Chủ Nhật, 24/11/2024 21:23 (GMT +7)

Nông nghiệp thông minh: Đừng làm nửa vời

Thứ 3, 04/09/2018 | 10:03:00 [GMT +7] A  A

VOV.VN – Trừ một vài doanh nghiệp lớn mạnh dạn đầu tư, cách làm nông nghiệp thông minh như hiện nay đang phản ánh sự thiếu đồng bộ và liên kết.

Giữa năm nay, những người làm nông nghiệp trong nước đón tin vui khi blockchain – một công nghệ còn mới mẻ và mơ hồ tại Việt Nam – đã được ứng dụng thành công vào truy xuất nguồn gốc trái xoài Mỹ Xương tại Đồng Tháp.

Nông nghiệp thông minh cần cú hích công nghệ đồng bộ. (Ảnh minh họa: MimosaTEK)

Về mặt lý thuyết, việc truy xuất nguồn gốc thông qua tem QR code dán trên trái xoài Mỹ Xương giúp người tiêu dùng biết được thông tin chính xác về trái xoài, từ đó giúp họ lựa chọn đúng sản phẩm, tránh “vàng thau lẫn lộn”.

Thực tế, câu chuyện truy xuất nguồn gốc trái xoài mới chỉ thành công bước đầu về mặt kỹ thuật. Câu hỏi đặt ra là tính chính xác của thông tin ra sao, khi mà thông tin dữ liệu về trái xoài được người nông dân nhập bằng tay lên hệ thống blockchain.

Lý giải điều này, ông Đỗ Văn Long, giám đốc chiến lược của Công Ty Infinity Blockchain Labs (IBL) tại Việt Nam – đơn vị hỗ trợ HTX xoài Mỹ Xương thực hiện truy xuất nguồn gốc cho hay: Tại Việt Nam, việc đưa thông tin lên hệ thống blockchain vẫn phần lớn thực hiện bằng tay. Do chưa lắp đặt các thiết bị cảm biến Internet vạn vật (IoT), nên người trồng xoài buộc phải nhập dữ liệu thủ công.

Theo cách hiểu đơn giản, blockchain sẽ phát huy hiệu quả trong nông nghiệp khi được kết hợp cùng các thiết bị cảm biến IoT, bởi các thiết bị này sẽ tự động thu thập dữ liệu về cây trồng, thời tiết, độ ẩm, ánh sáng, lượng nước… Từ đó, đưa ra các khuyến nghị để người làm nông nghiệp can thiệp vào quá trình sản xuất.

“Nên hay không nên ứng dụng blockchain vào nông nghiệp vẫn là một dấu hỏi lớn và tùy vào đối tượng áp dụng”, ông Đỗ Văn Long nhận định.

Ông Long cho hay, nếu tất cả thông tin đều được đo đếm rõ ràng bằng thiết bị IoT như mô hình trồng xoài trong nhà vườn ở Nhật Bản, thì rất phù hợp để đưa lên hệ thống blockchain.

Hiện công ty IBL đang hỗ trợ miễn phí cho HTX xoài Mỹ Xương triển khai truy xuất nguồn gốc. Tuy nhiên, đã có những lo ngại về giá bán xoài tăng cao khi chi phí trái xoài tăng lên nếu áp dụng công nghệ blockchain.

Ông Long đánh giá: Với diện tích lớn như HTX xoài Mỹ Xương thì việc ứng dụng công nghệ cao như blockchain và IoT vô tình sẽ đẩy giá trái xoài lên rất cao, sẽ ảnh hưởng đến sức mua của thị trường.

Nông nghiệp IoT vướng gì?

Ngoài ưu điểm đo đếm các yếu tố điều kiện tự nhiên và vật tư đầu vào, việc sử dụng thiết bị IoT giúp cắt giảm nhân công, chi phí sản xuất. Tuy nhiên, chi phí đầu tư đồng bộ cho mô hình nông nghiệp Io T không hề rẻ.

Theo ông Nguyễn Đức Máy, người đồng sáng lập Công ty TNHH Demeter, đối với dự án nhà lưới thủy canh Cầu Đất Farm (TP Hồ Chí Minh) với quy mô 1ha, thì chi phí đầu tư lên đến 10 tỉ đồng.

