Tất cả chuyên mục
Long An|
30°C
/ 27°C - 33°C
Thứ Năm, 28/11/2024 21:53 (GMT +7)
Nông nghiệp công nghệ cao: ‘Mở khóa’ giá trị vùng đất khó
Thứ 2, 31/07/2017 | 15:53:00 [GMT +7] A A
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, khi dự Hội nghị Xây dựng nền công nghiệp Nông nghiệp Việt Nam tháng 12/2016 tại Thành phố Hồ Chí Minh đã xác định: “Khi cách mạng công nghiệp 4.0 diễn ra quyết liệt trên toàn cầu, thì cùng với công nghệ thông tin và du lịch, nông nghiệp công nghệ cao là một trong ba thế mạnh của Việt Nam”.
Trồng mướp đắng tại vùng sản xuất rau an toàn Ninh Đông, thị xã Ninh Hòa – nơi đang xây dựng khu nông nghiệp công nghệ cao. Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN |
Sau đó, Chính phủ đã đưa có gói tín dụng ưu đãi lãi suất lên tới 100.000 tỷ đồng để hỗ trợ phát triển nông nghiệp công nghệ cao và nông nghiệp sạch. Tuy nhiên số lượng các dự án và doanh nghiệp Việt Nam xúc tiến thực hiện đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao trong nửa đầu năm 2017 vẫn còn hạn chế. Bên cạnh những thương hiệu như Vineco, HAGL, TH, Vinamilk, cũng đã xuất hiện những tên tuổi mới như Công ty CIC với hơn 1.000ha trồng ca cao ứng dụng toàn bộ hệ thống tưới nhỏ giọt của Isarael vào vùng đất cằn cỗi Easup (Đắk Lăk), và Công ty sữa Nutifood “tiến quân” vào lĩnh vực cà phê, hay Pan Group đầu tư hoa tươi công nghệ cao xuất khẩu đi Nhật.
Giáo sư Đại học Harvard – Ricardo Hausmann nhận xét, mọi quốc gia đều có khó khăn và hạn chế, nhưng điều gây kinh ngạc của Israel là thiên hướng tiếp nhận các vấn đề như sự thiếu nước và biến chúng thành tài sản, thậm chí dẫn đầu thế giới về lĩnh vực nông nghiệp vùng hoang mạc, tưới nhỏ giọt và khử mặn.
Tương tự như Israel, Ea Súp là huyện vùng sâu vùng xa của tỉnh Đắk Lắk nơi điều khiện khí hậu thổ nhưỡng rất khắc nghiệt. Ea Súp có lượng mưa thấp nhất Tây Nguyên, nhưng khi mưa đất lại dễ ngập úng; mùa khô thì kéo dài với nhiệt độ cao, do vậy ảnh hưởng xấu đến các loại cây trồng.
Chuyên gia đầu ngành ca cao Việt Nam, TS Phạm Hồng Đức Phước hiện là cố vấn kỹ thuật Công ty Ca cao Intercontinental Coporation (CIC) cho biết: “Năm 2015, chúng tôi khảo sát tìm kiếm quỹ đất thực hiện dự án trồng ca cao. Ea Súp là một trong những khu vực mục tiêu do có địa hình bằng phẳng, lý tưởng cho việc cơ giới hóa, tự động hóa. Tuy nhiên vùng đất này cũng có vô vàn khó khăn để phát triển nông nghiệp và nếu chỉ dựa vào tự nhiên thì v ới thời tiết khắc nghiệt tại vùng đất biên giới này, hầu như không thể triển khai thương mại hóa các cây nông nghiệp và công nghiệp được”
CIC đã dành hơn một năm cùng các chuyên gia nghiên cứu tìm hiểu các hạn chế về thổ nhưỡng, điều kiện tự nhiên và giải pháp. Để vượt qua điều kiện bất lợi về thời tiết, đất đai, dự án quyết định lựa chọn công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel kết hợp với việc xây dựng hệ thống thoát nước đồng bộ. Tất cả các khâu từ khảo sát, thiết kế, thi công, lắp đặt đều được trực tiếp thực hiện bởi các chuyên gia Israel. Có thể khẳng định rằng đây là một trong số rất ít nông trại quy mô lớn trong ngành ca cao thế giới và là trang trại Cacao quy mô lớn đầu tiên tại Việt Nam được áp dụng 100% công nghệ, thiết bị tưới nhỏ giọt của Israel ngay từ giai đoạn kiến thiết cơ bản.
