Thứ Năm, 28/11/2024 13:31 (GMT +7)

Nữ tiến sĩ bỏ lương nghìn đô về Việt Nam

Thứ 5, 05/04/2018 | 17:06:00 [GMT +7] A  A

Bỏ mức lương hấp dẫn ở Hàn Quốc, về Việt Nam bắt đầu từ số 0, chị đặt viên gạch đầu tiên cho phòng thí nghiệm y học tái tạo.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp (37 tuổi) là người thứ hai của Việt Nam nhận giải khoa học trẻ tài năng thế giới của Quỹ L’Oréal – UNESCO. “Giải thưởng là thước đo cho cống hiến trong khoa học của tôi. Đó cũng là sự bù đắp những khó khăn vất và là động lực để tôi tiếp tục theo đuổi đam mê”, chị nói.

Không phải lần đầu nhận được thành tích như trên, nhưng lần nào được xướng tên cùng đồng nghiệp đến từ nhiều quốc gia, tiến sĩ Hiệp đều cảm thấy tự hào bởi “Việt Nam là phần quan trọng trong bản đồ thế giới”.

Bỏ lương nghìn đô về Việt Nam

Sau khi nhận bằng thạc sĩ và tiến sĩ ngành vật liệu sinh học và kỹ thuật tái tạo mô ở trường Soonchunhyang Hàn Quốc, tiến sĩ Hiệp nhận được lời mời làm việc mới mức 3.000 USD một tháng.

Lúc này ngành y học tái tạo ở Việt Nam còn quá mới. Chị đứng trước hai lựa chọn, nếu ở lại Hàn Quốc sẽ có cuộc sống và điều kiện nghiên cứu tốt hơn, nhưng phải xa những người thân yêu. Nếu trở về Việt Nam, chị phải bắt đầu từ con số 0, làm việc với mức lương thấp hơn và chống chọi với vô vàn khó khăn.

Cuối cùng tình cảm với gia đình thôi thúc chị phải làm gì đó cho quê hương. Chị về nước, xin giảng dạy tại bộ môn Kỹ thuật y Sinh, Đại học Quốc tế (Đại học Quốc gia TP HCM) và đã thành công khi đặt viên gạch đầu tiên cho phòng thí nghiệm y học tái tạo.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp trở về Việt Nam đặt viên gạch đầu tiên cho phòng thí nghiệm y học tái tạo.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hiệp trở về Việt Nam đặt viên gạch đầu tiên cho phòng thí nghiệm y học tái tạo. Ảnh: NVCC.

Nhớ lại thời điểm đó, tiến sĩ Hiệp cho biết chị rơi vào trạng thái hoang mang khi không biết bắt đầu từ đâu. Phòng thí nghiệm không máy móc, đề tài không xin được tài trợ khiến chị nhiều lần muốn dừng lại. Chị cũng hiểu đất nước còn nhiều khó khăn nên mới như vậy. Sự động viên của thầy cô và học trò chính là động lực giúp chị tiếp bước để “khai hoang” lĩnh vực mới mẻ ở Việt Nam.

Trong quá trình xây dựng phòng thí nghiệm, chị mang thai nên sức khỏe giảm sút, ảnh hưởng không ít đến tiến độ. Tiến sĩ Hiệp phải tự cân bằng để hoàn thành công việc và hỗ trợ sinh viên nghiên cứu.

Phòng thí nghiệm sau đó đã có thiết bị đầu tiên nhờ thầy trưởng bộ môn đi vay mượn gần một tỷ đồng để mua. “Ai nấy vui mừng như nhìn thấy tương lai, nhưng cũng lo không biết phải trả nợ ra sao”, chị Hiệp nhớ lại. Nhờ sự tài trợ của Đại học Quốc gia TP HCM, tiến sĩ Hiệp cùng đồng nghiệp dần mua được một số thiết bị quan trọng. Và nhờ tìm được tài trợ trong, ngoài nước, mọi chuyện ổn định dần. Đến cuối năm 2017, phòng thí nghiệm có được những thiết bị tối cần thiết.

Song song với việc xây dựng phòng thí nghiệm y học tái tạo, chị còn xây dựng chương trình đào tạo, thu hút sinh viên để làm nghiên cứu. Chị cùng đồng nghiệp đi tìm những chủ đề trực tiếp liên quan đến Việt Nam và những chất liệu có nhiều ở Việt Nam.

“Nước ta có nhiều thứ mà nơi khác không có. Mình cần khám phá những chủ đề nghiên cứu đặc thù và sử dụng vật liệu sẵn có. Có như thế mới tạo được dấu ấn và thu hút được sự quan tâm hợp tác của đồng nghiệp quốc tế”, chị giải thích. Nữ tiến sĩ hy vọng tương lai sẽ có nhiều đồng nghiệp quốc tế tìm đến làm việc trong phòng lab của chị và mô hình của chị sẽ được nhân rộng ở nước chậm phát triển.