Bà Lê Lan Anh, giám đốc điều hành của công ty nông nghiệp chính xác MimosaTEK cho rằng, chi phí đầu tư chỉ là một phần khó khăn trong triển khai nông nghiệp thông minh.

Tại Việt Nam, phát triển nông nghiệp thông minh ở Việt Nam còn rất hạn hẹp. Số lượng doanh nghiệp làm nông nghiệp thông minh như MimosaTEK chưa nhiều, chỉ khoảng chục doanh nghiệp.

Theo bà Lan Anh, so với các startups công nghệ khác thì đầu tư nông nghiệp thông minh không phát triển nhanh chóng được, bởi không thể phát triển được 1.000 hay 1 triệu khách hàng ngay trong 1 tháng được.

MimosaTEK thiết kế một ứng dụng nông nghiệp thông minh khá đơn giản và dễ sử dụng như Zalo, nhưng lượng khách hàng chỉ được vài trăm người sau một thời gian triển khai.

Tại hội thảo về nông nghiệp thông minh mới đây tại Hà Nội, các chuyên gia nhận định, tiềm năng phát triển nông nghiệp thông minh ở Việt Nam là rất lớn, nhất là khi ứng dụng khoa học công nghệ cao như IoT, blockchain, big data… vào sản xuất, chế biến và phân phối sản phẩm nông nghiệp.

Lợi ích từ đầu tư vào nông nghiệp thông minh là rất rõ rệt. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho hay, tại Mỹ và các nước Nam Mỹ, áp dụng những công nghệ 4.0 vào sản xuất nông nghiệp giúp cắt giảm phần lớn giá thành sản phẩm. Ở Nhật Bản, chỉ với 2 triệu lao động nông nghiệp nhưng canh tác 1,5 triệu ha và vẫn đáp ứng tốt nhu cầu nông yếu phẩm của xã hội.

Nông nghiệp Việt Nam là ngành có lợi thế nội trội so với các ngành khác và luôn có thặng dư thương mại. Tuy nhiên, đầu tư vào nông nghiệp đang đặt ra một dấu hỏi lớn, bởi cơ hội để phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp thông minh là hiện hữu, nhưng đầu tư vào nông nghiệp còn rất “èo uột”, chỉ chiếm khoảng 1%.

Tính đến năm 2017, cả nước hiện có 5 khu nông nghiệp công nghệ cao ở Hậu Giang, Phú Yên, thành phố Hồ Chí Minh, Lâm Đồng và Bạc Liêu. Ngoài những tên tuổi lớn Vinamilk hay TH True Milk, số lượng doanh nghiệp làm nông nghiệp thông minh ở Việt Nam còn hạn chế.

Ông Đỗ Văn Long của Công Ty IBL Việt Nam cho rằng, có nhiều thách thức trong ứng dụng blockchain vào nông nghiệp thông minh bởi công nghệ này đang trong quá trình hoàn thiện.

“Chúng ta chưa đủ nguồn nhân lực và am hiểu sâu về công nghệ này. Rất cần sự vào cuộc của doanh nghiệp, nhà công nghệ và nhà hoạch định chính sách để thúc đẩy ứng dụng công nghệ blockchain.”

Theo TS. Nguyễn Hoàng, giảng viên Đại học California Davis (Mỹ), trong số các công nghệ mới đây, thì internet là yếu tố có thay đổi cục diện của nông nghiệp Việt Nam. Với internet, người dân trong nước có thể cập nhật kho tàng tri thức, công nghệ có sẵn.

“Đây chính là cầu nối trong thế giới phẳng, giúp người dân tiếp cận tri thức nông nghiệp của thế giới với chi phí thấp nhất.”

Ông Nguyễn Hoàng cho rằng, cần thiết phải xây dựng hệ sinh thái tri thức cho nền nông nghiệp thông minh. Trong đó, cốt lõi là công tác xây dựng cầu nối, hấp thu công nghệ từ nước ngoài một cách có hệ thống, chuyên môn hoá nông nghiệp trong nước, giảm bớt chi phí nghiên cứu trong nước mà vẫn đảm bảo hiệu quả cuối cùng./.

CTV Hồng Quang/VOV.VN

 

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu