Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Sáu, 29/11/2024 20:32 (GMT +7)
Nông dân lao đao do triều cường, mưa dầm gây thiệt hại hoa màu
Thứ 3, 31/10/2017 | 15:14:00 [GMT +7] A A
VOV.VN – Nước lũ lên nhanh và chậm rút đã ảnh hưởng đến hàng ngàn ha vườn cây ăn trái, hoa màu của bà con vùng nam sông Hậu.
Trong thời gian qua, nước lũ từ thượng nguồn đổ về hạ nguồn khiến nhiều vườn cây ăn trái ở một số địa phương vùng nam sông Hậu bị nước lũ dâng ngập. Trong khi đó, tại các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu trong gần nửa tháng qua, những trận mưa lớn, kéo dài cũng đã gây thiệt hại nặng nề nhiều diện tích lúa, rau màu của bà con.
Tại tỉnh Hậu Giang, nước lũ lên nhanh và chậm rút đã ảnh hưởng đến hàng ngàn ha vườn cây ăn trái của bà con, trong đó thiệt hại nặng là vùng đất trũng huyện Phụng Hiệp. Theo thống kê, ngoài 300 ha vườn cây ăn trái ngoài đê bao bị ngập, còn có hơn 1.000 ha vườn cây ăn trái trong đê bao bị ảnh hưởng. Mặc dù, bà con đã tích cực bơm tát và trong những ngày gần đây triều cường đã bắt đầu rút dần nhưng do nước lũ ngập, cầm chân quá lâu nên đã gây thiệt hại nặng nề cho nhiều vườn cây ăn trái.
Ngoài tốn kém chi phí bơm tát, năng suất trái, giá bán bị giảm, nhà vườn còn phải tốn nhiều chi phí và thời gian vài năm để khôi phục lại những vườn cây ăn trái bị chết.
Ông Võ Văn Phải, Giám đốc Hợp tác xã mãng cầu xiêm Hoà Mỹ, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu giang cho biết, hợp tác xã có 78 ha mãng cầu cho thu nhập mỗi năm hơn 10 tỷ đồng, tuy nhiên hiện tại đã có 68 ha bị ngập.
“Các chủ vườn đều chuẩn bị và có đập hết, nhưng bây giờ nước tràn tới bờ rồi có dùng bơm cũng không kịp. Đặc biệt là cây mãng cầu, nó hư hỏng rất chậm. Nếu bị ảnh hưởng do ngập nước thì 1 – 2 tháng sau nó mới chết” – ông Võ Văn Phải cho biết.
Trong khi đó tại tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu, các trận mưa lớn liên tục đã ảnh hưởng đến việc sản xuất lúa, rau màu của bà con nông dân. Tại xã Hiệp Thành, Thành phố Bạc Liêu nhiều diện tích rau màu bị ngập sâu trong nước, nông dân phải nhổ dù chưa đến kỳ thu hoạch để bán, bán tháo nhằm hạn chế phần nào thiệt hại cho gia đình. Có hộ diện tích rau màu mất trắng do thối rễ.
Anh Ngô Chí Hiếu ở ấp Giồng Giữa, xã Hiệp Thành, Thành phố Bạc Liêu, buồn rầu cho biết: “Các vườn trong khu vực ở đây đều ngập hết. 4 công rẫy tôi trồng gần ngày thu hoạch rồi mà giờ mưa ngập thối hết. Coi như mất trắng không còn vớt vát được gì hết”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, trước đây, thành phố Bạc Liêu đã đầu tư khá nhiều máy bơm để đặt ở các trạm phục vụ cho việc bơm tác nước khi cần thiết để bảo vệ vườn, rẫy của bà con. Từ sự quan tâm đầu tư đó và sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương, ngành chức năng đã giúp cho việc khắc tình trạng ngập nước được tốt hơn trong những mùa mưa trước.
Lần này, khi mới phát hiện nước ngập, nhiều bà con trồng màu ấp Giồng Giữa, xã Hiệp Thành đã trình báo với Trưởng ấp về tình hình ngập úng để có giải pháp bơm tát nước hạn chế thiệt hại. Tuy nhiên, họ vẫn không thấy chiếc máy bơm nào được đem đến bơm tát và nước cứ ngập trên rẫy suốt thời gian qua.
Ông Quách Văn Hận ở ấp Giồng Giữa, xã Hiệp Thành, thành phố Bạc Liêu, bức xúc: “Nước ngập cũng một tuần nay rồi. Tôi phải đắp, be bờ, tát nước, mà điện cho trưởng ấp đem máy đến bơm cho rút bớt nhưng không thấy hồi đáp. Rồi hôm qua, trời mưa lớn khiến nước ngập hết cả ruộng buộc tôi phải nhổ cải non. Điều này cũng gây thiệt hại cho tôi cả chục triệu đồng”.
Trong thời gian qua, triều cường, mưa dông gây nhiều thiệt hại cho người dân ĐBSCL. Bên cạnh việc đẩy mạnh việc tuyên truyền để bà con chủ động phòng chống, thiết nghĩ các địa phương cần có những giải pháp hiệu quả và sự phối hợp, hỗ trợ người dân kịp thời khi thiên tai xảy ra nhằm hạn chế thiệt thiệt hại cho bà con ở mức thấp nhất./.
Tấn Phong/VOV-ĐBSCL
Ý kiến ()