Mong muốn đưa sản phẩm Việt Nam đến quốc tế

Sinh ra ở vùng ngoại thành TP HCM, chị Hiệp chứng kiến không ít người bị thương chảy máu, khi mang lên trạm y tế đã bị mất máu quá nhiều vì trạm ở xa, cơ sở vật chất nghèo nàn. Có trường hợp vết thương nặng khi mang được lên bệnh viện thành phố sau khi di chuyển hơn 20 km bằng xe đạp, thì đã kiệt sức hoặc chết. Vì thế việc sơ cứu ban đầu rất quan trọng, tránh bị nhiễm trùng trong giai đoạn đầu và nếu dùng kháng sinh cũng rất nguy hiểm.

Từ đó chị Hiệp tập trung nghiên cứu các vật liệu sinh học như gel, băng dán và vật liệu hồi phục vết thương không cần khâu để người bệnh có thể sử dụng trực tiếp tại nhà. “Các sản phẩm băng gạc có tính kháng khuẩn đang có ở Việt Nam chủ yếu nhập từ nước ngoài nên đắt đỏ. Tôi mong muốn Việt Nam mình có thể tự làm ra những sản phẩm mọi người có thể dùng”, chị Hiệp cho biết.

Chị tâm niệm cung cấp dịch vụ chăm sóc y tế tốt hơn cho người dân ở vùng sâu sẽ nâng cao chất lượng cuộc sống, làm giảm áp lực di cư đến các thành phố lớn và tránh được việc điều trị vượt tuyến đến nhiều thành phố.

Dự án gần đây chị phát triển là một loại gel thông minh, đơn giản dễ dùng và giá rẻ. Sản phẩm có thể dán ngay lập tức lên tất cả vết thương, giúp diệt vi khuẩn và thúc đẩy sự tái tạo mô nhanh. Khi dán lên, gel sẽ tạo thành một lớp màng để ngăn ngừa chảy máu, hấp thụ chất lỏng từ vết thương và ngăn vi sinh vật.

Tiến sĩ Hiệp cho biết, học sinh là một trong động lực giúp chị vượt qua khó khăn. Ảnh: NVCC.

Tiến sĩ Hiệp chia sẻ, học sinh là một trong những động lực giúp chị vượt qua khó khăn. Ảnh: NVCC.

May mắn hướng nghiên cứu của chị được một cơ quan Hải Quân Mỹ tài trợ. “Trong khi đang lo lắng không biết làm sao thực hiện ý tưởng của mình vì không tìm được tài trợ đáng kể nào thì họ quả là một cứu tinh”, chị tâm sự và cho biết các thành quả đạt được chủ yếu cũng nhờ đó mà ra.

Chị mong muốn nghiên cứu và đưa công nghệ mới từ các nước phát triển trở lại Việt Nam, đồng thời cho ra đời các vật liệu sinh học và dược phẩm có nguồn gốc từ Việt Nam đến với thị trường thế giới.

Phụ nữ cũng cần sống cho đam mê

10 năm làm khoa học, chị ví von đó là khoảng thời gian như hình sin, có lúc lên cao, lúc lại xuống thấp. Như hầu hết phụ nữ, chị phải làm bổn phận của người mẹ, người vợ. May mắn chị có được gia đình luôn ủng hộ, nhất là ông xã lúc nào cũng động viên, tạo điều kiện cho chị nghiên cứu khoa học. “Mình có bàikhiến chồng như vậy”, chị cười nói.

Tiến sĩ Hiệp hy vọng những điều chị đóng góp cho khoa học sẽ là nguồn động viên giúp sinh viên, nhất là nữ giới mạnh dạn sống cho ước mơ. Có một số sinh viên nữ đang làm nghiên cứu rất chăm chỉ nhưng vì yêu đương, sau đó lập gia đình và bở lỡ việc nghiên cứu. “Đừng nghĩ rằng lớn lên phải lấy chồng sinh con và ở nhà chăm sóc gia đình, chồng con. Hãy cân bằng giữa cuộc sống gia đình và khoa học để cống hiến và để sống cho đam mê của bản thân”, chị Hiệp khuyên.

Chị kể, thời đại học đã thực hiện đề tài làm pin nhựa dẫn điện. Trong khi mọi người lo lắng không biết chị có làm nổi không hay phải chọn đề tài khác thì chị quyết tâm thực hiện. Kết quả đề tài đoạt giải nhất cấp Đại học Quốc gia TP HCM và giải ba nhà nước. Qua câu chuyện, chị muốn nhắn nhủ tới các bạn nữ: “Khi đã quyết tâm làm thì đừng lo sợ vì bất kỳ lý do gì. Sự rụt rè không mang ý tưởng đến được thực tế”.

Phạm Hương

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu