợ nông dân nguồn lực về vốn, đào tạo nghề; cấp bằng sáng chế để đảm bảo quyền lợi cho nông dân; xây dựng, nhân rộng các mô hình sáng tạo thành công trong sản xuất nông nghiệp để phát huy vai trò của nông dân Việt Nam trong công cuộc xây dựng nông thôn mới hiện đại, văn minh.
Thời gian tới, Hội Nông dân Việt Nam có những giải pháp gì để đẩy mạnh phong trào sáng chế, sáng tạo của nông dân, thưa ông?
Hội Nông dân Việt Nam là tổ chức chính trị – xã hội có chức năng chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của giai cấp nông dân; hướng dẫn, hỗ trợ nông dân phát triển kinh tế, xã hội nông thôn. Với trách nhiệm của mình, Hội đã hợp tác, phối hợp hiệu quả với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước ở lĩnh vực cung ứng, hỗ trợ nông dân về vật tư, phân bón, máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp. Nông dân giàu có là cái gốc để phát triển nông thôn mới bền vững. Giải quyết khó khăn ở các lĩnh vực y tế, giáo dục, văn hóa, lao động, việc làm và bảo đảm an ninh nông thôn… là nền tảng giúp nông dân vượt qua được những thách thức của hội nhập kinh tế quốc tế.
Để đẩy mạnh phong trào sáng chế, sáng tạo của nông dân, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đã ban hành Quy chế yêu cầu tất cả các cán bộ công tác tại Hội phải xây dựng ý tưởng sáng tạo, đưa ý tưởng đó vào thực tiễn; vận động cán bộ, hội viên trong cả nước phát huy, khai thác, nghiên cứu, nhân rộng mô hình và cá nhân nông dân sáng tạo; tập hợp ý tưởng sáng tạo của hội viên nông dân từ cơ sở đến Trung ương thông qua các cuộc thi như Nhà nông đua tài để từ đó phổ biến, nhân rộng ý tưởng hay vào sản xuất nông nghiệp. Hội Nông dân Việt Nam đã đề nghị các bộ, ngành liên quan hỗ trợ kinh phí; cấp giấy chứng nhận cho nông dân sáng tạo ra các sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp, làm sao để huy động 70% dân số Việt Nam tham gia vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.
Xin ông cho biết mục tiêu, nhiệm vụ của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam trong thời gian tới?
87 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng, giai cấp nông dân, Hội Nông dân Việt Nam không ngừng lớn mạnh, có nhiều bước phát triển mới. Trước đây, Hội Nông dân Việt Nam hoạt động chủ yếu là tuyên truyền, vận động, giáo dục, thuyết phục, nay đã chuyển sang bảo vệ nông dân, thể hiện ở ba khía cạnh: Hội Nông dân làm tốt nhiệm vụ thông tin, truyền đạt những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến nông dân, đồng thời lắng nghe những phản ánh, bức xúc của nông dân, chuyển đến Đảng, Nhà nước để có những sửa đổi, bổ sung, ban hành Nghị quyết, chính sách phù hợp.
Bà con nông dân xã Tùng Lộc, huyện Can Lộc, Hà Tĩnh thu hoạch lúa. Ảnh: Tường Vũ/TTXVN |
Hội bảo vệ nông dân thông qua việc đề xuất các chủ trương, chính sách liên quan đến nông nghiệp, nông dân, nông thôn như về đất đai sản xuất, vốn, khoa học công nghệ, bảo quản, chế biến, tiêu thụ… Đất nước đang hội nhập sâu rộng mang đến cả thời cơ và thách thức, nhưng với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn, thách thức nhiều hơn do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đang diễn ra gay gắt. Vì thế, Hội Nông dân phải có vai trò đề xuất đến các cấp trong việc thực hiện các chính sách cho nông dân; vấn đề môi trường, vật tư nông nghiệp kém chất lượng… để giúp người nông dân vượt qua được những khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.
Thời gian tới, Hội Nông dân Việt Nam tiếp tục phối hợp với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn hỗ trợ nông dân về nguồn vốn vay ưu đãi trong sản xuất; ký phối hợp với các doanh nghiệp cung cấp vật tư nông nghiệp, máy móc kỹ thuật theo hình thức trả chậm; định hướng cho nông dân liên kết các doanh nghiệp; xây dựng các hợp tác xã kiểu mới theo chuỗi, các mô hình nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, mỗi tỉnh, thành phố lựa chọn một mô hình tiêu biểu, từ đó nhân rộng ra khắp cả nước.
Ý kiến ()