Ông Đinh Hải Lâm, Tổng Giám đốc của CIC phân tích: “Ở Israel, nông nghiệp là lĩnh vực mà 95% là khoa học và chỉ 5% lao động. Do đó việc chúng tôi đầu tư vốn đưa công nghệ cao vào vận hành nông trại CIC không chỉ là thiết lập hệ thống tưới tiêu, mà còn phải đầu tư đồng bộ toàn bộ hệ thống máy móc công cụ nông học công nghệ cao cho toàn bộ chuỗi giá trị của cây cacao, từ khâu giống, khâu trồng và chăm sóc cây, cho đến công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch. Với quy mô trang trại quy mô lớn, CIC cũng đã triển khai các phần mềm để quản lý nghiệp vụ nông nghiệp tên thực địa nông trường, và phần mềm ERP (Enterprise Resource Planning-hệ thống hoạch định tài nguyên doanh nghiệp).
Nói đến nông nghiệp công nghệ cao, CIC phải quan tâm cả phần cứng và phần mềm thì mới quản lý được năng suất lẫn chất lượng ở một quy mô lớn. Trong tương lai, CIC mở rộng theo mô hình lấy nông trường của mình làm trung tâm, từ đó mở rộng sản xuất thông qua việc liên kết với các nông hộ nhỏ. Các hộ tham gia vào liên kết sẽ được chuyển giao kỹ thuật để tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn ngặt nghèo nhất của các thị trường xuất khẩu, và vì thế sẽ được CIC bao tiêu toàn bộ sản phẩm.
Là doanh nghiệp đầu tiên tại khu Kinh tế quốc phòng Ea Súp triển khai mô hình liên kết sản xuất, doanh nghiệp và nông dân cùng làm nông nghiệp công nghệ cao, CIC đặt mục tiêu trồng 1.000 ha ca cao tập trung và 3.000ha liên kết với các nông hộ nhỏ, quy mô sản lượng 10.000 tấn, góp phần đáng kể đánh thức tiềm năng của một vùng đất biên địa thiên nhiên khắc nghiệt này.
Thương hiệu toàn cầu cho nông sản Việt – Hành trình của NN-CNC
Việt Nam vốn nổi tiếng với vị thế hàng đầu thế giới trong lĩnh vực nông sản hàng hóa (gạo, cà phê, tiêu, hạt điều, v.v…), tuy nhiên thương hiệu toàn cầu của người Việt lại vẫn còn rất khiêm tốn. Bà Trần Kim Yến, đại diện cho Quỹ đầu tư Việt Nam – Oman – cơ quan đại diện quản lý đầu tư của Quỹ Dự Trữ Quốc Gia Vương Quốc Oman tại Việt nam chia sẻ: “Các quỹ đầu tư mong muốn tìm những cơ hội đầu tư vào các công ty Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao có khả năng theo suốt được chuỗi giá trị của nông sản – được gọi là “From Farm to Table” (từ nông trại tới bàn ăn) và có thể đưa được thương hiệu riêng của nông sản Việt Nam tới tay người tiêu dùng trên nhiều thị trường xuất khẩu chứ không chỉ là bán sỉ tại của nông trại”.
Về phía doanh nghiệp, ông Phạm Anh Tuấn – Phó TGĐ CIC cho biết: “Để doanh nghiệp Việt Nam thành công xây dựng thương hiệu toàn cầu cho nông sản thì bản thân doanh nghiệp phải có định hướng xây dựng thương hiệu và kênh phân phối nông sản ở các thị trường mục tiêu ở nước ngoài với chất lượng ổn định, sản lượng ổn định, và giá thành ổn định. Muốn như vậy, hướng đi nông nghiệp công nghệ cao trên nền tảng nông trại quy mô lớn là xu hướng tất yếu. Nếu các doanh nghiệp Việt Nam không bắt nhịp từ thời điểm này, chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn trong cạnh tranh với các nước trong khu vực”.
Để làm quy mô lớn, khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp chính là vấn đề tiếp cận đất đai, cần những quỹ đất lớn mới thực hiện được nông trại quy mô lớn. Nhiều địa phương cấp đất dự án nhưng doanh nghiệp không thể tiếp cận quỹ đất sạch vì địa phương không thể thực hiện đền bù giải tỏa tỷ lệ đa số quỹ đất đã bị người dân xâm canh. Vừa qua trong phiên họp trù bị, nhóm công tác về Nông nghiệp của Diễn đàn Kinh tế tư nhân VN – VPSF 2017 cũng đã kiến nghị xóa bỏ hạn điền để tạo cơ chế tập trung/tích tụ đất đai – và tìm nhiều biện pháp thiết thực để cùng các địa phương hỗ trợ doanh nghiệp nhanh chóng tiếp cận quỹ đất sạch. Các doanh nghiệp đang rất kỳ vọng vào VPSF 2017 diễn ra vào ngày 31/7/2017 sẽ là diễn đàn quan trọng để hiến kế cho Chính Phủ và cùng chia sẻ quyết tâm xây dựng thương hiệu toàn cầu cho nông sản Việt.
Ý kiến ()